Việt Nam Thời Báo

VNTB – Hội đoàn xã hội dân sự có được quyền nhận hỗ trợ tài chính từ các quỹ hợp pháp ở nước ngoài?

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Sử dụng viện trợ nước ngoài để phục vụ mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, trốn thuế, xâm hại đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc… là những hành vi bị cấm theo Nghị định số 80/2020/NĐ-CP của Chính phủ mới ban hành.

Vậy thì nếu nhận hỗ trợ tài chính không nhằm đến các điều cấm ở trên, liệu có bị làm khó dễ – đặc biệt là với những hội đoàn xã hội dân sự thành lập tự phát, không thực hiện theo quy định của bộ thủ tục hành chính liên quan?

Cụ thể, tại Nghị định số 80/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho các cơ quan, tổ chức được thành lập hợp pháp tại Việt Nam nhằm mục đích phát triển kinh tế – xã hội, hỗ trợ nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận, thương mại.

Nghị định này cấm các hành vi sử dụng viện trợ để phục vụ mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, trốn thuế, xâm hại đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xâm hại đạo đức xã hội, thuần phong, mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, cấm các hành vi sử dụng viện trợ để tìm kiếm lợi nhuận phân chia, tư lợi cá nhân, không vì mục đích nhân đạo, phát triển kinh tế xã hội, không vì lợi ích cộng đồng.

Vấn đề đặt ra ở trên là liên quan đến nội dung của dự án luật Về Hội, hiện vẫn đang được bàn thảo và chưa rõ thời gian cụ thể trình Quốc hội phê chuẩn.

Có nhiều ý kiến tranh luận về quy định “Hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”. Có hai loại ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Loại thứ nhất tán thành quy định trên, nhằm phòng ngừa việc lợi dụng liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, nhận tài trợ nước ngoài để hoạt động trái pháp luật, chống phá nhà nước và chế độ. Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội dẫn nguồn Bộ Nội vụ cho biết hiện cả nước có khoảng trên 63.000 hội có đăng ký và đang hoạt động, thì số lượng hội có liên kết, gia nhập, nhận tài trợ nước ngoài không nhiều. Do đó, các trường hợp đặc biệt này do Chính phủ quy định cụ thể là hợp lý.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng quy định này là không phù hợp với chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, khép lại kênh quan hệ quốc tế rất quan trọng của ngoại giao nhân dân, mất đi cơ hội huy động và tiếp nhận một nguồn kinh phí đáng kể. Việc quy định các trường hợp đặc biệt có thể dẫn tới sự bất bình đẳng giữa các hội và tạo nên cơ chế xin – cho, phức tạp thêm thủ tục hành chính.

Ở đây cần lưu ý rằng yêu cầu chủ động và tích cực hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn của Đảng, nhưng quy định hạn chế như dự luật, sẽ làm mất cơ hội để tiếp cận nguồn lực to lớn của quốc tế viện trợ cho các đối tượng yếu thế – đặc biệt là với các bệnh nhân, nạn nhân, hỗ trợ cho các nhà khoa học, cho các cơ sở nghiên cứu, cho các bệnh viện… “Nhất là những hoạt động tài trợ liên quan đến thuốc men hoặc những cứu trợ tức khắc sẽ rất khó thực hiện, vì còn đi xin cơ chế đặc biệt. Quy định như vậy cản trở sự hội nhập, điều đó không thực sự phù hợp với quan điểm của Đảng”, nhiều ý kiến phản biện.

Bày tỏ nhất trí với quan điểm giải trình về việc phòng ngừa việc liên kết gia nhập nhận tài trợ để hoạt động trái pháp luật chống phá nhà nước và chế độ, phía Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cho rằng không nên phủ nhận trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay việc các hội liên kết gia nhập các tổ chức quốc tế là xu hướng tự nhiên và tất yếu, mang lại nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi và nguồn hỗ trợ hoạt động hiệu quả.

“Nước ngoài” thực ra không phải ai xa lạ. Chỉ riêng tổ chức Liên Hợp Quốc mà Việt Nam là quốc gia thành viên cũng đã có rất nhiều loại quỹ khác nhau cho các hội đoàn, được phân phối thông qua Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Quỹ Dân chủ Liên Hợp Quốc (UNDF), và nhiều chương trình khác.

“Nước ngoài” còn là Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), vốn cũng có chương trình tài trợ cho các tổ chức hội đoàn ở Việt Nam.

“Thậm chí tôi cho rằng với các hội đoàn xã hội dân sự tuy tự phát thành lập do chưa có luật Về Hội, và những hội đoàn này có thể là không thực hiện trình tự thủ tục hành chính về lập hội, song họ vẫn có thể nhận được các khoản hỗ trợ nhân đạo, miễn là những tổ chức này minh bạch, không nằm trong danh sách tài trợ khủng bố, rửa tiền…” – luật sư T.T., khẳng định từ biện luận: “Nước ngoài” còn là các tổ chức được thành lập bởi người Việt Nam định cư ở nước ngoài, những người được Hiến pháp 2013 ghi nhận là “bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.

Sự hiện diện của tiền nước ngoài cũng rất gần gũi với người Việt Nam. Đó là những cái giếng, thùng trữ nước, các nhà vệ sinh, phòng thí nghiệm, trường học, các đoàn cứu trợ khẩn cấp, các y bác sĩ chữa bệnh miễn phí, các sự kiện của giới LGBT, các báo cáo nghiên cứu – điều tra xã hội học về bình đẳng giới, hay ngay cả một số nghiên cứu về… quyền lập hội.

Tin bài liên quan:

VNTB – Ghi hình, ghi âm tại phiên tòa hình sự là cản trở hoạt động tố tụng?

Trương Thế Tử

VNTB – Thu hồi tài sản ‘tham nhũng tình dục’: bó tay?

Phan Thanh Hung

VNTB – Doanh nghiệp mẹ ở Việt Nam cho công ty con tại Hà Lan vay vốn

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo