Hiền Vương
(VNTB) – Cứ mỗi độ xuân về, kỷ niệm về cái Tết lại ùa về trong mỗi chúng ta.
Tết trong tôi là hương của chiếc áo mới. Tết của bạn là những những bao lì xì. Tết của những ai xa quê là mong về đoàn tụ bên gia đình, người thân…
Những thứ ấy đã trở thành kỷ niệm đẹp, không cần hồi tưởng, nó vẫn cứ ùa về trong nỗi nhớ miên man. Tết, cũng có thể không chỉ là kỷ niệm, mà còn là những chiêm nghiệm, suy nghĩ về bản thân, những điều cần làm, những yêu thương, dự định cần thắp lên.
Buồn không duyên cớ và nhớ vu vơ về những ngày Tết đã xa thật xa trong ký ức. Ai cũng nhớ lại và thấy mình trong không gian xưa cũ với đầy đủ ông bà cha mẹ, đầy đủ các anh chị em trong ngôi nhà mái ngói cũng đã cũ, cái hàng rào dâm bụt bao quanh khoảng sân gạch đã ngả màu.
Ngày xưa các món ăn ngày Tết đều được tự làm ở nhà. Từ mứt dừa, mứt gừng, mứt khoai, mứt bí… không thiếu một thứ gì, hầu hết mọi người không ai nghĩ ra chợ mua sẵn như bây giờ.
Tôi nhớ hồi còn con nít của thập niên cuối 60, đầu 70 thế kỷ trước, cứ bước qua mùng 10 tháng Chạp là rần rần nôn Tết, tay chân quýnh hết trơn hết trọi, cập rập càng ràng vì hơi hám Tết ngày càng rộ, mấy dì, mấy thím ngồi cắt kiệu, lột tôm phơi khô còn giả đò làm bộ: “Mèn ơi! Tết tới mau dữ bây?”…
Sau ngày đưa ông Táo, nhà nhà lo dọn dẹp, quét vôi, phơi lá chuối, làm kiệu, mứt, củ cải ngâm nước mắm. Đêm hai lăm Tết thì chợ đêm đã vô mùa. Dưới ánh đèn, từng đống dưa hấu được người bán che rạp để cùng quây quầy mứt bí, dừa, khoai lang, hạt sen, me, chà là, hạt dưa…
Cực mà vui nhất là nấu bánh tét cuối năm. Lá chuối phơi sẵn, cả nhà xúm lại lau lá, tước dây, xào nhân. Từng đòn bánh xanh mướt thắt lạt chặt chịa được sắp vào nồi to tựa cái lu nhỏ, đun củi gộc phừng phừng lửa. Người lớn vừa canh bánh vừa râm ran hàn huyên tâm sự, con nít ngủ gà ngủ gật đợi cúng giao thừa.
Củi tàn, bánh chín cũng là giờ khắc thiêng liêng chuyển giao giữa hai con giáp. Đĩa bánh tét ngút khói, mâm ngũ quả đủ màu sắc rực rỡ, cành mai vàng bung nụ, cặp dưa căng mọng dán chữ đỏ nhũ kim, hộp mứt bát giác, trà gói giấy kiếng đỏ.
Dưới trời đêm đen như mực, gia quyến nghiêm trang thành kính cầm nén hương khấn vái, mong gia đình an khang thịnh vượng. Cùng lúc, tiếng pháo râm ran, lúc đầu lạch tạch lè tè rồi từng đợt từng đợt rộn ràng khắp trời…
Năm mới sắp đến. Ước gì gia đình chị hai ở Tết con cọp này về được Việt Nam mà không cần đến chuyến bay giải cứu nào cả. Nhớ hồi năm ngoái, gần nửa đêm, chị hai từ Mỹ gọi tôi, khoe: “Chị mua được lá chuối đông đá, hàng Việt Nam xuất khẩu. Mai chị sẽ gói thật nhiều bánh tét để dành ăn dần và tặng bạn bè”. Tôi tỉnh cơn buồn ngủ, tưởng tượng cả nhà chị xúm xít túm túm gói gói, mặc ngoài kia trắng trời tuyết phủ…
Bánh tét chị gói bằng lá chuối đông đá, cho ra đòn bánh màu xám. Nước cốt dừa đóng lon thiếu hẳn vị tươi và thơm, nhưng chị nói ăn vẫn ngon như thường. Bạn bè bên đó ngày tết được chị tặng đòn bánh là mừng húm. Đôi khi miếng ăn không chỉ để đã cơn thèm, mà còn để nhắc nhớ…
Tết này tính ‘tuổi mụ’ thì chị của tôi cũng 75 rồi, vậy mà chị vẫn khoái Tết đến kỳ lạ.
…Dẫu biết cuộc sống là một dòng chảy trôi mải miết không dừng, phải có đổi thay là điều tất nhiên nên không cần nuối tiếc điều gì. Thế nhưng Tết vẫn có những nỗi niềm riêng, ai cũng nhớ nhà, nhớ quê, nhớ cha mẹ anh em. Vì vậy chúng ta lại so sánh Tết xưa và Tết nay, để rồi nhớ về những hoài niệm cũ mà vui mà buồn.
“Người có ký ức đẹp, nhất định sẽ là người sống có tình” – chị hai tôi nói vậy đó.
1 comment
“Người có ký ức đẹp, nhất định sẽ là người sống có tình”
Nếu vậy thì Tết này, giáo sư Tương Lai là người có tình nhất . Ký ức của ổng là đẹp nhất vì ký ức Tết của ổng là cuộc nổi dậy & tổng tiến công 1968