Việt Nam Thời Báo

VNTB – Từ xã hội Nam – Bắc Triều Tiên nhìn lại Việt Nam

Đào Đức Thông

(VNTB) – Lãnh đạo chỉ biết bạo quyền “đấu tranh giai cấp”, ” chuyên chính vô sản “, thế giới đại đồng viển vông sẽ làm ảnh hưởng, biến dạng nhân cách xã hội, biến dạng nhân cách dân tộc, làm động loạn triền miên như xã hội Việt Nam hiện nay.

   Khung cảnh thanh bình mua sen nở của Phật giáo Hàn Quốc.


Sự đối nghịch giữa 2 cộng đồng người Việt trong nước và hải ngoại

Ở Việt Nam thời điểm sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, hàng triệu người Việt Nam đã di cư với biết bao khốn khó vượt qua kể cả làm mồi cho cá, biết bao phụ nữ Việt Nam  bị hải tặc hãm hiếp, bắt cóc, biết bao người phải sống vất vưởng trong các trại tị nạn tạm trú ở nhiều nước để chờ định cư vào nước tư bản, trải qua 42 năm đến thế hệ thứ ba bà con hải ngoại đã thành công trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội.

Ngược lại, trong nước Việt Nam cũng với thời gian đó, chúng ta không có nổi một đội ngũ cán bộ, công chức đúng nghĩa, đúng tầm, tử tế chứ đừng đòi hỏi chi rộng ra xã hội. Thay vì, họ phải là nhóm tinh hoa có trí, có tâm, có đức mà đức lớn nhất là phục vụ nhân dân, phụng sự đất nước, có lối sống văn hoá, lành mạnh, làm đầu tàu, tấm gương thì đa số cam lòng ngu trung hèn mọn, “tham bát bỏ mâm”, cấu kết phe phái để làm sao bòn rút thật nhiều tiền thuế của nhân dân để ăn trên ngồi trốc như nhiều kẻ trước khi chuẩn bị về hưu còn giả mạo đi công tác, học tập để được đi du lịch bất chấp ngân khố quốc gia cạn kiệt, khi bị phát hiện cũng không xấu hổ mà còn nguỵ biện đủ điều…
Vì đâu 2 quốc gia: Bắc Triều Tiên thua kém Nam Triều Tiên dù cùng một nguồn gien, cùng một dân tộc?

Phải chăng là do hai thể chế chính trị khác nhau nên cho ra hai kết quả khác nhau mà cụ thể Nam Triều Tiên thì tự do, dân chủ còn Bắc Triều Tiên thì được cai trị bằng chế độ độc tài toàn trị?

–         Tại sao Hà Lan là một đất nước có mặt bằng thấp hơn mặt nước biển một mét lại là một nước sản xuất nông nghiệp là chính, có những thương hiệu mang tầm Quốc tế, là nước xuất khẩu nông sản đứng thứ nhì thế giới?

–         Tại sao một nước nhỏ, ít dân là Israel, đất đai là vùng sa mạc hoang tàn, cằn cỗi, thiên nhiên khắc nghiệt nhưng đã xây dựng được một nền nông nghiệp chất lượng và năng suất thật cao, thật tiên tiến?

–         Tại sao chỉ khoảng 3% dân số Pháp là nông dân nhưng nuôi được hơn 65 triệu người Pháp còn Việt Nam đến 80 % tổng số lao động là nông dân, thừa hưởng một ưu thế thuận lợi về thiên nhiên sông ngòi chằng chịt, đồng bằng phì nhiêu, truyền thống ngàn năm văn minh lúa nước từ cha ông để lại, con người Việt Nam cần cù, chịu thương, chịu khó nhưng bây giờ Việt Nam có những mặt đã bị một nước nhỏ mà Việt Nam giúp thoát hoạ diệt chủng là Campuchia đã vượt mặt? 

–         Tại sao Thụỵ Sĩ từ không có gì để rồi có tất cả, còn ta có tất cả để rồi không có gì?

Người Hàn Quốc dạy học sinh Hàn về cuộc chiến tranh ở Việt Nam và họ biết nhận sai về mình. Đây là một minh chứng cho việc dạy về lòng tự trọng, về liêm sỉ dũng cảm nhận cái sai về mình để làm người tử tế, văn minh của một nền giáo dục tự do, khai sáng, nhân bản, dạy về ý thức tự trọng, liêm sỉ… Ai – nếu không có nổi lòng tự trọng, liêm sỉ thì có đủ tư cách để nói về lòng yêu nước thương nòi, về lòng tự tôn, niềm tự hào dân tộc? Vậy nên, hỏi sao nhân dân Hàn Quốc nhất là trí thức của họ đã biết xem việc xài hàng ngoại khi trong nước Hàn sản xuất được là một sự sỉ nhục của bản thân và đất nước trước cộng đồng quốc tế để tất cả họ cùng biến một đất nước lạc hậu thành một cường quốc kinh tế, hiện nay đã có nhiều mặt vượt qua cả Nhật Bản dưới sự dẫn dắt của những chính khách liêm sỉ, tử tế, biết làm đúng theo lương tâm và biết sám hối nếu có sai lầm xảy ra ngoài ý muốn…

Nhìn lại nền giáo dục của  Việt Nam ta trước đây cũng không kém với những khí phách đầy tự trọng ngay như Trần Quốc Toản chỉ 16 tuổi, Triệu Thị Trinh 19 tuổi hoặc như người nông dân đan sọt bên lề đường là Phạm Ngũ Lão còn biết đau đáu vận nước. Nhưng do lụn bại quá nhiều hiền tài, nguyên khí quốc gia nên bây giờ không chỉ học sinh mà thực tế cho thấy khi học càng cao thì sự giả dối càng nhiều để chúng ta có quá nhiều những cán bộ đã trở nên giả dối, xảo trá, không biết xấu hổ là gì, chỉ chuyên nguỵ biện, bưng bít hoặc lẻo mép, đổ thừa…

Càng xem xét kỹ vấn đề, chúng ta sẽ càng thấy tại sao nền giáo dục của nước tư bản như Hàn Quốc đã sản sinh ra những người làm chính khách không phải là một nghề để kiếm ăn mà là một cơ hội quý giá nhân dân trao gửi mà thỏa mãn tâm huyết khát khao phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân, nếu mắc lỗi thì thành tâm sám hối, từ chức và sẵn sàng chịu sự trừng phạt của pháp luật. Cụ thể là Roh Moo-hyun – một cựu Tổng thống Hàn Quốc – đã tự vẫn khi không giáo dục, kiểm soát được để thành viên gia đình lợi dụng danh tiếng mà tham nhũng.

Sự hình thành nhân cách cá nhân là tiền đề, là cơ sở để hình thành nhân cách mới của dân tộc. Từ đó, lãnh đạo phải là tấm gương hiểu biết và phát huy lịch sử để dẫn dắt, biết đặt lợi ích Tổ quốc, dân tộc lên trên chứ không phải chỉ biết bạo quyền “đấu tranh giai cấp”, ” chuyên chính vô sản “, thế giới đại đồng viển vông mà làm ảnh hưởng, biến dạng nhân cách xã hội, biến dạng nhân cách dân tộc, làm động loạn triền miên như xã hội Việt Nam hiện nay.

Tin bài liên quan:

VNTB- Cần chặn đứng âm mưu bán nước ở ‘siêu dự án sông Hồng’

Phan Thanh Hung

VNTB- Mối tình đơn phương của ‘cua’ với ‘ếch bà’: Nguyên nhân dẫn đến mất nước

Phan Thanh Hung

VNTB- Lấy rùa làm biểu tượng cho thủ đô: Nên hay không?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo