Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nhà nước địa phương đang ‘thổi’ giá đất?

Dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ

Trần Dzạ Dzũng

 

(VNTB) – “Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã được xác định từ năm 1980 đến nay là đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.

 

Mẫu câu ở trên là cách nói quen thuộc lâu nay trong định hướng tuyên truyền báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Nhân danh Nhà nước, ai cũng có thể là ông, bà chủ đất?

Vẫn theo cách lập luận của Ban Tuyên giáo Trung ương, “Chế định đất đai thuộc sở hữu toàn dân là phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, là nguồn lực quan trọng để phục vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Có thể nói, việc thể chế hóa chế độ sở hữu toàn dân về đất đai trong Hiến pháp đã nhận được sự đồng tình, nhất trí cao trong nhân dân. Còn việc quy định Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đất đai và thống nhất quản lý cũng xuất phát từ bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của dân, do dân và vì dân”.

Với những lập luận/ biện luận rất đỗi quen thuộc ở trên cho thấy thực trạng sốt đất, ‘thổi giá’ đất ở thời gian qua và hiện tại đều xuất phát từ một địa chỉ: cơ quan quản lý Nhà nước, vì đây là ‘đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý’.

Thật vậy.

“Sau tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhiều địa phương giá đất tăng chóng mặt, tạo ra những cơn sóng sốt đất khó tin, có nơi lợi dụng ý kiến chỉ đạo, tạo dựng tài liệu để gây sốt đất”, theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VR).

Quan chức xứ Việt dễ bị ‘xỏ mũi’ để lợi dụng đến vậy à?

“Nhiều địa phương, xuất hiện hiện tượng tung tin không đúng sự thật về quy hoạch và phát triển dự án, thậm chí lợi dụng những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo nhà nước, tạo dựng tài liệu giả để tung tin, tạo sóng. Điều này tác động rất xấu đến lợi ích của các nhà đầu tư thiếu kiến thức, kinh nghiệm” – Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định.

“Đất đai sôi sục khắp nơi, giá tăng chóng mặt, trung bình tăng 10% sau 1 tháng. Cục bộ một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng. Nhiều nơi, người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất. Tiền gửi ngân hàng cũng được rút ra để đi đầu tư”, báo cáo của Hội môi giới bất động sản Việt Nam nêu.

Những điểm nóng sốt đất được điểm ra trong báo cáo này gồm: tại Bắc Giang, đất ven khu công nghiệp sôi động, đặc biệt là tại thành phố Bắc Giang, huyện Việt Yên và Yên Dũng. Ở các khu vực này, ven 4 khu công nghiệp Vân Trung, Đình Trám, Song Khê Nội Hoàng, Quang Châu là điểm nóng của thị trường, giá từ 25 – 40 triệu đồng/m2 tăng khoảng 50 – 70% so với cuối năm 2020.

Tại Thanh Hoá, sau tết Nguyên đán Tân Sửu, giá đất tại hầu khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh này đều tăng đột biến, đặc biệt là đất nền tại các khu vực lân cận thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn và các khu vực đang quy hoạch các dự án lớn.

Từ đầu tháng 3 trở lại đây, giá đất nền tại nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hoá đã tăng với mức chóng mặt, trung bình khoảng 50 – 60% so với cuối năm 2020. Đà Nẵng, Khánh Hoà, Đồng Nai, Cần Thơ, khu vực Tây Nguyên… cũng đều có những biểu hiện sốt đất cục bộ trên địa bàn.

Phải chăng quyền lực Nhà nước đã bị lũng đoạn?

Trách nhiệm của quyền lực Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý ở đây như thế nào?

Nếu việc ‘thổi’ giá đất không phải từ chính quyền địa phương, thì trên lý thuyết, nếu người dân tiếp cận được thông tin về giá đất thì có thể hạn chế bong bóng bất động sản.

Ví dụ, nếu cơ sở dữ liệu thể hiện giá đất ở một khu vực thuộc TP.HCM chỉ có giá 3-8 triệu đồng/m2 , và giá giao dịch thành công phổ biến là 5 triệu đồng/m2, thì nếu dự án ở khu vực đó được rao giá 20 triệu đồng/ m2 , người dân sẽ biết đó là giá ảo.

Mặt khác, dựa trên thông tin về giá đất, cơ quan quản lý nhà nước sẽ theo dõi thị trường, để thấy giao dịch ở khu vực nào có sự chênh lệch lớn với dữ liệu, thì biết chỗ đó có thể có dấu hiệu bất bình thường như thổi giá, tăng giá ảo do đầu cơ, sốt đất…, và khi ấy quyền lực của Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý sẽ thực thi.

Cần nhìn nhận thực tế là mặc dù Hiến pháp, Bộ Luật Dân sự, Luật Đất đai đều ghi Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, song pháp luật về đất đai và thị trường bất động sản Việt Nam chưa có biện pháp để ngăn chặn đầu cơ, cũng chưa có cơ chế buộc các cá nhân, tổ chức phải khai báo giá thật khi chuyển nhượng đất, mua bán nhà.

Thông tin thật từ các giao dịch thành công không nhiều – nghĩa là có tình trạng nhóm quyền lực nào đó nhân danh nhà nước địa phương đã thao túng giá cả để lũng đoạn thị trường bất động sản.


Tin bài liên quan:

VNTB – Đồng Tâm: sai phạm chủ yếu là của ai?

Phan Thanh Hung

VNTB – Khoảng 8.000 công nhân Công ty TNHH Chí Hùng đình công: báo chí quốc doanh “thờ ơ”

Phan Thanh Hung

VNTB – Xã hội chủ nghĩa là gì để có thể định hướng cho kinh tế thị trường?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo