(VNTB) – Bao nhiêu năm qua dân phải nuôi một số người ăn lương khổng lồ, vô tích sự, không chỉ làm khánh kiệt ngân sách nhà nước mà còn tạo ra môi trường để họ dựa dẫm, thụ động, cả đời ăn bám xã hội.
Có thể nói, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước (DNCQNN) nào lúc mới thành lập biên chế cũng ít nhưng càng về sau càng đông đúc với các lý do:
Công việc ngày càng nhiều thì cần thêm nhân viên. Tuy nhiên ngoài nguyên nhân ấy thì còn nhiều nguyên nhân chính sau đây:
– Các xuất biên chế “cha truyền con nối”.
Luật bất thành văn là hầu hết (nếu không nói là tất cả) các DNCQNN thì cứ cha mẹ về hưu là con em được thế vào, bất kể có đáp ứng tài năng, nghiệp vụ mà DN cơ quan cần hay không. Ở hầu hết các ngành có những gia đình tự hào nhiều thế hệ làm trong ngành của bố, mẹ. Hiện tượng này được cho là “truyền thống” và như bà phó bí thư thành ủy, đại biểu HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm thì “Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hồng phúc của dân tộc”. Số biên chế “mặc định” này cùng với số nhu cầu cần qua các thế hệ làm cho biên chế chỉ có tăng mà không có giảm.
– Các suất biên chế “ngoại giao”.
Thời ngành Hàng không VN (có thể hầu hết các DN khác) còn “hot” (bây giờ không biết thế nào) rất nhiều con em người thân các thế lực trong XH đổ xô vào đây. Khi con cái, người thân quan chức ở trung ương, địa phương xin vào thì bất kể chuyên môn, trình độ, có cần thiết hay không thì DN đều phải hồ hởi, tự hào đón nhận và gọi những xuất biên chế đó là những xuất “ngoại giao”. Những xuất này có khi cũng phải “dự thi” nhưng không bao giờ trượt. Thời tôi còn làm báo ở ngành Hàng không Việt Nam (HKVN) thì ngành này đủ một “triều đình con”, tức có đủ con cái, người thân của từ tổng bí thư, thủ tướng, chủ nhiệm văn phòng chính phủ đến lãnh đạo, chuyên viên các bộ, ngành trung ương, địa phương… Tất nhiên trong đó có người cần nhưng hầu hết là “ngồi mát ăn bát vàng”. Ở ban tài chính TCT hàng không VN người ta kháo nhau có những 200 nhân viên, buổi sáng 3 nhân viên “tranh nhau” rửa bộ ấm chén, pha trà… Chỉ đến khi có sự cạnh tranh khốc liệt của các hãng HK khác và quá khó khăn sau covid 19 thì bộ máy mới được tinh giảm, hiệu quả hơn như ngày nay.
– Bán xuất biên chế.
Khi DNCQNN ổn định có mức lương kha khá thì ngoài những xuất “ngoại giao” có thể phải là tiền. Ở ngành HKVN khi hot môi giới đua ra giá trung bình hơn 2.000 USD/ xuất. Cho một người vào thì nhà nước, DN phải trả lương, người ký không mất gì lại có khoản lớn thì sao không ký! Ở công ty quản lý bay do thu phí qua bầu trời quá hiệu quả, thuế nhẹ nên ngày ấy tiền rất nhiều. Theo tôi biên chế chỉ cần dăm trăm người là cùng nhưng DN này có quân số hơn vài nghìn người. Có lãnh đạo chỉ vài năm nhưng nhà cửa nhiều nơi, bồ nhí, con riêng kha khá… Tại đây có khi bộ phận chỉ có 3-4 người nhưng cũng có hai cán bộ trưởng, phó. Hồi anh Đinh La Thăng làm bộ trưởng bộ GTVT đã cảnh cáo, xử lý qua loa tình trạng này.
Để “cầm trịch” biên chế các DNCQNN có cơ quan Lao động thương binh xã hội nhưng xem ra cơ quan này cũng “là con người” nên có vẻ miễn nhiễm” với “ngoại giao” của các cơ sở. Cứ đến kỳ xét duyệt định biên là cơ sở lại cử đoàn “ngoại giao” lên “thiên đình” thỉnh cầu rồi về để có định biên theo ý.
Ở các DNCQNN còn thế thì ở lực lượng vũ trang dân không được biết, không tính hiệu quả hoạt động thì sẽ như thế nào, đến phong quân hàm tướng vô tội vạ chỉ để “anh em khỏi tâm tư”( lời ông Phùng Quang thanh nguyên bộ trưởng bộ quốc phòng) thì còn nói gì nữa!
Khoa học công nghệ, quản lý, tin học phát triển như vũ bão nhưng biên chế của các DNCQNN vẫn ngày càng đông. Từ bao nhiêu năm qua dân phải nuôi một số người ăn lương khổng lồ, vô tích sự. Số người khổng lồ vô tích sự ấy không chỉ làm khánh kiệt ngân sách nhà nước mà còn tạo ra môi trường để họ dựa dẫm, thụ động, cả đời ăn bám xã hội.
Nếu tổng bí thư Tô Lâm và đảng CS chấm dứt được tình trạng này là một kỳ công lịch sử.
Hãy chờ xem.