Việt Nam Thời Báo

VNTB- Tăng lương tối thiểu: Chỉ “ông nhà nước” là có lợi

Trần Thành – Thảo Vy
 
(VNTB) – Khi Tổng liên đoàn lao động Việt Nam không giúp được gì cho DN thì cũng không nên kích động họ đối lập với DN như một cuộc đấu tranh giai cấp không khoan nhượng về lợi ích.
 
Bữa cơm đạm bạc của công nhân nghèo. Ảnh: Internet
 
“Cơ sở nào để cho rằng lương tối thiểu đủ sống? Chưa kể tỷ lệ đóng bảo hiểm hiện nay của Việt Nam cao hơn các nước khác, trong khi đó việc tính bảo hiểm sắp tới đóng nâng lên thì lại càng khó khăn cho doanh nghiệp”.
Đây là câu hỏi đặt ra mà không có lời giải đáp tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về tình hình thực thi Bộ luật lao động 2012, tổ chức vào thượng tuần tháng 6-2016.
Nội dung của hội thảo còn nhằm phục vụ cho việc sửa đổi Luật lao động vào năm 2017, nhằm đảm bảo tính đồng bộ giữa Luật lao động và các luật khác mới được ban hành và phục vụ cho quá trình hội nhập quốc tế, tham gia Hiệp định TPP.
Các vấn đề được nêu dưới đây cũng là loạt vấn đề mà những tổ chức công đoàn độc lập trong tương lai, cần quan tâm.
 
Thế nào là “lương đủ sống”?
Hiện nay, so với trong khu vực thì rất nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam có năng suất lao động thấp, nếu chi phí cho người lao động (NLĐ) quá lớn DN sẽ không còn năng lực để đổi mới công nghệ, đưa thiết bị vào tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, phía Hội đồng Tiền lương quốc gia cứ mỗi năm lại đưa ra một mức tăng “lương tối thiểu vùng”, với viện dẫn rằng điều 91 Luật lao động quy định lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Nhưng nhu cầu sống của con người luôn biến động. Vậy tới bao giờ mới có thể đáp ứng đủ?.
Trong nền kinh tế cạnh tranh, đâu phải người trả lương phải đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của người lao động? Tính toán của chủ DN sẽ dựa trên năng suất lao động, mức đóng góp của NLĐ, chứ họ không thể tính lương trên cơ sở đáp ứng nhu cầu của người làm thuê được. Nói một cách khác, chủ DN không thể vừa tạo cho người khác một công việc, vừa phải lo đáp ứng mọi nhu cầu của NLĐ.
Hơn nữa, theo lộ trình, Việt Nam sẽ được công nhận là một nền kinh tế thị trường. Khi đó, thu nhập của NLĐ được thị trường điều tiết dựa trên thỏa thuận giữa DN và NLĐ. Vai trò của Nhà nước là chỉ quy định sao cho mức lương đó không ảnh hưởng tới điều kiện sống (điều 91 Luật lao động, dùng cụm từ nhu cầu sống) tối thiểu của NLĐ. Các chủ DN nói rằng điều gây khó khăn lớn nhất với DN hiện nay, là việc tăng lương tối thiểu gắn với việc đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ. Nếu NLĐ nhận được một đồng do việc tăng lương tối thiểu, thì DN phải trả hai đồng.
“Lương tối thiểu là công cụ cơ bản để điều tiết thị trường lao động. Hiện nay, chủ trương của Đảng và Nhà nước là chuyển đổi nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khi đó, sẽ phải chuyển một lực lượng lớn lao động từ khu vực phi chính thức, khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ. Nếu tăng lương tối thiểu không hợp lý sẽ dẫn tới việc các DN phá sản, khi đó, không những lao động khu vực phi chính thức không chuyển được sang khu vực chính thức mà còn xảy ra tình trạng ngược lại”, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhấn mạnh.
Về phía NLĐ, thì lo sợ gánh nặng về lương và bảo hiểm sẽ khiến DN phải co hẹp sản xuất, cắt bớt việc làm vì thế nguy cơ họ mất việc lại tăng lên. Với NLĐ, mất việc còn đáng sợ hơn lương thấp.
 
Lương không thể tăng bằng những “định hướng duy ý chí”
Vitas cho rằng, mỗi lần tăng lương tối thiểu là chi phí nhân công tăng theo do phải bù thu nhập cho những NLĐ mới tuyển, tay nghề yếu, những người khả năng lao động có hạn.
Ngoài ra DN còn phải tăng các khoản trích nộp bảo hiểm, kinh phí công đoàn… vì lương tối thiểu là căn cứ để xác định mức lương khởi điểm trong hệ thống thang, bảng lương theo quy định của Nghị định 49/2013/NĐ của Chính phủ. Cụ thể, từ 1-1-2016 các khoản trích nộp phải đóng thêm trên các khoản phụ cấp và từ 1-1-2018 sẽ đóng trên cả các khoản bổ sung khác. Trong khi đó thì tỷ lệ đóng bảo hiểm, kinh phí của DN dệt may Việt Nam đã cao hơn tất cả các đối thủ cạnh tranh như Bangladesh, Ấn Độ, Mianmar, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Philippin, Mexico, Peru…
Ngoài ra, Vitas nói rằng Nhà nước cần thiết phải giảm tỷ lệ trích nộp các khoản bảo hiểm về mức trước năm 2010. Cụ thể là người sử dụng lao động đóng 18% (gồm Bảo hiểm xã hội 15%, Bảo hiểm y tê 2%, Bảo hiểm thất nghiệp 1%); người lao động đóng 7% (5% Bảo hiểm xã hội, 1% Bảo hiểm y tế, 1% Bảo hiểm thất nghiệp), thay vì như hiện nay người sử dụng lao động đóng 22% (Bảo hiểm xã hội 18%, Bảo hiểm y tế 3% và Bảo hiêm thất nghiệp 1%); người lao động đóng 10,5% (Bảo hiểm xã hội 8%, Bảo hiểm y tế 1,5%, Bảo hiểm thất nghiệp 1%).
Vitas cũng yêu cầu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không quy định trích nộp lên công đoàn cấp trên 35% từ khoản 2% kinh phí công đoàn, hoặc chỉ quy định một tỷ lệ dưới 10%, số còn lại để lại cho công đoàn cơ sở cùng DN chăm lo đời sống cho NLĐ.
 
Phản biện với các vị quan chức Tổng liên đoàn lao động Việt Nam
Ông Bùi Đức Thịnh, thành viên Vitas, người có thâm niên 30 năm trên thương trường, đã có nội dung phản biện về vấn đề “lương tối thiểu” như sau:
Một, Tổng liên đoàn lao động nói rằng “Phải tăng lương tối thiểu vì mức lương của công nhân hiện nay không đủ sống”. Vậy Tổng liên đoàn lấy tiêu chí nào để so sánh, khi mà bao sinh viên tốt nghiệp ra trường (chưa nói tới những người thất nghiệp), lương chưa tới 3 triệu đồng, thậm chí cả tiến sĩ toán học làm việc trong Viện toán cũng chỉ mới có lương trên 3 triệu, rồi những thanh niên nông thôn, bình quân ruộng đất chỉ có một sào Bắc bộ (360 m2), họ phải làm gì để sống được với mỗi ngày chưa đầy 1m2 ấy? Cho nên, lập luận này của Tổng liên đoàn rất mơ hồ, khá vội vàng khi cho rằng công nhân làm việc vất vả hơn ngài tiến sĩ toán hay những sinh viên kia.
Hai, Tổng liên đoàn lao động nói rằng “Nếu không tăng lương tối thiểu, e rằng công nhân sẽ biểu tình, lãn công”! Thêm lần nữa, các vị quan chức lại mơ hồ, không hiểu căn nguyên, gốc rễ đó chính bắt nguồn từ đâu. Liệu Tổng liên đoàn có biết tới con số 96% trong tổng số DN Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ, trong đó có tới trên 70% thua lỗ (số liệu lưu hành công khai)?
Vì sao sức sống của đa số DN Việt Nam rất còi cọc và ốm yếu? Xin trả lời luôn: Vì các chi phí trong sản xuất của các DN phải gánh chịu là quá lớn, quá sức chịu đựng, trong đó đặc biệt là các phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; kể cả thứ chi phí vô cùng phi lí là phí công đoàn của các vị trên Tổng liên đoàn.
Cùng với những năm tháng DN phải vật vã vì thiếu vốn, lãi suất quá cao, hàng hóa luôn không đủ vì thời gian dài Việt Nam bị phong tỏa, hạn chế giao thương với thế giới bên ngoài… đã làm các DN kiệt quệ về tài chính, không thể mở rộng hay tự tích tụ để tái đầu tư… Đó mới chính là căn nguyên cơ bản xô đẩy DN đến bước đường cùng của khốn khó. Công nhân nếu như có đấu tranh, bởi họ không biết được sự thật cay đắng đằng sau đó là gì, khi mà các DN đang phải hàng ngày gồng mình lên chống chọi, tìm mọi phương cách để mỗi ngày có thể đem lại những gì tốt đẹp hơn cho họ.
Tổng liên đoàn lao động có viện này, viện kia hoành tráng lắm, nhưng thử hỏi đã có bao giờ Tổng liên đoàn nghiên cứu để tự tìm ra câu trả lời nói ở trên hay chưa, để biết thực chất những khó khăn của DN? Giá như từ vị trí xã hội của mình, các vị biết chia sẻ với DN, biết lắng nghe để tháo gỡ, xóa bỏ những rào cản, những khó khăn cho DN, thì DN sẽ cảm kích biết bao. Nhưng rất tiếc, chưa bao giờ những ông bà chủ DN được nghe những điều tâm huyết gan ruột đó. Phải chăng các vị luôn tránh né vì trong đó đụng chạm tới lợi ích phí công đoàn của chính các vị?.
Ba, thực tế, hiện nay không doanh nghiệp nào lấy mức lương tối thiểu để trả cho công nhân cả, vì như thế làm sao thu hút và giữ được công nhân khi mà cuộc cạnh tranh lao động luôn diễn ra quyết liệt trên từng địa bàn, từng khu vưc, giữa DN trong nước với DN nước ngoài. Ngay chính các vị Tổng liên đoàn lao động cũng phải thừa nhận là thực tế lương và thu nhập các DN đang trả cho NLĐ cao hơn từ 1,5-2 lần lương tối thiểu rồi, thế thì cớ gì mà các vị vẫn quyết liệt đề nghị phải tăng lương tối thiểu ở mức rất cao khiến DN thêm lần nữa phải kiệt quệ, điêu đứng? Mục đích đó là gì? Phải chăng chỉ vì lợi ích trực tiếp của cơ quan bảo hiểm và tổng liên đoàn?
Khi tăng lương tối thiểu, ngay lập tức sẽ có 3 thiệt hại xảy ra:Thứ nhất, DN tăng thêm chi phí rất lớn từ các phí bảo hiểm và phí công đoàn, mất đi lượng tiền quan trọng để có thể tái đầu tư hay mở rộng sản xuất. Thứ hai, NLĐ sẽ mất đi một phần thu nhập ngay hàng tháng để đóng các loại bảo hiểm tăng lên, điều mà không một ai mong muốn. Nếu cần, tất cả công nhân trong Vitas đều sẵn sàng ký tên đề nghị không tăng lương tối thiểu, hoặc nếu có, thì chỉ khoảng 5-6% là tạm thời còn phù hợp. Thứ ba, Nhà nước sẽ mất đi một khoản thuế thu nhập DN tương ứng, trong khi ngân sách Nhà nước vẫn đang còn rất eo hẹp.
Bốn, DN của người “phản biện” này, hiện tại có gần một vạn lao động, nộp ngân sách nhà nước gần 60 tỷ mỗi năm. Bảo hiểm các loại mỗi năm nộp trên 116 tỷ đồng. Kế hoạch phát triển qui mô lên 15.000 người trong một vài năm tới buộc phải ngừng lại vì lương tối thiểu tăng đột biến năm 2015 và năm 2016. Chỉ tính riêng 2 năm này, DN phải chi tăng thêm trên 40 tỷ đồng bảo hiểm nữa. Với các DN, lời lãi mỗi năm chỉ vài chục tỷ, coi như mất hết. Năm 2018, theo qui định mức đóng bảo hiểm mới, thì số DN bị thua lỗ và phá sản sẽ vô cùng nhiều, bất ổn xã hội là từ đó mà ra, đâu có khó khăn gì để không nhận biết được để rồi đổ lỗi hay phê phán DN.
Năm, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam luôn tự nhận mình là người đại diện cho người lao động, vấn đề này cần xem xét lại, bởi chính DN mới là người lo toan, chăm sóc và bảo vệ NLĐ, chứ không phải ai khác. Bởi con em của họ là ở đó, đồng bào ruột thịt của họ là ở đó. Tình thương yêu, nhân ái đã gắn bó chặt chẽ NLĐ với doanh nghiệp.
Khi Tổng liên đoàn lao động Việt Nam không giúp được gì cho DN thì cũng không nên kích động họ đối lập với DN như một cuộc đấu tranh giai cấp không khoan nhượng về lợi ích.

 

“Các DN Việt, tổ quốc, dân tộc, đồng bào của mình là những điều thiêng liêng, cao cả nhất mà họ đều luôn tâm nguyện phụng sự. Ý chí của họ, lòng can đảm và trí tuệ của họ không thua kém bất cứ dân tộc nào trên thế giới này. Nếu như họ được sống trong môi trường luôn thông thoáng, rộng mở, họ đều có thể dời non, lấp biển. Đất nước nhất định sẽ cường thịnh và tự hào về họ!”. Doanh nhân Bùi Đức Thịnh, khẳng khái nói.

Tin bài liên quan:

VNTB – Cải cách tiền lương nhà giáo đâu là cốt lõi?

Bùi Ngọc Dân

VNTB- Thủy điện xả lũ giết dân: Phải lôi những tội đồ ra tòa! (bài 3)

Phan Thanh Hung

Cạn kiệt ngân sách: Hầu như hết cơ hội tăng lương năm 2016 *

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo