Hà Nguyên
(VNTB) – Khái niệm “cấp có thẩm quyền” làm căn cứ điều chỉnh chương trình nghị sự Quốc hội được ông Tổng thư ký Bùi Văn Cường sử dụng là vi hiến.
Trình bày tờ trình tại phiên họp vào chiều ngày 21-5-2024 tại Quốc hội, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, “căn cứ ý kiến của cấp có thẩm quyền, thực hiện quy định của pháp luật và yêu cầu thực tiễn kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước”, sau khi xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung nội dung phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an.
Đồng thời dự kiến bố trí Quốc hội tiến hành nội dung này cùng với nội dung về công tác nhân sự tại phiên họp chiều ngày 21-5 và phiên họp sáng ngày 22-5-2024, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Ông Bùi Văn Cường không nêu cụ thể “cấp thẩm quyền” có ý kiến về việc này là ai, liệu “cấp thẩm quyền” ấy có tuân thủ trình tự pháp luật về việc miễn nhiệm một chức danh bộ trưởng ở Quốc hội hay không?
Luật tổ chức Quốc hội, Điều 11 ghi: “Quốc hội miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Luật này theo đề nghị của cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó”.
“Cơ quan hoặc người có thẩm quyền” đó, theo luật là Thủ tướng Chính phủ (Điều 9.1, Luật tổ chức Quốc hội).
Trước ngày diễn ra Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, cũng chính Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì họp báo nói rằng “hiện nay, cơ quan có thẩm quyền chưa giới thiệu nhân sự Bộ trưởng Bộ Công an. Vì thế tại Kỳ họp này, Quốc hội chưa tiến hành phê chuẩn, miễn nhiệm đối với chức danh Bộ trưởng Bộ Công an”.
Công luận lúc đó đã lập tức bày tỏ ý kiến về cảnh báo chuyện pháp luật, kỷ cương sẽ xáo trộn bởi quyết định về nhân sự mà ông Bùi Văn Cường thông báo.
Đến chiều ngày 21-5 thì chương trình kỳ họp “sửa sai” bằng thông báo phiếm chỉ “căn cứ ý kiến cấp có thẩm quyền” về việc tiến hành bãi miễn chức danh Bộ trưởng Công an đối với Tô Lâm – người mà sáng ngày 22-5 tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước.
Thế nhưng hiểu theo nghĩa của luật Hiến pháp thì khái niệm “cấp có thẩm quyền” làm căn cứ điều chỉnh chương trình nghị sự Quốc hội ở đây được ông Tổng thư ký Bùi Văn Cường sử dụng là vi hiến. Nói như nhận xét cứng rắn của cựu Tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp thị Đặng Tâm Chánh, thì “Lãnh đạo chủ chốt” là một định chế trong Đảng, không phải là một định chế hợp hiến. Cũng như Quốc hội không có “cấp có thẩm quyền” nào trên nó. Trị nước phải chính danh!”.
Theo cách diễn giải của nhà triết học Khổng Tử, chính danh là một khái niệm chính trị – đạo đức, có nghĩa là làm cho đúng danh xưng, danh phận, khiến cho danh và thực phù hợp với nhau. Khái niệm chính danh xuất hiện trong thiên “Tử Lộ”, sách “Luận Ngữ”, với lời của Khổng Tử chủ trương về công việc chính trị “tất phải chính danh trước”, nghĩa là “vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con. Cần tuân thủ chính danh đó để duy trì trật tự thống trị”.
Theo Khổng Tử, mỗi vật, mỗi người sinh ra đều có một địa vị, công dụng nhất định, ứng với mỗi địa vị, công dụng đó là “danh” nhất định. Vật nào, người nào trong thực tại cũng đều có danh hợp với nó, nếu không, danh sẽ không hợp với thực, là loạn danh. Chính danh nghĩa là danh và thực phải phù hợp với nhau.
Chính danh theo cách hiểu thời nay là thể hiện qua khuôn khổ pháp luật, và bao trùm lên ý nghĩa luật mẹ là luật Hiến pháp của một quốc gia.
Điều 4.3, Hiến pháp 2013 đã ghi rằng: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Thế nhưng đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn chưa xây dựng một văn bản thiết chế gọi là Luật về Đảng, nên về nguyên tắc, Đảng vẫn chịu sự điều chỉnh chung của hệ thống luật pháp quốc gia, nên Quốc hội hoàn toàn không phải chịu sức ép nào về công việc hành xử lập pháp từ mệnh lệnh của Đảng.
Tính chính danh là ở chỗ đó, rất cần được tôn trọng, chứ không phải là các khẩu hiệu tuyên truyền, cổ động chính trị.