Nguyễn Phúc
(VNTB) – Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục đặt ra những quy định can thiệp vào báo chí, với cùng những công cụ mà họ sử dụng để thực thi ý chí của họ trong các lĩnh vực khác: quyền xử phạt, quyền tịch thu, quyền ngăn cấm, quyền bỏ tù.
Chưa có tự do báo chí
Trong lãnh vực báo chí điện tử, cho đến nay tạm coi là đang có những tờ báo độc lập theo nghĩa hoạt động hoàn toàn độc lập với các cơ quan quản lý báo chí ở Việt Nam. Tuy vậy, họ đều có đội ngũ biên tập viên, phóng viên, cộng tác viên riêng, và tổ chức sản xuất nội dung không khác gì một cơ quan báo chí của nhà nước.
Tuy nhiên nếu hiểu theo nghĩa về “tự do báo chí” cũng là “tự do thông tin”, thì cho đến nay Việt Nam chưa có “tự do báo chí”, chưa có “tự do thông tin” nên ngay cả ở các tờ báo độc lập nói trên, việc tìm kiếm nguồn thông tin một cách chính thức vẫn còn rất hạn chế. Việc tiếp cận thông tin do các cơ quan nhà nước nắm giữ vẫn khó khăn, dẫn tới tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước chưa được thực hiện. Trong lúc đó, thì quyền tiếp cận thông tin (thuật ngữ “right to access to information”) thường được hiểu là quyền của cá nhân, công dân tiếp cận các thông tin do cơ quan nhà nước nắm giữ hoặc thông tin do cơ quan hành chính nắm giữ.
Không thể minh bạch khi chưa có tự do thông tin
Tự do thông tin (freedom of information) bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận, tiếp cận, chia sẻ, trao đổi và phổ biến thông tin. Những nội dung của tự do thông tin cũng chính là những thành tố của tự do biểu đạt.
Khoản 2 Điều 19 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR, 1966) xác định quyền tự do biểu đạt bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến, truyền đạt mọi thông tin và ý kiến (to seek, receive and impart information and ideas of all kinds). Như vậy có thể thấy (quyền) tự do thông tin rộng hơn quyền tiếp cận thông tin. Quyền tiếp cận thông tin đôi khi còn được giải thích với nghĩa hẹp hơn là quyền được biết về tổ chức, hoạt động của một chủ thể nào đó, đặc biệt là của các cơ quan nhà nước (gồm cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, ở trung ương và địa phương).
Tự do ngôn luận, tự do báo chí là những hình thức cụ thể của tự do biểu đạt, đồng thời cũng là hình thức truyền tải, phổ biến thông tin đến nhiều người. Nếu không có tự do báo chí, tự do xuất bản thì thông tin sẽ khó được truyền tải một cách trung thực, nhanh chóng, thường xuyên, hệ thống và đầy đủ. Trong bối cảnh đó, sẽ không thể xây dựng và vận hành một bộ máy nhà nước theo các nguyên tắc về công khai, minh bạch và bảo đảm trách nhiệm giải trình.
Ngược lại, quyền tiếp cận thông tin giúp hình thành nên các quan điểm, ngôn luận khách quan, giảm thiểu sự thiên vị, sai lệch. “Tính mới” – giá trị quan trọng hàng đầu của báo chí – chính là những thông tin mới hoặc góc tiếp cận mới về một vấn đề hoặc sự kiện diễn ra trong xã hội.
Thực trạng quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam hiện nay
Ở Việt Nam, Hiến định Đảng là “…lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, nên rất dễ trở thành độc đoán, chuyên chế nếu không thực thi đầy đủ các nguyên tắc dân chủ và tăng cường hoạt động của các thiết chế dân chủ.
Đảng lãnh đạo nên việc thông tin đến công chúng thường bị chi phối theo quan điểm và nhằm bảo vệ quyền lợi của Đảng cầm quyền là một tất yếu khó tránh khỏi. Do đó mặc dù Điều 25 Hiến pháp 2013 có quy định công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Đã quy định là tự do thì không ai được phép xâm phạm, chà đạp các quyền đó. Có nghĩa là người dân phải được nói lên tiếng nói nội tâm của mình, nói ra những suy nghĩ sâu xa của mình.
