Bưu điện Hoa Nam, ngày 30/9/2016
(Bản dịch của Vũ Quốc Ngữ)
(VNTB) – Tập được cho là nhà lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Mao nhưng liệu ông ta có thể củng cố vị trí của mình trong Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc trong năm tới?
Sau khi có hơn bốn năm để củng cố hình ảnh của mình như là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhất của Trung Quốc sau thời Mao Trạch Đông và đang nổi lên như một nhà lãnh đạo thế giới khi là chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh G20 gần đây ở Hàng Châu, Tập Cận Bình có thể tự tin hơn trong việc theo đuổi chương trình khôi phục quốc gia đầy tham vọng của mình mà ông ta trình bày tại quốc lễ kỷ niệm lần thứ 67 ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Nhưng Xi vẫn phải đối mặt với những thử thách nặng nề nhất trong sự nghiệp chính trị của mình tại Hội nghị trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối tháng 10, một sự kiện sẽ quyết định chương trình nghị sự cho Đại hội đảng lần thứ 19 vào năm sau, là dịp để Tập, với tư cách là tổng bí thư, được chờ đợi là sẽ xác định rõ tham vọng chính trị của mình và đưa ra lộ trình cho lớp lãnh đạo kế cận tại đại hội đảng 20 năm năm sau, vào năm 2022.
Xi cũng phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn nhằm phục hồi nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới khi nó đang ở tình trạng suy thoái kéo dài, và tránh “bẫy thu nhập trung bình” – một thất bại trong việc bắt kịp với mức thu nhập bình quân đầu người ở các nước giàu nhất.
Trong tháng Bảy, Bộ Chính trị của đảng, cơ quan ra quyết định tối cao của đất nước, công bố rằng Hội nghị lần thứ 6 sẽ tập trung vào việc xây dựng đảng, với một chương trình nghị sự tập trung vào các hành vi chính trị nội bộ của các tổ chức đảng và cán bộ cao cấp, đặc biệt là các thành viên của Ủy ban Trung ương, Bộ Chính trị và Thường trực Bộ Chính trị.
Nhưng các nhà phân tích nói rằng Tập cũng sẽ sử dụng hội nghị này để khởi động việc chuẩn bị của ông ta nhằm giữ vững vị trí lãnh đạo cao nhất của đảng ở đại hội 19 vào năm sau, khi có nhiều quan chức lãnh đạo cao cấp nhất được dự kiến sẽ nghỉ hưu.
Sau 67 năm cầm quyền, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang phấn đấu để vượt qua sự tồn tại 74 năm của Liên Xô. Nhưng trước đó, nó sẽ phải đối mặt với một trận chiến quyền lực giữa các lãnh đạo cao cấp. Kể từ khi thành lập nước năm 1949, Trung Quốc đã nhiều lần rơi vào một cuộc đấu đá quyền lực nội bộ đẫm máu và tàn nhẫn.
Điều gì nếu các nhà lãnh đạo của Trung Quốc quan tâm đến cải cách như họ đang chống lại tham nhũng?
Trong bốn năm qua, Tập đã sử dụng chống tham nhũng và các chiến dịch cải tạo đạo đức để lấy lại niềm tin suy giảm trong chính phủ và sự tin tưởng trong đảng và củng cố quyền lực cá nhân của mình.
Các nhà phân tích mong đợi Tập điều chỉnh các ưu tiên của mình tại hội nghị trung ương khi mà tại đại hội kế tiếp có năm trong số bảy thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị – tất cả ngoại trừ Tập và Thủ tướng Lý Khắc Cường – sẽ rời vũ đài chính trị khi đến tuổi nghỉ hưu 68.
Sáu thành viên trong số 25 thành viên Bộ Chính trị cũng sẽ ra đi vì lý do tương tự. Điều đó sẽ khiến 12 thành viên còn lại của Bộ Chính trị, trừ Tập và Lý, cạnh tranh cho năm chỗ trống trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị, và khoảng 250 thành viên Ủy ban Trung ương tranh 11 ghế của Bộ Chính trị, giả sử con số thành viên trong cả hai cơ quan trên không thay đổi.
Steve Tsang, một học giả về Trung Quốc đương đại tại Đại học Nottingham ở Anh, cho biết Tập sẽ sử dụng đại hội đảng lần thứ 19 để xác định rõ hướng thay đổi trong việc cai trị, và hội nghị lần này sẽ mở đường cho chương trình nghị sự đó.
“Tập cũng sẽ sử dụng hội nghị để đưa ra càng rõ ràng càng tốt tầng lớp lãnh đạo ở đại hội 20, kể cả việc liệu ông có thể tiếp tục vai trò lãnh đạo đất nước sau năm 2022”, Tsang nói.
Các nhà phân tích cho rằng, trong khi các chức danh của Tập đã coi ông ta là nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc sau thời Mao, vẫn còn đó những câu hỏi là liệu ông ta đã có đủ quyền năng để sắp xếp tầng lớp lãnh đạo kế cận và định hướng chính sách của Đại hội đảng 19, trong sự tương phản với người lãnh đạo quyền lực trước đây Đặng Tiểu Bình, người không có các chức danh như Tập nhưng đã có quyền lực để quyết định những vấn đề như vậy theo ý của mình.
Zhang Lifan, một chuyên gia về sử đảng trước đây ở Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết Tập, 64 tuổi, phải đối mặt với một làn sóng kháng cự ngầm trong giới lãnh đạo vì đã nhận được ít sự tôn trọng từ các phe phái trong giới chính trị.
“Ông ta phải đối mặt với kháng cự mạnh trong tầng lớp lãnh đạo do nhiều chính sách gây tranh cãi của mình và rất nhiều người chỉ chờ đợi ông ta sai lầm”, Zhang nói.
Nêu bật những chính sách gây tranh cãi của Tập và lập trường chính trị cánh tả của ông, nhà khoa học chính trị Zhang Ming thuộc Đại học Renmin cho biết: “Tương lai chính trị của Trung Quốc chưa bao giờ bất ổn như ngày nay khi có một sự hỗn độn lớn trong giới lãnh đạo đảng.”
Tsang nói rằng cho khả năng Tập có thể tống khứ những kẻ phê phán khỏi giới lãnh đạo trong đại hội 19 vẫn còn là câu hỏi.
Trong vài năm qua, Tập đã đạt được tiến bộ trong việc thúc đẩy vị trí của Trung Quốc trên bình diện quốc tế và xây dựng hình ảnh của mình như là một nhà lãnh đạo thế giới. Việc tiếp đón các nhà lãnh đạo của các quốc gia giàu có nhất thế giới ở Hàng Châu vào đầu tháng Chín đã cho ông ta cơ hội quý báu để xây dựng hình ảnh cá nhân của mình trên sân khấu thế giới và tăng cường vị thế của Trung Quốc như là một quốc gia lãnh đạo thế giới.
Xi cũng đã nhận được sự hoan nghênh quốc tế cho các sáng kiến ngoại giao như Một vành đai, Một con đường của chiến lược phát triển và việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Phát triển Hạ tầng châu Á. Việc phê chuẩn chính thức Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào đêm trước của Hội nghị thượng đỉnh G20, cùng với người đồng cấp Mỹ Barack Obama, cũng đã được ca ngợi. Trung Quốc đã cam kết cắt giảm lượng khí thải carbon trên một đơn vị tổng sản phẩm trong nước trong khoảng 60%-65% của năm 2005 đến năm 2030.
Nhưng “ngoại giao láng giếng” của ông ta đã phải chịu thất bại nghiêm trọng, với các mối quan hệ của Trung Quốc với các nước lớn trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Úc – và hầu hết với 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, đang xấu đi trong năm qua. Một phán quyết mang tính bước ngoặt của Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague vào ngày 12/7 với việc bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền trên hầu hết vùng Biển Đông – một “lợi ích cốt lõi quốc gia” theo Bắc Kinh – là sự thất bại ngoại giao lớn nhất trong hơn sáu thập kỷ của chế độ cộng sản và là một quyết định sẽ ảnh hưởng trong những năm tới. Tòa án phán quyết nhất trí ủng hộ Philippines, chống lại tuyên bố của Trung Quốc ở một vùng rộng lớn nơi có đường thủy chiến lược quan trọng.
Việc gây căng thẳng như vậy tạo ra sự nghi ngờ lan rộng và sự mất lòng tin của các nước láng giềng về sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự miễn cưỡng chấp nhận vai trò lãnh đạo Trung Quốc.
Tập muốn duy trì tổ chức của đảng với quyền lực lớn nhất thuộc về mình, với “giấc mơ Trung Quốc” về sự hồi sinh của quốc gia là chương trình nghị sự chính trị lớn nhất của ông ta. Điều đó liên quan đến việc “hai mục tiêu một trăm năm” xây dựng một xã hội tương đối phồn vinh khi đảng kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 trong năm 2021, và tạo ra một nền kinh tế thịnh vượng khi kỷ niệm quốc khánh lần thứ 100 vào năm 2049.
Nhưng Tập phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong việc chuyển đổi thông suốt kinh tế và xã hội.
Sau nhiều thập kỷ phát triển ấn tượng với tăng trưởng hai con số, nền kinh tế Trung Quốc đã chậm lại đáng kể và liên tục trong những năm gần đây, với tất cả các dữ liệu chỉ ra rằng những gì đã từng là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới đã bị mất đà. Tất cả các chỉ số chính của hoạt động kinh tế đã suy yếu trong hai năm qua.
Trong số những thách thức này là việc thị trường chứng khoán giảm sau sự sụt giảm mạnh vào năm ngoái, giảm xuất khẩu do nhu cầu yếu của thế giới, áp lực liên tục về tiền tệ và suy giảm dự trữ ngoại hối, và tồi tệ nhất của tất cả, mức nợ tăng lên mức cao.
Nếu Tập không thể đảo ngược sự suy giảm của tăng trưởng kinh tế, sẽ xuất hiện nhiều nghi ngờ về khả năng của ông ta nhằm thực hiện mục tiêu thế kỷ đầu tiên và sự phát triển ở thế kỷ thứ hai.
Chính phủ cũng phải đối mặt với thách thức của ý chí chính trị để cải cách doanh nghiệp nhà nước, một vấn đề trung tâm của quá trình chuyển đổi từ một nền kinh tế nhà nước chiếm ưu thế sang nền kinh tế thị trường. Điều đó cũng sẽ quyết định liệu nó có thể tránh “bẫy thu nhập trung bình” – một thuật ngữ đầu tiên được đặt ra bởi Ngân hàng Thế giới 10 năm trước đây để mô tả sự thất bại của nhiều nền kinh tế Đông Á và Mỹ La tinh trong việc phát triển hơn nữa.
Khả năng của Tập trong việc đưa kinh tế tránh cái bẫy đó sẽ xác định xem liệu ông ta có thể đạt được ước mơ hồi sinh quốc gia của mình.
Các nhà kinh tế nói rằng không có sự đột phá cải cách thị trường lớn trong ba năm qua, mặc dù đảng đưa ra một chương trình đầy tham vọng tại một hội nghị trung ương vào cuối năm 2013. Trong hai năm qua, Chính phủ đã thực sự củng cố vị trí của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thông qua sáp nhập , mở rộng quy mô và thị phần trong một số ngành công nghiệp, chứ không phải là đáp ứng kỳ vọng về tư nhân hóa hơn nữa. Việc cải cách cũng xảy ra rất chậm ở lĩnh vực tài chính và tiền tệ: nguồn vốn mở và thị trường hóa của tỷ giá và lãi suất.
Các nhà phân tích đồng ý rằng Trung Quốc sẽ chỉ có thể thực hiện ước mơ của mình trong việc hiện đại hóa đất nước khi ban lãnh đạo có thể vượt qua những trở ngại để cải cách theo hướng thị trường của tư bản nhà nước và tái cơ cấu chính trị của hệ thống độc đảng.