VNTB – Một mai ‘hòa bình’…

VNTB – Một mai ‘hòa bình’…

Lynn Huỳnh

 

(VNTB) –  “Có người hỏi tôi khi kiểm soát được dịch bệnh thì điều đầu tiên làm là gì? Tôi trả lời là xây nhà ở xã hội.

 

“TP.HCM có đất, có chính sách và sẽ kêu gọi các doanh nghiệp tham gia để cùng thành phố giải quyết sớm nhu cầu này” – ông Nguyễn Văn Nên cho hay.

Ông Nguyễn Văn Nên là Bí thư Thành ủy TP.HCM. Ở Việt Nam, thì Bí thư một địa phương được xem là người có quyền hành nhất ở địa phương đó.

Hôm 5-9, chương trình hỗ trợ tái hòa nhập hậu Covid-19 ở TP.HCM đã khởi động, dự kiến được triển khai đến cuối năm 2022 hoặc kéo dài tùy vào tình hình diễn tiến của đại dịch Covid-19.

Tái thiết lại sau đại dịch là điều đương nhiên, thế nhưng vì sao lại bắt đầu từ “xây nhà ở xã hội”?

Từ đợt dịch thứ 4, tỉ lệ F0 trên tổng số dân ở quận 1 và 4, TP.HCM chiếm khoảng 7-8%, tính cả trường hợp đã xuất viện. Tỉ lệ này cao nhất so với thành phố (TP) Thủ Đức và các quận, huyện còn lại và cũng cao hơn tỉ lệ chung của TP.

Ông Lê Văn Chiến – chủ tịch UBND quận 4 – cho biết quận 4 là một trong những điểm nóng dịch Covid-19 và tỉ lệ F0 cao, có nguyên do đây là quận có diện tích nhỏ nhưng mật độ dân số cao nhất TP, với khoảng 42.000 người/km2, đặc biệt hệ thống hạ tầng, giao thông, đường sá tại quận phần lớn là hẻm nhỏ, hẻm sâu. Bên cạnh đó, phần lớn người dân trên địa bàn quận là lao động nghèo, sống trong không gian chật chội, nhận thức về phòng chống dịch bệnh còn hạn chế.

“Với chủng Delta lây lan nhanh mà sống trong không gian như thế thì mức độ lây nhiễm rất nhanh, số người nhiễm rất cao. Những điều này rất khó khăn cho quận”, ông Chiến chia sẻ.

Tại quận 1, ông Lê Đức Thanh – chủ tịch UBND quận 1 – cho hay trong số ca F0 ghi nhận từ đầu đợt dịch thứ 4, đã có rất nhiều ca xuất viện. Vậy những nguyên nhân nào khiến số lượng F0 trên địa bàn quận tăng cao trong thời gian vừa qua?

Trả lời câu hỏi này, ông Thanh cho biết bên cạnh trên địa bàn quận có nhiều tuyến đường rộng lớn, hạ tầng khang trang, sầm uất thì còn nhiều nơi có cuộc sống, điều kiện sống chật hẹp, nhỏ, không đảm bảo giãn cách như khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh, chợ Gà, chợ Gạo… “Những khu này người dân đông đúc, môi trường chật hẹp, không đảm bảo giãn cách. Nếu có 1 người nhiễm thì nguy cơ lây nhiễm cho người khác rất cao” – ông Thanh biện giải.

Nguyên nhân lớn nhất dẫn tới dịch bệnh nghiêm trọng là mật độ dân số quá dày.

Điển hình TP.HCM có khoảng 10 triệu người, Đồng Nai và Bình Dương mỗi tỉnh có khoảng 3 triệu người. Việc phân bố dân cư dày đặc tại những khu trung tâm trong những con hẻm sâu, nhà có diện tích nhỏ, nhà trọ chật chội có nhiều người sinh hoạt. Đối với những nơi như vậy, vì không gian chật chội, ẩm thấp nên việc thực hiện giãn cách rất khó khăn.

Ở lâu ngày trong điều kiện như nêu trên dẫn tới bí bách, việc chấp hành chủ trương phòng chống dịch “ai ở đâu ở yên đó” của Chính phủ sẽ khó thực thi. Đó chính là lý do khiến những nơi này có tỉ lệ lây nhiễm dịch cao.

Mặt khác vì nhà máy ngừng hoạt động; nhà hàng, quán ăn đóng cửa, lực lượng lao động phổ thông, công nhân và những người nghèo sẽ thất nghiệp, và khi không còn được ra đường thì họ đành chụm lại để cùng nhau san sẻ miếng ăn, và qua đó sẽ trở thành những ổ dịch mà việc xoay sở sẽ hết sức khó khăn.

Vậy “nhà ở xã hội” giúp giải quyết vấn nạn trên ra sao mà Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng: “Có người hỏi tôi khi kiểm soát được dịch bệnh thì điều đầu tiên làm là gì? Tôi trả lời là xây nhà ở xã hội. TP.HCM có đất, có chính sách và sẽ kêu gọi các doanh nghiệp tham gia để cùng thành phố giải quyết sớm nhu cầu này”.

Quy định chung, diện tích tối thiểu của căn hộ chung cư thuộc diện nhà ở xã hội là 30m2 và tối đa là 70m2. Cá nhân cần căn cứ vào số lượng nhân khẩu để lựa chọn diện tích cho phù hợp.

Cũng giống như các căn hộ chung cư thông thường, người mua được hỗ trợ vay vốn mua nhà ở xã hội lên đến 70 – 80% giá trị nhà với ưu đãi tốt hơn. Từ các ngân hàng nhà nước, thương mại cổ phần tại Việt Nam. Mức ưu đãi lãi suất cho nhà ở xã hội thường từ 5 – 7% đối với các ngân hàng nhà nước. Cao hơn 1 chút với các ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay tại Việt Nam.

Về nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, đó là dựa vào tiền bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thuộc quyền sở hữu của nhà nước trên địa bàn tỉnh/ thành phố, trích từ 30% – 50% tiền sử dụng đất của các dự án phát triển nhà ở thương mại và dự án khu đô thị mới trên địa bàn, ngân sách địa phương, huy động từ các nguồn vốn khác nhau.

Như vậy về lý thuyết, nếu thực sự Bí thư Nguyễn Văn Nên quyết tâm xây nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu an cư của người nghèo, đây sẽ là chính sách tái thiết sau đại dịch mang ý nghĩa nhân đạo rất đáng quan tâm.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)