Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thu hồi tài sản ‘tham nhũng tình dục’: bó tay?

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) –  “Trong trường hợp nhận hối lộ tình dục, sẽ tiến hành thu hồi cái gì, thu hồi tài sản tham nhũng như thế nào…?”

 

Đã ‘lợi ích phi vật chất’ thì thu hồi cái gì bây giờ?

Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán – Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự 2015 trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ trong đó nêu rõ nhận hối lộ tình dục là hành vi tham nhũng qua khái niệm “lợi ích phi vật chất”.

Và đã là “phi vật chất” thì xem ra không thể thu hồi tài sản “tham nhũng tình dục”.

Ông Lê Hồng Hạnh, cựu Viện trưởng Viện khoa học Pháp lý (Bộ Tư Pháp), cho rằng khái niệm “thu hồi tài sản” hiện nay cần phải hiểu một cách rộng hơn, phù hợp với thực tế.

“Ví dụ có một ông Thứ trưởng đang mong muốn có bằng tiến sỹ. Để đạt được điều đó ông Thứ trưởng tìm mọi cách để bổ nhiệm cho con gái ông Hiệu trưởng trường Đại học vào một vị trí trong cơ quan nhà nước, dù cô đó không đủ điều kiện. Vậy khi cơ quan quản lý nhà nước phát hiện ra chúng ta sẽ thu hồi tài sản tham nhũng là cái gì?”, ông Hạnh đặt vấn đề.

Tương tự, ông Hạnh đề cập việc thu hồi tài sản trong những vụ tham nhũng tình dục. “Ông quan chức không cần tiền mà chỉ cần nhận những giây phút sung sướng. Ông ấy sẵn sàng bố trí việc làm cho cô ấy để đổi lấy điều mình mong muốn. Trường hợp này thì thu hồi như thế nào, thu hồi cái gì? Tương tự như bà Bộ trưởng, ông Bộ trưởng, người ta không cần tài sản, không cần tiền, người ta chỉ cần ăn chơi trác táng thì sao?”.

Băn khoăn của ông Lê Hồng Hạnh, tính cho đến hiện tại vẫn chưa có các điều chỉnh của pháp luật tương ứng, kể cả chỉ thị từ Bộ Chính trị.

Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 07-12-2015 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”, Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Trong xử lý tham nhũng phải xác minh rõ, chính xác tài sản của người có hành vi tham nhũng; áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Xử lý nghiêm minh những cán bộ không tích cực thu hồi hoặc cản trở hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng”.

Đặc biệt, ngày 02-6-2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế”, cũng chưa đặt những vấn đề mà ông Lê Hồng Hạnh đã nêu ra cho vướng mắc.

Hối lộ tình dục là tham nhũng quyền lực không tài sản?

Luật phòng chống tham nhũng quy định: “Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật” (Khoản 3, Điều 4), và “Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết để thu hồi, tịch thu tài sản tham nhũng; tài sản tham nhũng phải được trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc sung quỹ nhà nước; người đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát hiện hành vi đưa hối lộ thì được trả lại tài sản đã dùng để hối lộ” (Điều 70).

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ông Lê Minh Trí cho biết trong phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng năm 202 diễn ra hôm 24-10, thì những năm gần đây, công tác thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát của nhà nước có chuyển biến tích cực hơn. Nhưng so với yêu cầu thì vẫn chưa hài lòng, bởi số mất với số lấy lại vẫn chưa tương xứng.

Theo ông Trí, kể cả có quyết tâm kê biên, rồi thu hồi thì cũng phải theo luật hiện hành. Không phải lúc nào cũng niêm phong, cũng kê biên được khi còn phải chịu trách nhiệm bồi thường nhà nước nếu kê biên, niêm phong không đúng, người bị kê biên có quyền khởi kiện.

Ông Trí đề nghị Quốc hội nên nghiên cứu, xem xét xây dựng luật Đăng ký tài sản. Hiện nay Việt Nam chỉ mới có kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, nhưng tài sản đối tượng ngoài xã hội đang đứng tên, chiếm, sở hữu mà có thể nó là hợp pháp hay không hợp pháp, có chứng minh được nguồn gốc hợp pháp hay không, cái này còn bỏ một khoảng trống rất lớn ở ngoài xã hội.

Cũng theo ông Trí, nếu chưa có luật Đăng ký tài sản thì tài sản tham nhũng mà các đối tượng có thủ đoạn che giấu, ẩn nấp ở ngoài xã hội, nhờ người khác đứng tên như xe ô tô, nhà đất… thì cơ quan chức năng cũng rất khó xử lý. “Mặc dù không giải trình được nguồn gốc thì là tài sản bất minh, nhưng chúng ta cũng không thu hồi được. Nên không có luật thì lỗ hổng đó vẫn còn hết sức khó khăn”, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao lo ngại.

Và đã như trên thì xem chừng chuyện nhận hối lộ tình dục, sẽ tiến hành thu hồi cái gì, thu hồi tài sản tham nhũng như thế nào vẫn tiếp tục chờ đợi cho hướng xử trí.


Tin bài liên quan:

VNTB – Viện kiểm sát quận Thanh Khê… không phải không có lý

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Cần thiết có Luật về Đảng Cộng sản Việt Nam

Phan Thanh Hung

VNTB – Lý nào cũng qua trừ lý lịch

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo