Việt Nam Thời Báo

VNTB – Người Mông Hà Giang sống trong cảnh nghèo đói

Hoàng Lan Mộc Châu

 

(VNTB) – Sự mất dần tài nguyên thiên nhiên, đất đai bị các công ty tư nhân hay nhà nước chiếm đoạt là nguyên nhân gây đói kém, và những giá trị truyền thống của người Mông càng ngày càng biến đổi và từ từ biến mất.

 

Cứ độ từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm, khi mùa ngô khoai lúa vừa hết, người dân tộc thiểu số bản địa Mông thuộc tỉnh Hà Giang lại phải tha hương cầu thực, bỏ quê hương đi kiếm ăn.

 Vùng cao nguyên cực bắc lạnh lẽo của tổ quốc  chỉ làm được một mùa lúa, ngô, thản hoặc, có nơi làm được hai mùa thì vẫn không đủ ăn. Người dân tận dụng từ hốc đá, bờ mương, chỗ nào có miếng đất đầu thừa, đuôi thẹo, cũng dúi vào vài hạt ngô, vài hom khoai lang, nhưng thiếu đói vẫn tràn lan, liên tục từ hàng chục năm nay.

Cuộc sống của những con người nơi cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc hay trong những  bản làng hẻo lánh rất thiếu thốn khó khăn, sơ cứng. Cả vùng cao nguyên Hà Giang không thức dậy nổi, triền miên trong sương mù, mà khách đến tưởng như yên bình, đầy thơ mộng. Du khách xông xênh giầu có mô tả Hà Giang đẹp nao lòng, muốn mở rộng vòng tay ôm lấy vẻ thơ mộng của Hà Giang, mà không nhìn thấy người Mông luôn trong tình trạng đói, nghèo.

Từ Hà Giang, tạm xa đống củi lửa giữa nền đất làm lò sưởi chung,  không cần khóa cửa căn nhà vách gỗ, phên nứa trống hoác, gió thổi lạnh buốt ban đêm, họ lần mò về Yên Bái hái lá giang bán cho thương lái người kinh. Cật lực từ sáng tinh mơ tới chiếu tối, cắt, gói, thồ trên vai đến điểm thu mua được khoảng 250 ngàn một ngày.

Bản gần như vắng bóng người trẻ khỏe mạnh. Những người này hoặc sang Trung quốc làm thuê, hoặc lần về xuôi làm công nhân.

Trên đất Trung quốc, nơi các huyện hẻo lánh vùng cao, người Mông được thuê làm những việc chỉ cần sức khỏe, chịu khó, phát nương, trồng ớt, gánh chuối.

 Những người hái ớt được trả 80 Nguyên/một ngày. Người trồng rau được khoảng 60-70 Nguyên. Được nuôi cơm.

Người gánh chuối được trả tiền theo chuyến, mỗi lần phải gánh 3, 4 quầy, được khoảng 15 ngàn tiền VN, được cho ăn uống. Khéo làm và có sức khỏe, ăn cơm chủ, có thể kiếm 2000 Nguyên tương đương 7 triệu tiền VN một tháng. Nếu ăn tự túc, mất khoảng 15-20 ngàn tiền VN một ngày.

Có cái may, chủ Trung quốc thường có chữ tín, sòng phẳng, làm ngày nào họ trả lương ngày nấy, không thấy ăn gian, ăn quỵt. Nếu nhờ chủ giữ tiền hộ, khi lấy lại cũng không mất đồng nào.

Nhiều thanh niên xuôi đồng bằng, vào làm việc trong các nhà máy. Hai nơi thanh niên nam, nữ Mông làm việc là Bắc Ninh và Đồng Nai. Tại Bắc Ninh họ làm cho các công ty Trung Quốc; làm tai nghe cho người điếc, lắp ráp điện thoại, sản xuất giầy dép.

Vào Đồng Nai hầu hết họ làm trong các đồn điền cao su. Cạo mủ, giống như những người miền Bắc được mộ làm phu đồn điền cho Tây hàng trăm năm trước.

Cả tỉnh Hà Giang không nghe trường hợp có người đi xuất khẩu lao động.

Anh Lầu A So, người ở Quản Bạ cười buồn, tâm sự:

  • Người Mông nghe đi xuất khẩu lao động kiếm được tiền nhiều lắm. Một số anh chị em cũng muốn làm một chuyến đổi đời, nhưng tiền ở đâu ra cho chi phí đi xuất khẩu lao động lên đến 2, 3 trăm triệu. Người Kinh còn cầm cố đất đai, vay người khác hay vay ngân hàng, người Mông đất đai không có, chung quanh bạn bè, họ hàng ai cũng rách nát như mình, ngân hàng cũng chỉ thấy mình là lũ khố rách áo ôm, lấy tiền đâu làm thủ tục đi.

Đánh tơi đống mèn mén trên cái nia cũ đã có chỗ thủng, anh nói với phóng viên VNTB như tự an ủi:

  • Mà nghe nói đi XKLĐ cũng cực nhọc lắm. Như chúng em muốn đi thì chỉ có những việc tay chân hay ở đợ, ăn uống thiếu thốn, bị chủ đánh đập, nghe nói có người bị giết chết, xác không mang về được, Có người về, tiền không có lại mang thêm một đống nợ.

Ngừng một lát để cho miền miến vào nồi hấp lại, Lầu A So nói tiếp:

  • Nhà Nước bảo những người phải trả cao hơn mức này chủ yếu là do đi phải những công ty thu sai quy định về phí môi giới. Thật ra công ty nào cũng làm ăn với Nhà Nước. Người nhà nước không nhúng tay vào thì ai dám làm bậy.

Trong góc căn nhà vách nứa, thỉnh thoảng những tràng ho dài rũ rượi của bà mẹ già phá tan sự im lặng vốn đã buồn bã lại thêm buồn hơn. Tôi hỏi mấy đưa nhỏ đâu, anh trả lời cả hai đứa đi học. Sáng chúng phải dậy sớm, gói chút cơm trộn mèn mén, cuốc bộ, băng suối 6 cây số để đến trường, chiều mới về.

  • Có nhiều đứa đủ điều kiện, Lù A So kể, mà thường là con cán bộ, đảng viên vào được trường nội trú trên huyện. Ở đó từ lớp 5, đứa nào khá, hết lớp 12 có thể thi vào đại học. Ăn ngủ ở đó tốt hơn ở nhà. Sáng học sinh được ăn bánh mì, trưa chiều có cơm ăn. Mỗi năm được phát 2 bộ áo quần, một cái áo ấm, và xà phòng, dầu gội đầu. Trẻ con người Mông hầu như chỉ học hết lớp 12. Hiếm người trong bản trở thành giáo viên.

Tôi hỏi tại sao thích học làm giáo viên mà không vào nghành khác? Lầu A So nói:

  • Dễ nhất là xin thi vào giáo viên, Nhà Nước ưu tiên cho người dân tộc thi vào sư phạm, khi ra trường thì về dậy lại con em người dân tộc. Thế nhưng không phải dễ, phải mất đến 5, 6 trăm triệu mới được nhận là giáo viên. Tiền đâu? Giáo viên người thiểu số thường là người Tầy, còn lại là người Kinh. Hồi trước chính quyền bắt giáo viên phải là đảng viên, bắt phải bỏ đạo Tin Lành, giờ thì cũng hết như vậy rồi.

Nhân đó tôi hỏi về tình trạng chính quyền đàn áp tự do tôn giáo, Lầu A So nhìn lên cây thánh giá treo trên vách:

  • Bây giờ cũng đỡ rồi. Trước kia ai có đạoTin Lành thì chính quyền đàn áp dữ lắm. Họ hăm dọa, đánh đập, bắt, giết, nhưng từ khi phía bên nước ngoài can thiệp mạnh, các nước, cả Liên Hợp Quốc đều phản đối chính phủ đàn áp tự do tôn giáo, họ cũng bớt. Mà lâu dần, chính quyền cũng không thấy người đạo Tin Lành chống phá nhà nước, chỉ nhẫn nhục làm ăn, cắn răng chịu dựng, họ cũng tha cho. Tuy nhiên họ vẫn đàn áp không tha cho đạo Tin Lành Dương Văn Mình. Năm 2017, họ phá nhà tang lễ. Bây giờ vẫn liệt tín đồ Dương Văn Mình là phản động, chống phá chế độ.

Chúng tôi ngồi trong bóng chiều và sương mù đang trôi xuống phủ kín những ngọn núi gần xa, không biết nhìn về đâu. A So thở dài:

  • Cả bản đi tìm miếng cơm, chỉ tháng 12 mới về đông đủ. Mỗi hộ nhận trợ cấp chính phủ cho 50 kg gạo, vài cái áo ấm cho người già, một thùng mì tôm. Tất cả thứ đó gọi là để mừng xuân và sống qua ngày mùa đông cơ nhỡ.

 

Sự mất dần tài nguyên thiên nhiên, đất đai bị các công ty tư nhân hay nhà nước chiếm đoạt là nguyên nhân gây đói kém, và những giá trị truyền thống của người Mông càng ngày càng biến đổi và từ từ biến mất.

Cao nguyên sương mù bắt đầy có mầu xanh chàm rồi dần biến thành đen đậm. Đêm thật dài và lạnh.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Lính đánh thuê, ngành kinh doanh béo bở toàn cầu ( Bài 2)

Do Van Tien

VNTB – Lính đánh thuê là ai? (Bài 1)

Do Van Tien

VNTB – Nhớ Tết Mậu Thân, nhớ tội ác của đảng cộng sản VN

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo