Việt Nam Thời Báo

VNTB – Campuchia có… tham nhũng nhiều như Việt Nam không?

Lynn Huỳnh

 

(VNTB) – Chưa nghe thấy quan chức xứ Chùa Tháp xảy ra những đại án tham nhũng như ở Ba Đình.

 

Về mức độ độc tài kiểu gia đình trị, xem ra Campuchia ‘ăn đứt’ Việt Nam khi mà ông Hun Sen cho biết con trai ông là đại tướng Hun Manet có thể thay ông làm thủ tướng Campuchia trong 4-5 tuần tới.

Sinh năm 1977, Hun Manet gia nhập Quân đội Hoàng gia Campuchia vào năm 1995, sau đó được cử đi học tại Mỹ. Năm 1999, ông trở thành người Campuchia đầu tiên tốt nghiệp học viện quân sự West Point danh giá của lục quân Mỹ.

Ông còn có bằng thạc sĩ đại học New York của Mỹ năm 2002 và bằng tiến sĩ đại học Bristol của Anh vào năm 2008. Dù tốt nghiệp học viện quân sự West Point, tất cả bằng cấp của cậu cả nhà Hun Sen đều về kinh tế học.

Năm 2011, ông được phong hàm thiếu tướng, lên trung tướng hai năm sau đó và trở thành đại tướng năm 2018, giữ chức Tư lệnh lục quân kiêm phó tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF). Ông còn kiêm nhiệm hai trọng trách là chỉ huy đơn vị cận vệ Thủ tướng và lãnh đạo bộ phận chống khủng bố của Bộ Quốc phòng…

Hun Manet, hiện là tư lệnh Lục quân Campuchia, được thăng cấp tại buổi lễ có sự tham dự của hơn 1.000 quan chức quân sự cấp cao vào ngày 19-4-2023.

Ông Hun Sen giải thích rằng việc chuyển giao quyền lực không phải do quan hệ gia đình, mà là để duy trì hòa bình và ổn định tại Campuchia. Năm 2021, ông Hun Sen cho biết ông Hun Manet sẽ không làm thủ tướng trước năm 2028. “Tôi vẫn đứng vững, vậy con trai tôi làm thủ tướng có ích lợi gì?”, ông Hun Sen nói.

Tuy nhiên, tuyên bố hiện tại của ông Hun Sen cho thấy việc chuyển giao quyền lực có thể diễn ra sớm nhất là 3 hoặc 4 tuần sau cuộc bầu cử ngày 23-7-2023.

Ông Hun Sen năm nay 70 tuổi, đã lãnh đạo Campuchia trong 38 năm. Để có thể thay thế cha mình, ông Hun Manet, 45 tuổi, cần giành được một ghế trong Quốc hội.

Mức độ ‘độc tài’ của Campuchia còn hơn hẳn Việt Nam trong chuyện “Đảng cử – Dân bầu”, khi đúng một tháng trước, ngày 23-6-2023, Quốc hội Campuchia thông qua luật cấm bất kỳ ai không bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới ra tranh cử trong tương lai. Theo đó, ai không đi bỏ phiếu “mà không có lý do chính đáng sẽ mất quyền tranh cử trong 4 cuộc bầu cử liên tiếp”. Quy định này coi như là một triệt buộc đối với bất kỳ cá nhân đảng phái đối lập muốn phản đối cuộc bầu cử bằng biện pháp ôn hòa là “quyền bỏ phiếu”.

Ngoài cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7-2023, luật mới cũng cấm các ứng cử viên tham gia các cuộc bầu cử thượng viện năm 2024, bầu cử cấp tỉnh thành năm 2024, bầu cử cấp xã năm 2027 và cuộc tổng tuyển cử năm 2028. Ngoài ra, động thái này sẽ ảnh hưởng lớn đến nhiều nhân vật đối lập đã trốn khỏi Campuchia để tránh bị kết án.

Các cuộc bầu cử quốc gia ở Campuchia được tổ chức 5 năm một lần và quốc gia này không có luật cho phép công dân ở nước ngoài bỏ phiếu. Ông Hun Sen cho biết ông buộc phải thực hiện sửa đổi để chống lại lời kêu gọi tẩy chay bầu cử của các nhà hoạt động đối lập, sau khi Đảng Ánh nến đối lập bị loại trong cuộc bầu cử tháng 7 này.

Thủ tướng Hun Sen và phu nhân Bun Rany có 6 người con, trong đó ba con trai gồm Manet, Manith và Many là những gương mặt nổi bật trên chính trường Campuchia.

Hun Manith, người con trai lớn thứ hai trong gia đình Thủ tướng Campuchia, được giới quan sát nhận định có tính cách hướng nội, đang chỉ huy Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Campuchia. Vợ ông là Hok Chendavy, con gái cựu lãnh đạo cảnh sát quốc gia Hok Lundy.

Người con út 39 tuổi của Hun Sen cũng được đào tạo chuyên về chính trị ở nước ngoài. Ông thường xuyên lên tiếng về các vấn đề chính trị trong nước, trong đó có những lần phản pháo chính trị gia đối lập hoặc tổ chức nước ngoài bị cáo buộc can thiệp vấn đề nội bộ Campuchia.

Đầu tháng 7-2016, tổ chức phi chính phủ Global Witness (Anh) đưa ra thông tin là bà Hun Mana, con gái lớn của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, nắm giữ hàng chục công ty, và được đánh giá là nhân vật quan trọng nhất trong “đế chế kinh doanh” của gia đình. Khoảng 27 người thân của nhà lãnh đạo Campuchia được cho là có liên quan tới các công ty có giá trị vốn cổ phần trên 200 triệu USD. Trong số đó, tới 22 công ty với số vốn đăng ký tổng cộng lên tới 60 triệu USD có “bàn tay” của nữ doanh nhân quan trọng nhất trong gia đình.

Cụ thể, báo cáo cho biết bà Hun Mana là chủ tịch hoặc giám đốc của 18 công ty trong số đó. Điều đó có nghĩa là người phụ nữ này không hề giữ vai trò một nhà đầu tư thầm lặng.

Có tin là bà Mana sở hữu 6% cổ phần trong nhà cung cấp dịch vụ di động hàng đầu của Campuchia Metfone thuộc công ty viễn thông lớn nhất Việt Nam Viettel. Người phụ nữ này còn có liên hệ với các thương hiệu quốc tế lớn vì bà là chủ tịch của hãng quảng cáo ngoài trời Moon Media chuyên làm việc với các khách hàng như Visa, Unilever, Procter & Gamble và Honda.

Thêm vào đó, em gái của bà Mana là Hun Maly đứng đầu cả một đại lộ trung tâm thương mại cao cấp – “ngôi nhà” của những thương hiệu lớn như Mango, Adidas, Zara và hãng mỹ phẩm Shiseido.

Bà Pich Chanmony – vợ của ông Hun Man nắm 7 công ty, theo hồ sơ đăng ký của Bộ Thương mại Campuchia. Trong số những công ty dưới tay cô con dâu cả nhà thủ tướng Campuchia này có những cái tên nổi tiếng như Brands Management, myBurgerLab và chuỗi cửa hàng Boat Noodle. Chưa hết, bà Chanmony còn có cổ phần tại các hãng nổi tiếng khác như LG Electronics.

Theo báo cáo, bà Sok Sopheak – vợ của ông Seang Heng (cháu trai của Thủ tướng Hun Sen) – có liên hệ với iOne – hãng bán lẻ Apple hàng đầu của Campuchia. Em gái út của ông Hun Sen là bà Hun Seng Ny nắm 50% cổ phần của tập đoàn Attwood Investment Group – sở hữu quyền kinh doanh các thương hiệu đình đám như Johnnie Walker, Hennessy và bia Corona. Bà còn là chủ tịch của UNT Wholesale chuyên nhập khẩu các sản phẩm như bao cao su Durex, cà phê Nescafe Gold và kem Nestle…

Với hàng loạt diễn biến ‘trong quá khứ’ như lát cắt kể trên, nên sẽ không lạ khi ở mấy hôm trước ngày bầu cử, trên đường phố thủ đô Phnom Penh, đặc biệt tại quảng trường gần khu sòng bài nổi tiếng NagaWorld, người ta thấy nhiều tiếng hô ủng hộ: “Hun Sen! Hun Manet!”…

Campuchia đứng 150/180 về chỉ số CPI và là quốc gia đứng thứ hai Đông Nam Á về tham nhũng, chỉ sau Myanmar.


Tin bài liên quan:

VNTB – Trong khu phạm nhân tử hình

Phan Thanh Hung

VNTB – Phi Thuyền và Bóng Đá

Do Van Tien

VNTB – Có bao nhiêu con vi-rút ở mùa dịch hiện nay?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo