Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thiên hạ luận: Chống dịch, khi năm người – mười ý

Thới Bình (ghi chép)

 

(VNTB) – Em bé 5 tuổi để dành được tới 200 triệu bạc để quyên góp. Dóc còn hơn bác Ba Phi.

 

“Cộng cộng trừ trừ. Mắc mệt. Cơm với mắm 1 tháng không chết. Chính quyền ráng lo cho người nghèo. Không đến nỗi không có ngân sách. Viết bài báo được nhuận bút 500 ngàn, ông nhà nước đánh thuế 50 ngàn, nhưng có chuyện lại vận động dân đóng góp. Em bé 5 tuổi để dành được tới 200 triệu để quyên góp. Vãi cả tuyên truyền” – nhà báo Khánh Chi của tạp chí Nhà đẹp, nói.

Trong chuyện chống dịch, góc nhìn là người trong ngành y tế, bác sĩ Cao Xuân Minh nói rằng có vẻ như ‘nhiều người kỳ lạ’. Sở dĩ gọi là ‘kỳ và lạ’, vì theo bác sĩ Cao Xuân Minh, “Lúc Châu Âu, Mỹ vật lộn trong dịch, chết chóc thì ca ngợi Việt Nam lên mây xanh, lúc Việt Nam bắt đầu dịch bùng thì đem Châu Âu, Mỹ ra dè bỉu Việt Nam”.

Bác sĩ Cao Xuân Minh biện giải như sau: Các nước Mỹ – Châu Âu – Ấn tỷ lệ chết là 2-3% ca phát hiện. Điều này đã đến từ sự quá tải của y tế do dịch bùng tại 1 thời điểm quá lớn.

Với chủng Delta hiện nay, việc bùng dịch ở các nước chưa có miễn dịch cộng đồng là điều không tránh khỏi, nếu như biết các nước chung quanh Việt Nam mỗi ngày tăng 3-4 ngàn (Thái) ca nhiễm hay 7-8 ngàn (Phi, Mã, InDo) ca nhiễm và chết chóc gia tăng trong sự quá tải của y tế thì sẽ hiểu giá trị chống dịch và tốc độ tăng nhiễm Covid tại Việt Nam hiện nay ra sao.

Nếu mỗi ngày giữ được dưới 1.000 ca/ 100 triệu dân trên toàn quốc thì xem như trong sức chịu đựng của y tế. Xem như an toàn.

Điều may mắn cho Việt Nam hiện nay là vắc xin đã có, thời điểm Việt Nam bùng dịch là thời điểm chích vắc xin. Với 100 triệu dân thì việc mất 6 tháng để tiêm vắc xin là bình thường.

Hiện ít nhất hơn 4 triệu liều vắc xin đã có tại Việt Nam, nghĩa là trong tuần cuối tháng sáu, đã có 4% dân số đã được tiêm.  Trong 1-2 tháng tới, vắc xin có thể về Việt Nam phủ phê, nhận thức điều này, Bộ Y tế đang đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccin, gia tăng kiểm soát an toàn sau tiêm.

“Điều quan trọng nhất chúng ta gìn giữ làm sao để dịch bùng trong sự an toàn, không chết chóc. Nếu bạn thấy trong 2020 và 4 tháng đầu 2021 sân cỏ Việt Nam vẫn hoạt động trong khi Châu Âu tê liệt, thì giờ đây ngược lại cũng có gì đâu. Có điều ta biết trước được tầm 3-4 tháng nữa thì lượng tiêm chủng tại Việt Nam cũng đã khá khá và mọi thứ sẽ bình thường.

Nếu bạn thấy 60-70% các khu công nghiệp, nhà máy của Thái Lan, Indonesia, Mã, Phi, Ấn… tan nát hết do Covid tấn công, chuỗi cung ứng sản xuất bị phá gián đoạn, thì bạn hiểu giá trị các khu công nghiệp, nhà máy của Việt Nam hiện nay đang được bảo vệ gìn giữ nghiêm ngặt để hoạt động.

Với Covid, nước nào cũng phải trả giá hết, nhưng trả bao nhiêu trên sinh mạng, trên kinh tế mới là điều cực kỳ quan trọng.

Đừng đem việc chích vắc xin ở Việt Nam ra so sánh với các nước Âu Mỹ, vì nó là thằng chế ra vắc xin, và là thằng giàu. Cũng đừng so với các nước trong khu vực như Thái, Mã, Cam, Indo… vì quan trọng nó đã chích thứ gì, hiệu quả đã ra sao? Thực tế thằng nào đang bùng dịch hơn thằng nào, thằng nào tan nát hơn thằng nào?

Điều cuối cùng là ai sẽ mở bùng đất nước sớm để hưởng lợi thế phát triển. Có thể có chênh lệch giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, Việt Nam có thể đi sau 2 tháng, nhưng điều này không ý nghĩa lắm, quan trọng khi bung ra đất nước đang ở trạng thái nào của sức khoẻ và sự đánh đổi.

Việt Nam sẽ đạt miễn dịch cộng đồng do chủ động chứ không do lây nhiễm tự nhiên.

Việt Nam dù có chống dịch tốt thế nào cũng dựa trên sự tuân thủ của người dân, sự chịu đựng, hy sinh của từng người dân” – bác sĩ Cao Xuân Minh, dự báo vậy.

Góc nhìn của nhà quản trị, thì lẽ ra mọi chuyện sẽ còn tốt hơn nếu như không bị vướng trong yêu cầu hô hào “hệ thống chính trị” vào cuộc.

Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc quốc gia Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, đồng thời là giảng viên lâm sàng cao cấp tại Đại học Sydney (Úc) nêu ví dụ: ngay từ tháng 2-2020, chính phủ Anh Quốc đã đặt hàng hãng dược AstraZeneca để nghiên cứu, phát triển và sản xuất vắc xin dành cho người dân của mình.

Trong khi đó, các quốc gia phát triển đã đặt hàng vắc xin Pfizer và Moderna từ rất sớm.

“Có thể nói, Việt Nam đã hơi chậm chân trong việc tiến hành các thủ tục đăng ký, thương thảo hợp đồng với các hãng sản xuất vắc xin cũng như phê duyệt để sử dụng tại Việt Nam”, tiến sĩ Thu Anh nhận xét.

Với tình hình dịch bệnh “khẩn cấp” như hiện nay cùng mục tiêu phải huy động được 150 triệu liều vắc xin trong một thời gian ngắn, theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành – Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Việt Nam cần chuyển đi một thông điệp rõ ràng rằng: Chúng tôi có đủ năng lực tài chính, và sẵn sàng đặt mua vắc xin theo giá thị trường, thậm chí giá cao.

Chẳng hạn Israel đã mua vắc xin với giá 23 USD trong khi giá chào bán chỉ từ 5 – 7 USD.

Tiếc là hiện tại có lẽ vì yêu cầu cả ‘hệ thống chính trị vào cuộc’, nên người dân Việt Nam giờ đây ngày nào cũng nhận tin nhắn kêu gọi quyên góp vào quỹ vắc xin; thậm chí cứ mỗi cuộc gọi điện thoại, người ta buộc phải nghe lời kêu gọi góp tiền vào quỹ vắc xin…


Tin bài liên quan:

VNTB – Làm sao để có “tuần lễ vàng”

Phan Thanh Hung

VNTB – Quyên tiền mua vaccine chống COVID-19: dân lo cho dân?

Phan Thanh Hung

VNTB- Nếu thuận lý – tình vậy đóng dấu “Mật” làm gì?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo