Thới Bình
(VNTB) – Hiện nay việc dự báo kinh tế rất khó khăn mà chủ yếu do vấn đề số liệu bất thường.
Bức tranh vân cẩu
“Hiện nay có nhiều đánh giá khác nhau về kinh tế, nhưng tôi cho rằng, cần đánh giá đúng thực trạng nền kinh tế và doanh nghiệp đang rất khó khăn để có giải pháp đúng, trúng và hiệu quả.
Nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô vì mất hợp đồng, người lao động mất việc làm, doanh nghiệp đang khó khăn về vốn mà chúng ta không đánh giá đúng là tai họa” – ông Nguyễn Đình Cung, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nhận xét.
Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng chúng ta đang có quá nhiều mâu thuẫn cần phải nhìn nhận. Và quan trọng hơn là không tiếp tục che giấu đối với các nhà lãnh đạo chính trị cấp cao nhất như Tổng bí thư chẳng hạn.
“Nền kinh tế khi mở cửa lại sau đại dịch Covid đang đối diện với hàng loạt mâu thuẫn. Lạm phát ở Việt Nam thấp nhất thế giới, nhưng lãi suất lại cao bậc nhất thế giới. Kinh tế thực tốt, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng thị trường tài chính giảm sâu, chao đảo và đứt gãy, tín dụng khô cạn, nhà đầu tư rời bỏ thị trường và thị trường bất động sản đóng băng.
Tăng trưởng kinh tế cao nhất trong hai mươi năm qua, nhưng doanh nghiệp thiếu việc làm, công nhân mất việc hoặc giảm việc làm, giảm thu nhập. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn tăng trưởng năng suất lao động cộng với tăng trưởng số lao động trong nền kinh tế là điều rất kỳ dị.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng, hiện nay việc dự báo kinh tế rất khó khăn mà chủ yếu do vấn đề số liệu.
Xin lấy ví dụ về tương quan tăng trưởng GDP và tiêu thụ năng lượng của Việt Nam. Suốt từ 2013-2021, tăng trưởng tiêu thụ năng lượng luôn cao hơn 1,5 – 2 lần tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, logic này bị phá vỡ năm 2022 khi tăng trưởng kinh tế đạt 8,02% trong khi tăng trưởng tiêu thụ năng lượng chỉ còn 7,05%.
Hơn nữa, về logic tính toán mà nói, chỉ có các ngành tăng hơn 8%, tỷ trọng của ngành đó mới tăng lên, và ngược lại. Tuy vậy, năm 2022 so với 2021 dịch vụ tăng 10%, tỷ trọng lại giảm từ 42,2% xuống còn 41,3%. Trong khi đó, công nghiệp tăng 7,8%, cơ cấu lại tăng từ 36,5% lên 38,3%; Xây dựng chỉ tăng 8,2% nhưng cơ cấu tăng từ 4,5% lên 6,2%; Lưu trú ăn uống tăng 40,6% nhưng cơ cấu không đổi (2,3%). Đây là những tính toán rất khó thuyết phục, thể hiện những số liệu bất thường” – ông Nguyễn Đình Cung biện giải.
Đừng tô hồng để cổ động chính trị nữa
Vẫn theo ông Nguyễn Đình Cung thì, “Phải nói thật lòng là rất khó dự báo trên nền tảng số liệu như vậy!”.
Bởi ở đây trước hết, cần xem xét thực tế là các nước phát triển, những bạn hàng lớn của Việt Nam trong năm 2023 xấu hơn nhiều so với 2022, và 2024 dự báo không tốt hơn đáng kể so với 2023.
“Chỉ số sản xuất công nghiệp liên tục giảm từ tháng 9-2022 đến nay mà phần lớn nguyên nhân do giảm cầu nhập khẩu từ bên ngoài. Tôi cho rằng, xu hướng này vẫn tiếp tục và không có cải thiện nhiều dù có hy vọng sẽ tốt lên từ quý II/2023” – ông Nguyễn Đình Cung dự báo.
Tư cách cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, ông Nguyễn Đình Cung đề xuất chính sách tiền tệ và quản lý thị trường tài chính cần linh hoạt hơn; không xảy ra tình trạng thiếu thanh khoản trong nền kinh tế. Tuy nhiên, lãi suất tín dụng cơ bản vẫn ở mức cao; tiếp cận vốn đối với các doanh nghiệp vẫn khó khăn.
“Điều hành kinh tế vĩ mô hy vọng sẽ trôi chảy hơn, thận trọng hơn; sử dụng công cụ thị trường nhiều hơn là các mệnh lệnh can thiệp hành chính. Tôi hy vọng không sử dụng thanh kiểm tra là công cụ hàng đầu đối với doanh nghiệp.
Điều đáng báo động, lâu nay không có cải cách đáng kể nào về môi trường kinh doanh, thậm chí, các rào cản pháp luật đối với đầu tư kinh doanh có thể gia tăng hơn bớt bỏ. Tôi muốn cảnh báo, đến giờ hầu như không có cơ quan nào đồng hành cùng doanh nghiệp trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với đầu tư kinh doanh” – ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh như vậy về thực trạng của môi trường làm ăn tại Việt Nam.