Tuy nhiên, trên thực tế một số vấn đề được cho là nhạy cảm như Đảng cầm quyền, phương thức lãnh đạo của Đảng, đường lối kinh tế, dự án, tình trạng tham nhũng… người dân lại đang khó có thể nói lên tiếng nói của mình. Thực tế, đó chính là sự chưa bảo đảm quyền của người dân theo Hiến pháp. Khi không được tự do bàn luận về một số vấn đề của chính trị, pháp luật, xã hội thì cũng đồng nghĩa người dân không được tiếp cận thông tin cần thiết trong lĩnh vực họ quan tâm.
Việc cấm đoán bàn luận vấn đề được cho là “nhạy cảm chính trị”, là “ảnh hưởng đến địa vị lãnh đạo của Đảng”… cũng khiến cho áp lực quản lý nhà nước về thông tin cũng hết sức khó khăn. Các cơ quan quản lý thông tin truyền thông vốn lực lượng đang bị dàn trải, lại quản lý một lĩnh vực có không gian rộng (bất cứ đâu trong và ngoài nước) và có chiều sâu (bất cứ ai dù quan chức hay dân thường) thể hiện tư tưởng, tâm tư, tình cảm của họ về một vấn đề nhất định thì khó có thể kiểm soát hiệu quả. Mặt khác, việc cụ thể một số quyền như biểu tình đến nay vẫn chưa có luật.
Bên cạnh đó có thể thấy còn có một số thiết chế chính trị – xã hội thể hiện quyền làm chủ của người dân như Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam…có tôn chỉ bảo vệ quyền lợi hội viên, nhưng về cơ bản vẫn thiên về mục tiêu chính trị với ý nghĩa là cánh tay nối dài của Đảng nên tính bảo vệ, tính giám sát và phản biện xã hội còn nhiều hạn chế và vẫn mang nặng tính hình thức, vì trong chính bản thân hoạt động thực tiễn của các thiết chế này cũng chưa bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của thành viên nên khó có thể phát huy vai trò tích cực xã hội khác.
Báo chí tư nhân là tất yếu
Nhiều tờ báo trước đây như Vietnamnet; Vnexpress; VTC đều do doanh nghiệp tư nhân thành lập, sau này mới giao cho Nhà nước quản lý. Như vậy về cơ sở pháp lý, nếu giờ đây thừa nhận báo chí tư nhân, cho thấy không chỉ phù hợp với Hiến pháp mà còn phù hợp với quy định của Luật báo chí hiện hành, bởi báo chí là diễn đàn của nhân dân.
Chuyện “tư nhân hóa” báo chí và tư nhân tham gia làm báo có lẽ nằm ở chỗ quyền sở hữu. Theo Luật báo chí (sửa đổi) vừa có hiệu lực từ đầu năm 2017, thì sở hữu măng-sét báo vẫn là cơ quan báo chí nhà nước, tư nhân chỉ tham gia liên kết.
Ở đây có hai vấn đề lớn. Một là không tư nhân nào với tầm nhìn dài hạn, một ý hướng xây dựng lâu dài chịu liên kết theo kiểu này. Có thể nói ngay, liên kết kiểu này sẽ dẫn tới sự chụp giật, nhắm tới lợi ích ngắn hạn. Từ đó nỗ lực ngăn chận tình trạng “thương mại hóa” báo chí sẽ càng khó khăn, khi không có gì bảo đảm các cá nhân liên kết không vì lợi nhuận, mà dùng các chiêu trò câu khách rẻ tiền.
Rất nhiều tờ báo nghiêm túc phải trải qua nhiều năm chịu lỗ để xây dựng tên tuổi, uy tín và một khi chưa có sự bảo đảm đó, khó lòng thu hút các cá nhân muốn liên kết lâu dài bỏ vốn ra để xây dựng cái không phải là của mình.
Tưởng cũng nên nhắc lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 282/SL ngày 14 tháng 12 năm 1956 kèm theo Luật về chế độ báo chí, ở điều 2 cho phép xuất bản báo chí tư nhân. Tờ báo Nhân văn, và tạp chí Giai phẩm ra đời vào đầu năm 1956 là từ Sắc lệnh này.