Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chấm phá đời tôi (02)  

 

Ngụy Hữu Tâm

 

Kỷ niệm của tôi ở tư cách là Moritzburger và những vấn đề liên quan.

 

Tôi viết bài này vào những ngày đầu tháng tám. Thời gian trôi qua nhanh khủng khiếp quá. Hà Nội vẫn nóng nhưng bớt oi bức nhiều, vì liên tiếp có những đợt mưa.   

Bài trước tôi có kể rằng, tôi đã hoàn thành đợt xạ trị 20 mũi tại Viện Quân Y 108, vào ngày 19.04. Sau đó thì cơ thể nhanh chóng trở về trạng thái bình thường, tôi cũng hoàn toàn bất ngờ vì khả năng này của mình. Biết nói làm sao đây. Người khác thì rụng tóc đến trọc, mặt mũi, cơ thể xập xệ đến mức đáng thương mà tôi bây giờ, trông ngoài thì ai dám bảo người ốm.  Thôi đành nói câu sáo ngữ „Ơn Trời“.

Thế nên đầu tuần sau đó lại lóc cóc đạp xe lên VVL. Đầu tiên ghé thăm anh bạn P.B. đã có kể, ở khu tập thể trường ĐHKTQS ngay gần đấy. Gặp để biết đây là lần gặp nhau cuối cùng vì hôm trước đã kịp gặp chị vợ, ngay cạnh Chợ Ngọc Hà, để hỏi qua tình hình, bởi lẽ linh tính mách bảo tôi rằng anh này đang muốn ngãng ra. Đúng thế! Chị vợ bảo: „Anh đừng giao gì cho anh ấy nữa nhé!“ 

Anh B. vốn từ trên hai năm nay nhận tham gia biên tập lại với tôi cuốn sách „CÁC THẾ HỆ CÙNG CHUNG SỐNG THẾ NÀO  ĐÂY“ ở NXB Y học, nơi tôi quen biết nên họ nhận sẽ in cho, mà tôi vốn lấy ý từ một cuốn sách tiếng Đức mà tôi rất tâm đắc. Cuốn sách có 5 chương, tôi làm 2 chương đầu, anh B. nhận 2 chương cuối vì chương giữa đã có một chị bạn nhận. Từ cuối năm ngoài tôi và chị bạn đã làm xong, đến giục anh B. thì anh cứ lần khân mãi. Mà anh chỉ viết tay, không quen dùng vi tính, tôi lại phải đi thuê đánh máy nữa cơ. Giục mãi cả trên nửa năm nay, bảo làm đến đâu cũng được, cứ đưa bản nháp đây, rồi chúng tôi đành làm tiếp vậy. Thế mà bây giờ anh điềm nhiên bảo, chưa hề làm tý gì. Thôi may quá, mail cho chị K.C. thì chị nhận ngay chương tiếp theo, còn tôi chỉ phải làm chương cuối cùng, ngon ơ! Nhưng bực với anh B. quá. Mà anh còn nói, cũng sẽ không tham gia buổi gặp mặt anh chị em Moritzburger 2 tháng nữa tại trụ sở DAAD, ĐHBK Hà Nội. Anh biện luận, cứ  như DAAD bố thí cho mình. Mà chúng tôi hoàn toàn bỏ tiền cơ mà, DAAD chỉ cho mượn địa điểm. Tình cảm Đức-Việt miễn nói, đâu phải chuyện tiền nong. Mà anh chị B. 2 con đều đang ở Đức, cô đầu thậm chí lấy chồng Đức, giáo sư trường T.U. Dresden mà tôi cũng đã có lần kể với bạn đọc. Thôi dành vậy, đến… „phút chia tay hai đưa mình nghẹn nói“. 

Sắp U90 cả rồi, lại gặp nhau ở… Cầu Bươu rẽ phải thôi mà!

Có kỷ niệm vô cùng hay ngày hôm sau. Ra SB Nội Bài đón cô con gái GL và 2 cháu ngoại từ Praha về nghỉ hè một tháng. Ba năm chưa về vì dịch covid nên có những thay đổi trông thấy. Cô con gái đã trên 40, rõ ràng là một phụ nữ từng trải, nó cũng đã được tôi kể sơ lược ở những bài trước, mừng ra mặt vì bố đã qua khỏi bạo bệnh. Hai cháu BMinh và BAn, một đứa 14, một đứa 12, đứa lớn đã trên mét bảy, nhưng đứa nhỏ vẫn còn rất trẻ con, BMinh trông rất giống ông nội, còn BAn giống ông ngoại. May quá chúng vẫn hiểu tiếng Việt, vẫn nghe được khi giao tiếp tuy phải nói chậm một chút, còn rất ngại nói vì dĩ nhiên nói kém, học trường Tây, thằng anh thậm chí trường Do Thái nói tiếng Hebra nên    nói được tiếng Việt thế là khá lắm rồi, bố mẹ  bỏ biết bao công sức dạy dỗ. Về ngoại ngữ, BAn tính tình giống ông ngoại hơi nóng vội nên thi trượt cả trường Do Thái, năm rồi cũng trượt trường chuyên nên chỉ học một trường trung học Séc bình thường, thế nhưng ngoài tiếng Séc còn học tiếng Anh và Đức. Còn BMinh vì học trường Do Thái nên ngoài tiếng Séc và Hebra là 2 ngôn ngữ mình, còn học thêm 2 ngoại ngữ nữa, là tiếng Anh và Pháp.  Thế cho nên chúng đều hơi lớ ngớ, hơi „tồ“ một chút, chứ chẳng láu cá như trẻ con Việt Nam, là điều dễ hiểu. Nhưng cũng chính vì thế mà hết sức đáng yêu. Trẻ con phải ngây thơ như vậy mới đúng là trẻ con. Cũng nên nói thêm, GL con gái tôi, vì cậu con trưởng học tiếng Hebra, nên cũng bắt đầu học thứ tiếng đó, thổ lộ với tôi, hóa ra phát triển cùng thời, lại cùng địa điểm nên giống chữ viết Ả-rập chứ không giống chữ viết Latin, nghĩa là alphabet cũng ngoằn ngoèo như thế, và cũng viết theo thứ tự ngược, nghĩa là từ phải sang trái, và sách thì cũng giở ngược, nghĩa là từ sau lại. Điều này thì tôi cũng đã biết vì thời gian ở Algérie cũng đã bắt đầu học tiếng Ả-rập.  

Hai cháu về Đặng Xá theo xe ông nội. Tôi theo xe bạn cháu GL, cháu DzK, một chiếc Mẹc đen chính hiệu, vì hai cô chị em sinh đôi này có bố mẹ đang ở Praha, đại diện một hãng máy cơ khí lớn của Séc nên cũng thuộc loại rất khá giả.

Lại nói chuyện đi dọc đường nói chuyện bông lơn với anh  C., đang cầm lái, chồng cháu DzK, vốn thạc sĩ kinh tế học ở Pháp về. Dĩ thiên chuyện đàn ông lại là chuyện chính trị. không ngờ anh  C. hết sức ủng hộ Nga với Putin và chê Ucraina hết mức. May quá tôi đã chuẩn bị trước nên hoàn toàn không hề bị động. Tôi lái sang chuyện khác ngay.

Chúng tôi về khu Ciputra, nhưng chỉ là để xe ở đó vì villa bố mẹ cháu DzK, hiện đang ở lại Praha, có khu đất rộng. Rồi đi bộ sang Tòa nhà 30 tầng của công ty Tân Hoàn Minh kế bên. Mới khánh thành 2 năm nay. Vị trí tuyệt đẹp vì trông ra Hồ Tây. Hai cô cháu, người ở tầng 15, người ở tầng 25, nhưng rất mát, hoàn toàn không phải dùng điều hòa vì dùng khí trời Hồ Tây, gió hồ lồng lộng. Trước đây các cháu ở Time City, ở lâu đã chán nên chuyển về đây ở. Thật có nằm mơ cũng chẳng thấy! Tôi vốn ở mãi cái villa xập xệ gần bẩy chục năm nay nên khó tưởng tượng quá.

Nghỉ ở đây một lúc thì GL dùng chiếc Mẹc của cháu DzK đưa tôi về nhà. DzK cho GL mượn xe khi ở Hà Nội, nhà nhiều xe mà! Rồi cháu về ngay Đặng Xá với hai con. Đi đường quá mệt mà, lại chuyển múi giờ nữa.

Đêm thứ bảy 30.07., tôi dậy xem chương trình bóng đá hạng hai Pháp EA Cuncamp với Pau FC, vì có Quang Hải mà. Truyền hình cáp truyền trực tiếp. Quang Hải được ra sân 30 min cuối. Thế cũng là hay lắm rồi. Quang Hải nhận bóng và chuyền đi chính xác. Hai cú phạt góc cũng đá hay, chuyền cho một cầu thủ khác đá tiếp và một một cầu thủ đánh đầu Hai quả đều không thành công nhưng không phải lỗi của Quang Hải. Lần đầu tiên ra sân thế là tốt lắm rồi. Đó cũng là nhận xét của Đặng Phương Nam và hai bình luận viên khác trên Truyền hình cáp.

Đêm thứ bảy sau lại lóc cóc dậy xem chương trình bóng đá hạng hai Pháp Pau FC với Dijon, lần này Pau được đá trên sân nhà, nhưng cũng không hay hơn, ngồi xem mà mắt cứ díu lại, may sao Pau giữ được sạch lưới. Hai đội hòa 0 đều nhưng ở tư cách là người xem thì tôi chán ngắt, dẫu có Quang Hải trên sân 69 phút đầu. Hy vọng em sớm hòa nhập vì thấy có vẻ được giao bóng nhiều hơn. Thế nên chắc chắn QH sẽ thành công hơn các bạn đi trước. Chỉ có điều, bao giờ Việt Nam hội nhập được với Quốc tế, trên mọi lĩnh vực chứ không chỉ bóng đá, nhất là nhân quyền và pháp quyền. Chắc chắn chỉ chờ ĐCSVN xóa điều 4 Hiến pháp. Lâu đấy, đến cuối thế kỷ ư?        

Hai cháu BMinh và BAn về Hà Nội cả tháng nên mẹ cho học hè ở chỗ cậu GN, biết đâu sau này trở nên TS môn Cầu lông cũng nên. Nhắc đến đây tôi bỗng nhớ đến tiểu thuyết „Số Đỏ“ của Vũ Trọng Phụng. Thời Pháp thuộc, ở Việt Nam cũng đã manh nha một nền văn hóa cũng tạm gọi là sánh ngang được với thế giới, nhưng sau gần 100 năm „thời đại HCM“, lại trở về với Vua Hùng, ta vẫn là ta hay còn thâm thúy hơn là ý thơ của  cô giáo Trần Thị Lam: “Đất nước mình ngộ quá phải không anh”  

Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn

Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm…

Công ơn Bác, Đảng thật sự vô cùng to lớn…buồn quá!

  Ngày Chủ Nhật nên mẹ các cháu cho các cháu ở lại bên ngoại. GL bảo tôi, con muốn cho hai cháu gần ông ngoại hơn, ở với ông nội mãi. Thế là tôi đi kiếm vé cho hai đứa đi xem rối nước. Sau 3 năm covid, rạp Rối nước Thăng Long chỉ còn diễn hai buổi mỗi tối thay vì 5 đến 6 như trước kia.  Giá vé tăng lên gấp đôi, 200k, ngót nghét 10Đô. 

May quá rạp chật cứng chẳng còn một ghế trống, 500 khác mà toàn là khách du lịch, ngoại trừ ba ông cháu tôi. Cũng thế với „phố đi bộ“ ở phố cổ và ven Hồ Hoàn Kiếm, tuy chưa chật cứng, nhưng cũng rất đông khách. Các quán ăn đã đông khách trở lại, quá nửa là khách du lịch, mà Tây là chính. Thôi cũng là một sự an ủi cho thời kỳ hậu covid. Tôi rất hài lòng mà về nhà, ba ông cháu ngủ ngon cho tới sáng rõ.

Tờ FAZ cho hay: Cựu Thủ tướng CHLB Đức Gerhard Schröder cũng đồng thời là bạn của Putin nói sẽ còn tiếp tục gặp Putin, và y hứa sẽ dần đi đến ngừng bắn. Có nên tin 2 vị này chăng? tôi chẳng tin nhưng sự đời không đơn giản thế, vẫn luôn có những bất ngờ đôi khi rất thú vị! Đáng quý nữa kia nếu 2 vị này nghiêm chỉnh, cũng là 2 ông già rồi mà! 

Đọc BBC ngày 01.08.2022, bài Việc Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, mặc áo nhung, đội mũ màu đỏ, cầm quyền trượng, đeo vòng cổ trong lễ trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên gây ra nhiều tranh cãi.  Tôi cũng đồng ý rằng, đấy là chuyện nhỏ chẳng đáng ấm ỹ. Đổi mới đáng hoan nghênh, tuy nhiên vấn đề vẫn luôn ở chỗ là nối dung quan trọng hơn hình thức rất nhiều. Giáo dục Việt Nam đang tồn tại quá nhiều vấn đề, cũng như tình hình cả nước thôi, bới đâu cũng thấy thối.

Cậu em NHC từ Munich gửi về một bài hay quá: NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ. GS Sử học – Trần Quốc Vượng (1934 – 2005).

Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung đã và đang phát triển rất nhanh, đặc biệt từ nửa sau thế kỷ 20.

Tạm bỏ qua một bên mọi sự “giải thích”, nào đổ tội cho phong kiến đế quốc, thực dân, bành trướng, thiên tai, địch họa, chiến tranh, cách mạng; nào viện dẫn sai lầm chủ quan của những người cầm nắm vận mệnh quốc gia mấy chục năm qua, v.v… tình trạng ấy là không bình thường, gây nên một bức xúc tâm lý, một nỗi đau thân thể, một nhức nhối thân xác và tâm linh, buộc KẺ SĨ và NGƯỜI DÂN, vừa gian khổ kiếm sống, vừa suy nghĩ đêm ngày, tìm cách khắc phục và vượt qua tình trạng tủi nhục này…

Có ĐỘC LẬP rồi chăng, nhưng hoạ LỆ THUỘC vẫn luôn luôn mai phục, cả về mô hình chính trị và sự phát triển kinh tế…

Có THỐNG NHẤT rồi chăng, nhưng mầm CHIA RẼ mọc rễ sâu xa…

Điều chắc chắn, là NHÂN DÂN chưa có HẠNH PHÚC, TỰ DO thực sự.

Tờ báo mạng boxitvn mấy ngày qua cũng có nhiều bài hay nhưng đáng tiếc phải vượt tường lửa mới xem được, xin miễn nhắc lại. Còn không, qua FB cũng theo dõi được.

Tờ báo giấy-mạng Frankfurter Allgemeine sáng ngày 03.08 cho liền ba bài hay về chuyến thăm của bà Pelosi mà tôi hết sức ngưỡng mộ bà từ chuyến thăm Bắc Kinh sau vụ Thiên An Môn và phát biểu của bà về độc tài và dân chủ nay trở thành tâm điểm của nền chính trị thế giới, Tập và lũ Tàu khựa cay cú bà là phải.

 FAZ còn viết thêm: War es das wert? Chuyến đi (của Nancy Pelosi) có đáng với cái giá rồi sẽ phải trả không? Trung cộng đe dọa nguyên trạng với  những vụ xâm lấn của nó.   

 China bedroht mit seinen Aggressionen den Status quo. Der Westen muss jetzt zusammenstehen – und die Frage in den Vordergrund stellen: Was wäre im Interesse Taiwans?

Còn BBC News thì bình luận… Đúng 22:52 giờ Đài Loan, người xem truyền hình có thể thấy rõ bà Nancy Pelosi, vẫn mặc bộ đồ hồng như buổi chia tay quan chức Malaysia buổi sáng cùng ngày, xuống cầu thang máy bay. Ngay sau đó, BBC News bình luận rằng đây là “thời khắc rất quan trọng”… 

 Thế nhưng qua chuyến đi này, ta sẽ còn thấy Tập không mạnh như y vẫn tưởng, chắc chắn đại hội ĐCSTQ sắp tới sẽ đẻ ra nhiều vấn đề mới cho Trung Quốc và thế giới. Nhưng còn lâu dân Trung Quốc mới vươn được tới dân chủ, Việt Nam thì khỏi bàn vì ngay Trung Quốc cũng sợ Việt Nam đi trước ở vấn đề này, nhưng đề tài này tôi đã nêu ý kiến từ lâu là lẽ ra Việt Nam phải đi trước và nguyên nhân vì sao, xin miễn phải nhắc lại. 

Bài nữa cũng hay là Mỹ đã giết được tên Zahiri ở Afganistan, nhân vật thứ hai sau ông trùm Bin Laden của nhóm khủng bố Al Queda. Thế nhưng Zahiri, người Ai Cập và có nghề bác sĩ, trên Bin Laden 6 tuổi, thực ra mới là lý thuyết gia của nhóm này và tư tưởng Hồi giáo cực đoan, cũng nguy hiểm, tuy có thua Trung cộng.

Còn bài về hoocmon testesteron và vấn đề nam tính thì miễn bàn. Hay nhất là nguyên Thủ tướng Anh Boris Johnson, trong một cuộc phỏng vấn bên lề Hội nghị thượng đỉnh khối NATO, có bảo: „Nếu Putin là phụ nữ thì y đã không xâm lược Ucraina“. 

Thế nên hiện nay hàng tháng tôi tiêm testesteron để giảm nam tính đi, lại hết sức là hay, thậm chí còn mang tính đi trước thời đại kia đấy! Nam tính chỉ mang họa cho nhân loại, vì thế cho nên, phong trào nữ giới muôn năm! Tôi hết sức ủng hộ.           

Xin được đi vào chủ đề của bài này.

Ở tầng một nhà tôi, ngay lối vào, tôi treo ảnh chân dung 3 người mà tôi ngưỡng mộ. Dù không phải bàn thờ, nhưng coi như vậy cũng chẳng sai. Đầu tiên là ông bố tôi, dĩ nhiên, tôi đã viết về ông khá kỹ ở bài trước rồi. Thứ đến là Albert Einstein mà chắc chắn nhiều người Việt biết, dẫu không liên quan gì tới vật lý, nhưng kiến thức phổ thông ai dễ quên đến thế, và mạng ngày nay cũng vẫn luôn nhắc đến. Còn người thứ ba là ông thày hướng dẫn luận án TS của tôi ở ZOS, VHKKH CHDC Đức, Berlin, TS Roland König. 

Tra Wikipedia tiếng Đức không có, ông không nổi tiếng đến thế. Nhưng may quá, tra Karsten König thì có, giáo sư nổi tiếng môn lý sinh và công nghệ laser Trường Đại học Tổng hợp Saarland. Ông này là con trai ông thày tôi mà năm 1974 khi tôi sang Berlin đến nhà thăm thày ở Zeuthen, ngoại ô Berlin thì mới còn là cậu bé 14 tuổi (sinh 1960). Rất may năm 2001 khi sang thành phố Kiel 3 tháng ở Đại học Albrecht Kiel chỗ Khoa Xã hội học của GS Endruweit, tôi cũng ghé thăm được GS K. König và ông đưa tôi đến thăm những phòng thí nghiệm laser phục vụ y học ở các thành phố Jena, Berlin và Hannover. Sau đó, tôi mời được ông sang thăm Việt Nam, điều mà tôi không thành công với GS Endruweit và việc tiếp tục tham gia vào nghiên cứu xã hội học ở Việt Nam bị dừng lại. Nhưng với vật lý thì không thế vì tôi đã làm việc quá lâu ở VVL. Cuối năm nay, GS K. König đã lên lịch ghé thăm Hà Nội 3 ngày trong chuyến du lịch một tháng 3 nước Đông Dương là Lào, Việt Nam và Campuchia. 

Và ông đã hẹn tôi tiếp ông, hoàn toàn ở tư cách cá nhân, bởi vì quan hệ khoa học với VVL thuộc VHLKH&CNVN quá khó. Đức quá xa Việt Nam ở lĩnh vực này, trong khi ông nhiều lần đến Singapor và Đài Loan nhưng chẳng ghé Hà Nội được, cũng vì lý do ấy…

Quay trở lại với König bố, ông thày tôi. Ông sinh năm 1935, tức chỉ trên tôi 9 tuổi.. Thế nhưng 1974, khi tôi sang Viện ZOS thì dẫu chỉ mới là TS, chưa làm xong bậc hai là Dr. habil, TSKH, ông đã là trưởng phòng laser màu của ZOS và đã từng hướng dẫn thành công nhiều luận văn TS. Tôi sang là TS chỗ ông vì có liên hệ từ trước. Hai anh TĐA, làm TS laser tại Đại học Jena và CĐT làm TS laser tại ZOS rồi thực tập khoa học một năm ở ZOS, tuy lúc đó về làm việc tại Bộ Công An vì sếp lúc ấy của bộ này muốn thế. Nên các anh mang đầu laser He-Ne cho chúng tôi ở VVL lắp mà tôi có kể ở trước rồi. Năm 1973 anh TBC ở khoa Lý ĐHTH và tôi đều đã thi xong đầu vào làm TS, dẫu tôi đã chuẩn bị về OPO (Optical Parametric Oszillator-máy dao động cộng hưởng quang học) nhưng 2 anh khuyên tôi làm laser màu là đề tài thực nghiệm nên thực tế hơn, và tôi đi theo hướng này, anh C mà tôi có kể ở trước về ba nhà vật lý xứ Huế nổi tiếng, có tên cùng bắt đầu với 2 chữ Ch, lại làm về OPO, nặng về tính toán lý thuyết. Anh Ch đạt điểm summa cum laude – tối ưu khi bảo vệ, sau này bảo vệ thành công luận án TSKH, cũng có hàm PGS nhưng mọi người ít biết, vì anh kín tiếng, hơn nữa trong ngành phải giữ bí mật.

Thày König của tôi sinh ta trong một gia đình công nhân ở thành phố Jena, bố làm thợ lái xe lửa. Thế nhưng 2 anh em ông học giỏi, nên đều lên Berlin học đại học rồi tiếp tục lên làm TS. Ông König anh ngành Hóa, ông em ngành vật lý. Ông em tuy cũng xuất thân công nhân, nhưng chót lấy bà vợ con tư sản ở ngoại thành thủ đô, nên vướng lý lịch, không được kết nạp Đảng SED và con nhiều rắc rối khác mà tôi sẽ kể sau. Ông König anh ngành Hóa, mà ngành này ở CHDC Đức quá quan trọng nên ông vào BCHTW Đảng SED, được giao làm Bộ trưởng Nông nghiệp, thế nhưng thày tôi bảo, ông lãnh dạo việc sản xuất nitơ thay vì cho nông nghiệp, mà chủ yếu làm thuốc nổ cho công nghiệp quốc phòng. Thế cho nên dẫu là anh em mà ông từ mặt nhau, không bao giờ tiếp xúc với nhau nữa. Năm 1989 khi bức tường Berlin đổ, nước Đức thống nhất, vận ông đã hết, ông lấy súng lục trang bị cá nhân tự vẫn. Người Đức làm chính trị yêng hùng thật, y như người Nhật! 

Ông anh rắn thế nhưng ông em, thày tôi, tính lại hiền khô. Hai thày trò hết sức hợp nhau, tôi nhiều lần đến nhà thày nên tôi thuộc đường lắm, đi metro cả tiếng đến ga Zeuthen, rồi còn quốc bộ trong rừng mươi phút nữa. Berlin lắm hồ nhiều rừng, thật hết sức đẹp và thơ mộng, không như Paris, kinh đô ánh sáng. Bà vợ cũng hiền, y tá mà nhưng về hưu sớm trông hai đứa nhỏ.

Nhưng gắn kết hai thày trò nhất là, khi tôi (xin lỗi nói hơi chuyên môn một tý nhưng chắc chắn bạn đọc cũng tưởng tượng ra được, đành hy vọng như vậy) khi sau 2 năm hặm hụi là mà vẫn chưa thấy kết quả. Số là đề tài tôi là tạo hiệu ứng trừ trong quang phi tuyến để có bức xạ hồng ngoại mà điều khiển tần số được y như laser màu. Dùng laser màu do laser Ruby phát ra rồi cho hai tia  này tương tác với nhau trên một tinh thể phi tuyến. Laser Ruby dùng đèn xung mà đèn này do tụ điện, nạp đủ rồi mới bắn được nên phải hàng phút mới bắn được một phát, mất thời gian và cũng khó với việc chỉnh sửa để hai tia trùng nhau trên tinh thể phi tuyến, rất khó cho người làm thực nghiệm. Tôi loay hoay suốt năm. GS Lau (bài sau nói kỹ hơn về các thày tôi ở ZOS), vốn là thày anh CĐT mà tôi cũng đã nói, thương mới bảo sang làm với thày, đề tài với bức xạ Raman thì dễ hơn nhiều. Tôi lễ phép từ chối. Ai lại thế, bỏ thày đi tìm thày khác khi có khó khăn.

May quá sau tuổi năm thì tiến bộ ngành laser nhanh hết nói. Viện ZOS chúng tôi tự sản xuất ra những laser nitơ rất đáng tin cậy mà phát xung đến trên 20Hz tức là trên 20 cú/s, tần số ngang tần số ảnh truyền hình nên rất thuận lợi cho việc quan sát. 

Thày König còn cử TS. Arkardi Rosenfeld giúp. Về ông này sẽ nói kỹ ở những bài sau khi đề cập đến bạn Đức và Việt Nam thời gian ở ZOS, nhưng tạm nói là bố mẹ đều là dân Do Thái, bố cộng sản nên tránh Hitler mà sang Moscow, mẹ dân Do Thái Bạch Nga, gặp nhau ở Nga nên lấy nhau ở đó rồi sau Thế chiến Hai về sống ở Berlin, một phân căn hộ rất đẹp ngay trung tâm, tôi rất hay đến chơi. Ông là người trẻ nhất nhóm, ít hơn tôi đến 5 tuổi, làm lý thuyết nên suốt ngày ngồi tra cứu tài liệu và tính toán. Arkardi phát hiện ra ngay là về việc tạo hiệu ứng trừ trong quang phi tuyến thì vào đầu năm 1977 này, người ta vừa thực hiện được nó giữa tia laser nitơ và tia laser màu trên tinh thể Lithi niobat LiNbO3 nên chúng tôi chỉ cần lặp lại nó rồi mở rộng khoảng tần số phát tia hồng ngoại là có bài báo ngay, thậm chí báo Quốc tế chứ không phải báo khoa học của CHDC Đức.

 Nhân đây nói thêm, anh Hiệu có lần nói „Chỉ cần đưa con bò qua biên giới là nó cũng có bằng TS“, ý nước ngoài dễ cho nghiên cứu sinh Việt Nam để bảo vệ. Ở CHDC Đức khi đó nghiên cứu sinh Việt Nam chỉ cần 01 bài báo đăng ở tạp chí khoa học nước này là đủ tiêu chuẩn bảo vệ. Các bạn tôi ở ZOS còn đùa, mày cứ nói thày báo cáo lên trên là đè tài này thuộc diện mật (tiếng Đức là Dienstverschluß) thì lập hội đồng kín, cần gì bảo vệ công khai cho mệt người.

Nhưng may quá, thày tôi cũng quyết tâm làm nghiêm chỉnh, cho người sang bên các viện quân sự mượn máy thu hồng ngoại, laser nitơ lại phát tần số mắt không theo kịp nên tôi kết nối máy thu hồng ngoại với một chiếc tivi là quan sát dễ dàng, thoải mái.

Thế là việc duy nhất tôi phải làm là chỉnh cho hai tia laser nitơ và tia laser màu hội tụ trùng nhau ở một điểm trong tinh thể Lithi niobat LiNbO3 rồi làm sao hứng được tia hồng ngoại phát ra là xong. Còn phức tạp nữa là góc quay của tinh thể cho từng bước sóng. Nhưng các việc đó tôi hoàn thành trong ít tháng. Có một bài báo trên tờ Optics Communication-Thông tin quang học là tờ tạp chí uy tín trong ngành laser. Không những thế Arkardi còn tính toán lý thuyết về tương tác laser trang tinh thể  để chúng tôi còn có một bài nữa trên tờ Kvantovaja Elektronika-Điện tử học lượng tử là tờ tạp chí khoa học của Liên Xô, cũng rất có uy tín trong ngành laser. Thế thì con đường bảo vệ quá rộng mở, tôi có thể kết thúc vào cuối năm là ba năm rưỡi chứ không năm như những nghiên cứu sinh khác, để Sứ quán phải nhắc nhở.

Xin dừng ở đây vì bài cũng đã khá dài, để lần sau tiếp.             

Bổ sung thêm về tin tức mấy ngày qua, với báo Đức thì ở GEO kỳ này cũng có những bài gây ấn tượng cho tôi là những bài sau.

Đó là, vì liên quan đến cuộc chiến tranh Nga-Ucraina, có liền mấy bài nói tới lịch sử. 

Đầu tiên phải nhắc đến bài lịch sử gia đình „Con đường dài đưa về nhà“ nói về hai vợ chồng người Nga gốc Đức Jakob và Maria Lorenz, vốn là người Đức vào thời Xa Hoàng thì tổ tiên họ di cư sang Nga làm ăn ở khu vực sông Volga, đến Thế chiến Hai bị Stalin nghi ngờ sẽ chạy theo quân đội phát-xít Hitler nên bị đẩy xuống vùng thảo nguyên thuộc nước Kazakstan, cùng với người Krimtatar, Bạch Nga, Ucraina, Moldavia, Baltic, Tsechtsenia và Triều Tiên, sống ở vùng làng quê sình lầy xứ này. May quá hai vợ chồng vươn lên được, chuyển đến Latvia làm giáo viên. Đến 1990 Liên Xô tan rã, họ may mắn được trở về Schwarzwald ở bang Bavaria. 

Nay nhìn lại nước Nga của Putin và cuộc chiến tranh Nga-Ucraina, họ mới thấy mình may mắn như thế nào. 

Một bài nữa nói về lịch sử Bắc và Nam Mỹ với cuộc tìm vàng của người Tây Ban Nha và buôn bán nô lệ cũng như bao nhiêu tội ác khác của lũ thực dân này.

Còn bài nữa giới thiệu lịch sử thành phố Beirut với văn hóa Ả-rập và Trung Cận Đông nói chung.

Bài cuối cùng nên kể ra là bài „Moral-Đạo đức“ với ảnh chiếm tất cả 2 trang, một bên là quý tộc và nô lệ thời Trung cổ và bên kia chân dung Putin thời nay, tương phản làm sao với lời chú thích: Cuộc tấn công của Nga vào Ucraina là cú đấm vào cái Thiện ở Đạo đức. Thế nhưng ở những cuộc tranh luận chính trị thì „người tốt“ và „kẻ đạo đức giả“ cũng đều bị ném đá: Đạo đức bị coi là yếu đuối, với đại diện là triết gia lừng danh Friedrich Nietzsche. Thế nhưng nếu không có quan điểm dường như ngây thơ như thế thì ngày hôm nay chúng ta vẫn còn có tàu nô lệ, freak shows-những chương trình kỳ quặc apartheid-nạn phân biệt chủng tộc.        

Trên tờ Spiegel số 20 này có một bài rất hay nhằm phổ biến khoa học, khi phỏng vấn GS Reihard Genzel, giải Nobel vật lý, về lỗ đen ở trung tâm Dải Ngân Hà. Xin dịch và giới thiệu cùng bạn đọc. 

„Chạm tới giới hạn của khả năng“

Spiegel: Thưa GS Genzel, Nhóm „Event Horison Telescope-Kính viễn vọng Sự kiện Chân Trời“ (EHT) vào hôm Thứ Năm có giới thiệu một bức ảnh của đối tượng cực kỳ giàu khối lượng ở trung tâm Dải Ngân Hà mà người ta giả thiết rằng, đấy là là một lỗ đen cực kỳ lớn. Ông có thể nhận ra cái gì trên bức ảnh đó?      

Genzel: Có thể thấy một hình nhẫn sáng bao quanh một bóng râm tối. Ở tư cách là chuyên gia, trước hết tôi quan tâm đến đường kính của hình nhẫn này. Từ khoảng cách và khối lượng mà nhóm của chúng tôi và nhóm của nhà nữ thiên văn Mỹ Andrea Ghez đã xác định với độc chính xác cao các giá trị của chúng, có thể nhờ Thuyết Tương đối Rộng  tiên  đoán rằng, độ lớn của hình nhẫn này phải là 52 micro giây cung, nếu đối tượng này thật sự là một lỗ đen. Và thực vậy: kết quả đúng như thế.    

Spiegel: Nghĩa là, các phép đo xác nhận rằng ở trung tâm Dải Ngân Hà có tồn tại một lỗ đen, một thiên thể mà nó nặng bằng 4 triệu Mặt Trời và sức hút của nó làm cong không gian và thời gian mạnh tới mức ngay đến cả ánh sáng cũng không thể thóat ra khỏi bên trong nó. Thế nhưng, vì nhận thức này mà trước đây hai năm ông đã nhận được giải thưởng Nobel…       

Genzel: Đúng thế, từ quan điểm của nhà nghiệp dư, người ta có thể hỏi: liệu bây giờ có gì mới chăng ở đó? Nhưng đối với nhà vật lý thì vấn đề phức tạp hơn nhiều. Một mặt thì quan trọng, phải xác minh chính xác nhất tính đậm đặc mà Thuyết Tương đối Rộng đã tiên  đoán. Điều này đã thành công hết sức mỹ mãn nhờ phép đo này. Mặt khác chúng ta vẫn còn chưa biết, lỗ đen quay nhanh đến mức nào.           

Spiegel: Và bức ảnh EHT không tiết lộ điều đó?  

Genzel: Đáng tiếc không. Thế nhưng các phép đo cho thấy rằng, các phép đo EHT tiếp theo, cùng với các xem xét mà chúng tôi đang lên kế hoạch, trong vài năm nữa sẽ thật sự ấn định được cái đại lượng vốn được gọi là spin.        

Spiegel: Thực ra ở trung tâm Dải Ngân Hà có tồn tại nhiều hơn chỉ là một lỗ đen này. Có một đĩa tròn khí xoay xung quanh, cái vốn được gọi là accretionsscheibe-đĩa tròn lớn dần lên. Liệu bức ảnh EHT có giúp hiểu nó kỹ hơn chăng? 

Genzel: Đúng thế, nhóm EHT đã đưa ra một phát biểu, dẫu hơi mềm về vấn đề đó. Các đồng nghiệp của chúng tôi đi đến kết luận rằng, đĩa tròn lớn dần lên – mà ông phải tưởng tượng như là một cấu trúc hỗn loạn, rất nóng có thể loại hệt như bong bóng – có lẽ nằm gần như thẳng góc với hướng nhìn của chúng ta. Chúng tôi cũng đã đi đến cùng kết luận như vậy từ năm 2018. Ở chừng mức đó thì điều đó thể hiện với chúng tôi một sự xác nhận tuyệt vời.        

Spiegel: Rõ ràng là xảy ra nhiều thứ ở trung tâm các thiên hà: có lỗ đen to lớn đang quay này, một bong bóng gồm khí nóng lắc lư xoay quay nó, và ở đấy còn có những ngôi sao xoay quay. Thêm vào đó, ở đấy còn có những cái gọi là jets, những bức xạ các hạt bị bắn từ lỗ đen ra vũ trụ. Người ta cũng có thể nhìn thấy chúng trên bức ảnh EHT chăng? 

Genzel: Không, đáng ngạc nhiên là không. Tôi đoán rằng, điều đó có nguyên nhân là, lỗ đen quay tương đối ít trong trung tâm các thiên hà.    

Spiegel: Điều đó có nghĩa là các lỗ đen sẽ chỉ tạo ra những jets, nếu chúng quay nhanh?

Genzel: Đúng thế. Mỗi lỗ đen đều có những từ trường rất mạnh bao quanh mình. Và nếu như không-thời gian bị xoay bởi sự xoay đi thì những từ trường này sẽ bị cuốn thành hình xúc xích. Dọc theo những chiếc xúc xích này, các hạt sẽ được gia tốc theo hình xoắn ốc rồi được phóng ra ngoài với vận tốc lớn.

Spiegel: Thế nhưng rõ ràng là trong trường hợp Dải Ngân Hà của chúng ta thì người ta chẳng nhìn thấy chúng… 

Genzel:…và luôn có câu hỏi là: lẽ ra sao lại không? Một thời gian dài người ta đã nghĩ rằng, chính là những bức ảnh của các nhà thiên văn học vô tuyến bị quá nhòe bởi khí ion hóa. Thế nhưng ở những bước sóng ngắn của EHT thì điều đó hầu như chẳng còn đóng một vai trò gì nữa. Và nếu như bây giờ người ta vẫn còn chưa nhìn thấy bất cứ một cái gì cả thì điều đó có lẽ có nghĩa là: đơn giản là không có jet mạnh.        

Spiegel: Vẫn có hy vọng rằng, đến một lúc nào đó thì với EHT người ta cũng có thể chụp những ảnh phim của lỗ đen, sao cho lúc đó chúng ta có thể ngắm nhìn xem, khí xoay vần ở đó như thế nào…  

Genzel: Dĩ nhiên cái đó sẽ rất thú vị. Thế nhưng người ta lại phải tự hỏi: cấu trúc mà ông quan sát sẽ được phức tạp đến mức nào để ông vẫn có thể trích ra những thông số tương đối hợp lý? Ông hãy tưởng tượng: một hình nhẫn, một jet, một đĩa tròn lắc lư, cũng có thể còn có những khối khí lang thang bay – và tất cả những cái đó cứ thay đổi như thế ở phía trước. Ối chao! Khi ấy thì về mặt kỹ thuật đo, người ta đã chạm đến giới hạn của cái có thể.        

Spiegel: Với cá nhân ông thì chương trình cho tương lai sẽ gồm những cái gì? 

Genzel: Hiện nay thì chúng tôi đang cố gắng để đo được phân bố khối lượng xung quanh lỗ đen. Theo các phép tính máy tính thì ở đấy không chỉ có thể có những ngôi sao, mà cũng còn có thể có hàng trăm lỗ đen nữa đang lang thang bay. Tuy nhiên cho đến nay thì các dữ liệu của chúng tôi chỉ ra rằng, ở trung tâm thiên hà đang ẩn chứa nhiều nhất ba đến bốn lỗ đen nhỏ

Spiegel: Ông có hy vọng rằng, với những phép đo của mình ông cũng sẽ xác định được cả sự quay của lỗ đen chăng?

Genzel: Đúng thế. Tuy nhiên muốn vậy thì chúng ta phải tìm ra một ngôi sao mà quỹ đạo của nó dẫn đến rất gần lỗ đen. Còn nếu không thì chúng tôi chỉ còn cách ngồi chờ để bốn, năm năm nữa chúng tôi sẽ nhận được kính viễn vọng hết sức lớn tiếp theo. Còn việc được trải nghiệm việc vận hành nó sẽ là lễ đăng quang cho vào lúc kết thúc bước hoạn lộ của tôi.  

 

 

 


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Vài nét chấm phá từ cuộc đời tôi (bis 26)  

Phan Thanh Hung

VNTB – Kỷ niệm tháng tư

Phan Thanh Hung

VNTB – Chấm phá đời tôi (07)

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo