Việt Nam Thời Báo

VNTB- Côn đồ chính trị là gì?

Nguyễn Tường Thụy

(VNTB) – Lần đầu tiên, tôi sử dụng cụm từ này trong bài viết “Mục sư Nguyễn Trung Tôn – mục tiêu đàn áp của côn đồ chính trị”.

Khái niệm
Việc công an kết hợp với côn đồ đàn áp, khủng bố những người đấu tranh đã trở thành phổ biến, gắn bó hữu cơ, ai cũng biết. Cứ đâu có công an là ở đấy có sự phối hợp với côn đồ, kể cả cảnh sát giao thông và các loại công an khác. Vì vậy, có người đưa ra từ ghép là côn an (côn đồ + công an) để chỉ loại côn đồ này. Nhưng ghép như thế là đã có sự phân biệt công an và côn đồ. Và như vậy chẳng hóa ra công an không có chất côn đồ và côn đồ không phải là công an – điều này không đúng với thực tế. Khi công an cởi bỏ sắc phục ra và cả khi đang mặc sắc phục mà có hành vi côn đồ thì vẫn là con người ấy, vẫn mang bản chất côn đồ. Vì vậy, tôi đưa ra một khái niệm khác là “côn đồ chính trị” để chỉ những công an mang chất côn đồ + côn đồ được huy động vào mục đích chính trị. Điều trớ trêu là lẽ ra, công an phải là ngành gương mẫu nhất về việc thực thi, chấp hành pháp luật thì lại chà đạp lên luật pháp một cách ngang ngược, thô bạo nhất.
Khái niệm côn đồ chính trị còn rộng, nó có cả ở thượng tầng kiến trúc. Có loại côn đồ chính trị giết người nhưng không trực tiếp ra tay. Nhưng khái niệm côn đồ chính trị ở đây tạm hiểu hẹp hơn là bọn côn đồ trực tiếp ra tay đánh đập người vô tội, tất nhiên hành vi ấy là vô pháp luật, bất kể nó là công an hay không nhưng nhằm vào mục đích chính trị.

So sánh côn đồ xã hội với côn đồ chính trị
Gọi là côn đồ chính trị để phân biệt với côn đồ ngoài xã hội, tức là tạm chia côn đồ ra hai loại: côn đồ chính trị và côn đồ xã hội.  Nó có sự giống và khác nhau như sau:
– Về hành vi: đều mang tính côn đồ, tàn bạo và hèn hạ.
– Côn đồ chính trị ra tay nhằm vào mục đích chính trị như dằn mặt hay trả thù những người hoạt động xã hội dân sự độc lập, không muốn họ làm những việc như giúp đỡ dân oan, thăm tù nhân lương tâm, gặp các đoàn ngoại giao, biểu tình, đi khiếu kiện, bày tỏ chính kiến bất đồng… hoặc đơn giản chỉ là gặp gỡ, họp mặt, đi đám cưới hay đi viếng đám tang một người bất đồng chính kiến. Những hành vi đó thuộc quyền dân sự, hợp pháp nên không thể bỏ tù, hoặc muốn bỏ tù nhưng vì nhiều lý do khác mà chưa thể. Ngoài đánh đập, côn đồ chính trị ở Việt Nam còn có nhiều cách khủng bố khác như bịt mặt đe dọa, mang sản phẩm tự chế như hỗn hợp mắm tôm, dầu nhớt, sơn và các chất thải khác để ném vào nhà đối tượng mà chúng khủng bố.
Còn côn đồ xã hội ra tay nhằm dằn mặt, trả thù những kẻ tranh giành lãnh địa làm ăn (bất chính), vì tư thù, vì được thuê…
– Côn đồ xã hội mặc thường phục, ra tay ngoài đường hoặc đến nhà đối tượng trấn áp. Côn đồ chính trị khi mặc sắc phục công an, khi mặc thường phục, ra tay mọi lúc mọi nơi, kể cả trong trụ sở công an hay vào tận nhà đối tượng phá phách đánh đập.
– Côn đồ xã hội sợ công an còn côn đồ chính trị thì không, vì được bảo lãnh. Côn đồ xã hội có thể bị phạt hành chính hay đi tù nếu hành vi bị phát hiện còn côn đồ chính trị thì không. Đây là điểm khác nhau cơ bản nhất.
– Côn đồ xã hội gần như không có đảng viên. Côn đồ chính trị có cả đảng viên hoặc chưa. Vào đảng, thăng tiến nhanh hay chậm tỉ lệ thuận với độ tàn ác.
Sự phân biệt trên cũng chỉ là tương đối chứ không thể hoàn toàn rạch ròi. Hai loại côn đồ này nương tựa vào nhau, chuyển hóa lẫn nhau, biến hóa khôn lường. Công an ra ngoài xã hội có hành vi côn đồ không mà không phải nhiệm vụ được giao thì thành côn đồ xã hội. Côn đồ xã hội được huy động vào mục đích chính trị thì khi đó gọi là côn đồ chính trị. Sự chuyển hóa lẫn nhau là ở chỗ ấy.

Nạn nhân của côn đồ chính trị

Nạn nhân của côn đồ chính trị
Nạn nhân của côn đồ chính trị rất nhiều. Có thể kể ra đây một số ví dụ: Mục sư Nguyễn Trung Tôn, Linh mục Nguyễn Đình Thục, các cô Trần Thị Nga, Nguyễn Phương Uyên, Nguyễn Hoàng Vi, Huỳnh Thục Vy, Phạm Thanh Nghiên, Đỗ Thanh Vân, chị Dương Thị Tân, các anh Trần Bang, Trương Văn Dũng, Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển, Phùng Thế Dũng, Hoàng Dũng, Huỳnh Ngọc Tuấn, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Thanh Hà, Lai Tiến Sơn, Nguyễn Viết Dũng, Nguyễn Chí Tuyến, Lã Việt Dũng, Trần Minh Nhật, Huỳnh Anh Tú, Đỗ Đức Hợp, dân oan Trương Minh Hưởng và nhiều dân oan khác, JB Nguyễn Hữu Vinh và toàn bộ đoàn đi thăm ông Trần Anh Kim, Bùi Thị Minh Hằng và toàn bộ đoàn Phật giáo Hòa Hảo khi đi thăm gia đình anh Nguyễn Bắc Truyển, Trịnh Bá Tư và toàn bộ đoàn đi đón anh Trịnh Bá Khiêm ra tù, các buổi kỷ niệm bị cắt điện, đạp đổ bàn ăn, ném cốc chén bát đĩa vào những người tham dự.… Trong phạm vi bài viết, chỉ hy vọng kể ra một số nạn nhân – mấy phần trăm làm ví dụ. Bản thân tôi cũng đã nhiều lần là nạn nhân của côn đồ chính trị.
Nhiều sự kiện huy động côn đồ chính trị, người tổ chức còn “chu đáo” tới mức huy động kèm cả xe cứu thương, có nghĩa là xác định phải đánh đập, đàn áp vì có côn đồ thì có đổ máu.
Tôi muốn một nhóm xã hội dân sự nào đấy làm thống kê một cách khoa học, nếu in thành sách thì tốt, về những nạn nhân của côn đồ chính trị làm tài liệu nghiên cứu cho hậu thế về giai đoạn lịch sử đen tối này.

Đất sống của côn đồ chính trị
Sự tồn tại của côn đồ ở xã hội nào cũng có. Xã hội văn minh thì ít hơn, còn xã hội lạc hậu, kém phát triển thì nhiều hơn. Nhưng côn đồ chính trị thì xuất hiện trong một xã hội mạt pháp, không có kỷ cương, hệ thống chính trị thối nát không còn chính danh, giới cai trị không cai trị xã hội bằng luật pháp mà bằng luật rừng.
Chưa bao giờ, đất nước lắm côn đồ chính trị như bây giờ. Hoạt động của nó được bảo kê chẳng chịt bởi cả hệ thống chính trị, hệ thống tư pháp, từ cấp cơ sở đến trung ương nên nó phát triển rất nhanh.

Côn đồ chính trị sẽ biết mất khi xã hội tiến đến nền dân chủ đa nguyên, tam quyền phân lập. Để côn đồ chính trị không còn đất tồn tại, chỉ còn cách loại bỏ chế độ độc tài, xây dựng một chế độ mà người dân thực sự làm chủ.

Tin bài liên quan:

VNTB – Hội chứng từ bỏ Hội Nhà văn Việt Nam?

Phan Thanh Hung

VNTB – Đại hội cựu tù nhân lương tâm lần thứ 2

Phan Thanh Hung

VNTB – Anh em Hà Nội mừng đón Luật sư Lê Quốc Quân ra tù

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo