Hoài Nguyễn
(VNTB) – Khi bị lây nhiễm Covid thì phải bị cách ly tập trung, và đương nhiên mọi công ăn việc làm đành gác lại, nhưng tiền góp cho lãi vay vẫn được tính đều đặn cho cộng dồn…
“Sợ bị dịch lây lan lúc đi bầu, tôi có được quyền từ chối đi bầu hay không?” – một khách hàng đã cậy luật sư góp ý cho băn khoăn đó.
Trả lời ở đây là trong 98 điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 (hiện vẫn còn hiệu lực), không tìm thấy một từ nào quy định cử tri có “nghĩa vụ” hoặc “trách nhiệm”.
Cụ thể, Chương VII “Nguyên tắc và trình tự bỏ phiếu”, tại Điều 69 “Nguyên tắc bỏ phiếu”, ghi:
“1. Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân.
2. Cử tri phải tự mình, đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này; khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri”.
Có lập luận sau đây thoạt nghe thấy ‘cũng có lý’: Bầu cử là quyền công dân được quy định ngay tại Hiến pháp 2013 – đạo luật gốc, cơ bản nhất của Nhà nước. Cụ thể, theo Điều 27 “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”.
Quy định này một lần nữa được khẳng định tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015, “Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này”.
02 văn bản kể trên đều nhắc đến bầu cử là quyền chứ không phải nghĩa vụ của công dân. Tuy nhiên, Điều 15 Hiến pháp 2013 quy định: “ Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân”. Suy ra, dù là quyền nhưng công dân cũng cần thực hiện quyền này đầy đủ, đúng quy định của pháp luật.
Tuy vậy, hiện nay trong các văn bản xử phạt vi phạm hành chính, không ghi nhận quy định xử phạt đối với người đủ điều kiện bầu cử không tham gia bầu cử.
Phản biện cho lập luận trên cũng khá đơn giản, đồng ý quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân. Vì vậy cử tri có quyền đi bầu cử hoặc không đi bầu cử, không có tính bắt buộc như nghĩa vụ, không ai có quyền bắt buộc cử tri phải đi bầu cử. Cán bộ xã phường chỉ có nhiệm vụ nhắc nhở cử tri đi bỏ phiếu, không được xử phạt hay gây khó khăn trong các thủ tục hành chánh đối với công dân cử tri đó.
Nói một cách khác cứng rắn hơn, mọi hành vi gây khó khăn bằng biện pháp hành chánh như không ký các loại giấy tờ, trừ điểm thi đua đối với viên chức, hạ hạnh kiểm với sinh viên…. đối với những cử tri không tham gia bầu cử, đều là những hành vi xâm hại quyền tự do của công dân, nhất thiết phải bị xử lý theo luật định.
Tuy nhiên nếu như ai đó kêu gọi ‘tẩy chay bầu cử’ chẳng hạn, thì đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Điều 95, Chương X, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 quy định: “Người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử… thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Điều 160, Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về việc xử lý các hành vi vi phạm nói trên:
“Điều 160. Tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân
1. Người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 02 năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Dẫn đến hoãn ngày bầu cử, bầu cử lại hoặc hoãn việc trưng cầu ý dân.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Như vậy, nếu cá nhân cử tri vì lẽ gì đó, bao gồm cả lý do là ‘không thích’ để không đi bầu, theo pháp luật hiện hành, cử tri đó không vi phạm gì cả. Dĩ nhiên ở một lý do chính đáng là ‘sợ dịch Covid’ như phần đầu bài viết này, thì đó là quyền tự do của công dân.
Nói thêm, tính đến tối ngày 17-5, thì có lẽ ngay cả người viết bài ‘tham vấn’ này cũng nghĩ mình nên cân nhắc chuyện đi bầu, vì theo báo cáo trong 183 ca mắc mới về Covid trong ngày 17-5, phần lớn tại Bắc Giang, và theo chủ tịch tỉnh này con số F0 sẽ còn tăng mạnh vì xét nghiệm khẳng định bị “tắc”! Trong khi đó chiều 17-5, Đà Nẵng có 7 ca thì 6 ca nữ, đều có khả năng lây ra cộng đồng!
Và Sài Gòn thì đã yêu cầu tất cả các nhà thuốc tây khi bán thuốc viêm họng, ho, sốt cao, khó thở… đều phải buộc người mua khai báo y tế!