Kỳ Lâm (VNTB)
Ông Võ Văn Thưởng – Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã lên tiếng khẳng định: Không sợ đối thoại, tranh luận.
Chỉ 2 chữ “đối thoại”, nhưng ông đã gây ra một cuộc tranh luận trong và ngoài nước? Bởi ĐCS có thực tâm đối thoại và sẽ đối thoại theo cách nào?
Ông Lê Phú Khải, trong một bài viết trên Việt Nam Thời Báo đã hồi đáp về sự kiện này bằng một bài viết ngắn gọn mang tên: Tôi đã nghe hai chữ đối thoại từ hơn 20 năm trước.
Nhưng tôi đồ rằng, chữ “đối thoại” từ chính quyền Cộng sản còn lâu hơn thế, phải là 63 năm về trước (1954-2017) và kết quả là hàng tá văn nghệ sĩ đã phải “lên giàn hỏa thiêu” của chế độ vì tin Đảng “cởi mở” thật.
Cũng cách đây không lâu, cái sự “tin Đảng đối thoại” cũng lặp lại một lần nữa qua đợt Góp ý Hiến pháp 2013, trên nguyên tắc mà Đảng vỗ về dân là không vùng cấm. Thế nhưng khi nhận ra có quá nhiều góp ý loại bỏ Điều 4 Hiến Pháp, xóa bỏ sở hữu toàn dân về đất đai, hay phi chính trị hóa quân đội,… Người đứng đầu ĐCSVN lúc bấy giờ là ông Nguyễn Phú Trọng đã quy kết tư tưởng/ hành vi đó là “suy thoái đạo đức”. Đúng theo nghịch lý: Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận, nhưng không đảm bảo sự tự do sau ngôn luận.
Làm thế nào chúng ta có thể tin tưởng được về một sự “Đối thoại” khi mà trước Hội thảo bàn về Nhân quyền tại Việt Nam, nhà hoạt động Nguyễn Quang A bị di lý về Hải Phòng, còn blogger Phạm Đoan Trang cùng nhiều nhà hoạt động khác bị canh cửa, thậm chí đe dọa không cho bước ra khỏi nhà?
Rõ ràng, chúng ta không nên cả tin và ngây thơ chính trị như cách mà những văn nghệ sĩ từng “cả tin và ngây thơ chính trị đến mức không nhận ra bản chất sắt đá của vị tướng chính ủy [Nguyễn Chí Thanh] trong vẻ ngoài hào sảng của ông” 63 năm trước. Nhưng không phải vì để tránh bị kết án là “xét lại, Trốt-kít, gián điệp”, mà không tin để nhận diện rõ hơn bộ mặt thật, quan điểm thật, thủ đoạn thật của những người Cộng sản.
Đảng không thực sự muốn Đối thoại, Đảng chỉ thực sự muốn “giăng bẫy” và biến những ai thích nói thật – nói thẳng thành con mồi cho chiêu bài “đổi nhân quyền – lấy thương mại” của mình.
Vì thế, chúng ta cần phải tỉnh táo, cần phải đối diện và nói thẳng sự thật trên cơ sở quyền tự do ngôn luận được hiến định, thay vì nói một nửa sự thật, hoặc nói sự thật bọc đường dưới mác Đối thoại mà Đảng đặt ra. Bởi đối diện sẽ giúp chúng ta vạch trần sự dối trá, lừa lọc của những người Cộng sản hiện thời; những người nói hay hơn là làm.
Những người Cộng sản phải biết được rằng, cái thời kỳ “dân tin Đảng và Nhà nước” đã qua lâu rồi, khi niềm tin liên tục bị phá vỡ bởi Nhà nước và để giờ đây, Dân hoàn toàn không tin vào quan điểm hay cách xử lý của chính quyền như chính ông Võ Văn Thưởng từng lên tiếng cảnh báo.
Thậm chí, trong những ngày qua, ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đăk Lăk)còn đề nghị đưa hành vi xúc phạm, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Luật Hình sự. Nếu điều này được ghi nhận và được thông qua, thì với hàm ý “xúc phạm, bôi nhọ”, sẽ lại là một Điều luật mơ hồ đầy tuyệt vời (sau Điều 258) để Đảng và Nhà nước định đoạt tội danh cho các nhà hoạt động thẳng thắn. Nó cũng đồng nghĩa rằng, vẫn là một sự Đối thoại, nhưng Đối thoại đó phải bị ràng buộc bởi các nguyên tắc “tin Đảng” và không đi ngược đường.
Mà một Đối thoại như thế, chỉ là một Đối thoại suông, một Đối thoại chết.
Cái thời kỳ ấy đã qua lắm rồi…