Nguyễn Huyền
(VNTB) – Nếu có sự rõ ràng điều luật về báo chí tư nhân, chắc hẳn việc quản lý sẽ tốt hơn là chuyện ‘nhượng măng-sét’ (manchette) của một hồn Trương Ba – da Hàng Thịt.
“Tôi e ngại rằng chúng ta (Đảng – PV) đứng trước cảnh một bộ phận không nhỏ nhân dân coi chúng ta là nói mà không làm. Chúng ta rất tự hào rằng dân nói là “Đảng ta”, “Đảng của chúng ta”, “Đảng tôi”… Nhưng bây giờ đã ai kiểm định trong nhân dân có bao nhiêu phần trăm tin rằng đây là Đảng của tôi, của chúng tôi, của chúng ta?”.
Ở một buổi sinh hoạt Đảng tại địa phương, có một đảng viên là nhà báo, từng công tác trong tờ báo của tỉnh ủy, đã đặt vấn đề khá gay góc như vậy với Chi bộ.
Ông nhà báo này cho rằng để kiểm định xem có chừng bao nhiêu phần trăm đang hoài nghi Đảng, thì khách quan nhất vẫn là sự ghi nhận của báo chí tư nhân, vì các tòa soạn này không phải chịu áp lực của cơ quan chủ quản, cũng như các định hướng tuyên truyền tuần, tháng, quý từ phía Tuyên giáo Đảng.
Hiện tại thì chưa có báo chí tư nhân, nhưng Luật Báo chí phiên bản 2016, đồng ý để các cơ quan báo chí được phép liên kết trong hoạt động báo chí với cơ quan báo chí khác, với pháp nhân, cá nhân có liên quan phù hợp lĩnh vực liên kết… Các lĩnh vực được liên kết được quy định chung cho các chương trình, kênh phát thanh, truyền hình cũng như sản phẩm báo in, báo điện tử, cụ thể là các lĩnh vực: khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, thể thao, giải trí, quảng cáo, an sinh xã hội.
Tuy nhiên trên thực tế thì việc liên kết kiểu ‘công – tư hợp doanh’ này trong lãnh vực báo chí thường mang đến nhiều rủi ro cho cả đôi bên.
Trước tiên, việc một số cơ quan báo chí cho ra đời nhiều ấn phẩm phụ nhưng lại chưa có sự quản lý, giám sát hiệu quả, nên chất lượng ấn phẩm không bảo đảm. Sự dễ dãi cộng với lợi ích về kinh tế đã khiến một số cơ quan báo chí chỉ vì cái lợi trước mắt mà cho ra đời tràn lan các ấn phẩm phụ.
Chưa kể, có trường hợp ấn phẩm phụ còn được “bán” lại cho đơn vị khác chịu trách nhiệm xuất bản và khi đó, cơ quan chủ quản gần như không còn kiểm soát được nội dung, như “đem con bỏ chợ”, khiến ấn phẩm phụ đi chệch tôn chỉ, mục đích, thậm chí còn để xảy ra sai phạm trong thời gian dài.
Giống như một số trang tin điện tử, nhiều ấn phẩm phụ đi theo xu hướng thu hút độc giả bằng những chiêu trò thiếu lành mạnh, đưa thông tin thiếu kiểm chứng, đậm tính mê tín dị đoan, những sự việc có tính kỳ bí, hoặc sa đà vào các tin, bài có nội dung đề cập án mạng dã man… Thậm chí, một số ấn phẩm phụ còn có bài báo miêu tả tỉ mỉ những hành động giết người rùng rợn, đăng tải đậm đặc thông tin về tình dục phản cảm để thỏa mãn nhu cầu, thị hiếu của một bộ phận độc giả.
Bên cạnh nguyên nhân từ sự buông lỏng quản lý, giảm sát, còn có nguyên nhân là từ sự thiếu kinh nghiệm và lương tâm nghề nghiệp trong việc phát triển ấn phẩm báo chí khiến sai phạm xảy ra tương đối nhiều.
Còn về phía tư nhân, cũng cần tìm hiểu thấu đáo vì sao họ luôn tâm thế ‘mì ăn liền’ đến như vậy?
Có thể hình dung một nhóm các cá nhân cùng nhau thành lập một công ty, rồi ký kết một thỏa thuận liên kết với một cơ quan báo chí nào đó để nhận về làm từ đầu đến cuối một tờ báo kinh tế. Việc liên kết này sẽ được công khai trên mặt báo như ngoài bìa sách hiện đã có thể ghi tên nhà xuất bản, và cả tên công ty thực hiện cuốn sách.
Xã hội cũng cần các tổ chức tư nhân làm các dạng hồ sơ về kinh tế để bạn đọc có thể tra cứu thông tin, nhất là để phục vụ hoạt động của thị trường chứng khoán với quy mô ngày càng lớn như hiện nay, nên việc liên kết như vừa nêu rõ ràng là có đất sống.
Tuy nhiên sự khác biệt giữa “tư nhân hóa” báo chí và tư nhân tham gia làm báo, có lẽ nằm ở chỗ quyền sở hữu. Sở hữu măng-sét báo vẫn sẽ là cơ quan báo chí nhà nước, tư nhân chỉ tham gia liên kết. Không tư nhân nào với tầm nhìn dài hạn, một ý hướng xây dựng lâu dài chịu liên kết theo kiểu dễ bị quốc hữu hóa như thế này.
Nếu có sự rõ ràng điều luật về báo chí tư nhân, chắc hẳn việc quản lý sẽ tốt hơn là chuyện ‘nhượng măng-sét’ (manchette) của một hồn Trương Ba – da Hàng Thịt.
“Đảng luôn cần nghe tiếng nói phản biện đa chiều, do đó, Đảng cần đến hệ thống báo chí tư nhân. Nói như đồng chí Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng hồi cuối năm 2019, Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi” – ông đảng viên, nhà báo kể trên, nhắc lại lời phát biểu của ông Trần Quốc Vượng, chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.