Một tháng sau vụ công an Khánh Hòa tống giam blogger Mẹ Nấm với điều 88 về “tuyên truyền chống nhà nước”, đến ngày 2/11/2016 bác sĩ Hồ Hải ở Sài Gòn bị công an TP.HCM bắt giữ vì tội danh tương tự.
Tuy nhiên có những điểm khác biệt lớn đáng chú ý và đáng phân tích giữa hai vụ bắt giữ trên.
Sau vụ bắt Mẹ Nấm, giới dư luận viên của đảng đắc chí cổ vũ hành động bắt bớ, liệt kê “tội trạng” của Mẹ Nấm và tung ra một chiến dịch đe dọa giới hoạt động dân chủ nhân quyền. Trong khi đó, giới dân chủ trong nước và giới nhân quyền quốc tế, một số chính phủ đã kịch liệt lên án nhà nước Việt Nam về hành động bắt Mẹ Nấm.
Nhưng sau vụ bắt bác sĩ Hồ Hải, phần lớn giới dư luận viên chỉ đưa tin theo Cổng thông tin Công an TP.HCM, hoặc chỉ bình luận thêm đôi chút về “tội xuyên tạc” của bác sĩ Hồ Hải. Họ không tạo nên một chiến dịch rầm rộ “dậu đổ bìm leo” như đối với trường hợp gần nhất là vụ bắt Mẹ Nấm, và những trường hợp trước đó là vụ công an bắt các blogger Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Ngọc Già, kể cả Hồng Lê Thọ và Nguyễn Quang Lập. Trong khi đó, giới dân chủ trong nước và nhân quyền quốc tế có vẻ thận trọng khi đưa tin về vụ bắt bác sĩ Hồ Hải, không lên án quyết liệt như thường thấy với những trường hợp dân chủ bị bắt trước đây.
Một điểm khác biệt nữa là nếu ở trường hợp Mẹ Nấm bị bắt, Công an Khánh Hòa lập tức trưng ra một số chứng cứ mà họ cho rằng Mẹ Nấm đã vi phạm và có ảnh chụp Mẹ Nấm bị bắt. Tuyệt nhiên không thấy Công an TP.HCM đưa ra chứng cứ nào đối với bác sĩ Hồ Hải và hình ảnh lúc bắt ông. Ngoài nội dung thông tin rất ngắn gọn trên Cổng thông tin điện tử, Công an TP.HCM không cho biết có khám xét nhà và đọc lệnh bắt đối với bác sĩ Hồ Hải hay không.
Gần hai ngày sau vụ bắt bác sĩ Hồ Hải, đài BBC Việt ngữ phát một bản tin về vụ này, trong đó có một số thông tin đáng chú ý:
“Ông Hải thường chặn những người đưa ra bình luận trái chiều với ông và trên mạng xã hội hình thành một nhóm “Những người bị bác sĩ Hồ Hải block”.
Việc chính quyền bắt giữ ông Hải theo Điều 88 gây nhiều ngạc nhiên trong giới blogger lề trái và lề phải, vì ông không được cho là nhà hoạt động dân chủ như những nhân vật bị bắt trước đó”.
Một luồng dư luận trong giới báo chí độc lập ở Việt Nam cũng cho rằng:
“Trên thực tế, các bài viết của ông Hồ Văn Hải chưa tạo hiệu ứng đáng kể trong cộng đồng. Ông Hồ Văn Hải cũng chưa thấy xuất hiện ở các hoạt động của những tổ chức xã hội dân sự. Những lần xuống đường phản đối chuyến viếng thăm Việt Nam của Tập Cận Bình, phản đối Formosa Hà Tĩnh tại Sài Gòn cũng không có sự góp mặt của ông Hồ Văn Hải”.
Một số độc giả của mạng xã hội cho biết mặc dù bác sĩ Hồ Hải viết bài phản đối Formosa, nhưng ông cũng là người nhiệt tình ủng hộ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (trước đại hội 12), và gần đây công kích dữ dội Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng…
Vẫn còn sớm để khẳng định rằng vụ bắt bác sĩ Hồ Hải không hẳn là cú đánh vào giới dân chủ. Cũng chưa có cơ sở xác đáng để cho rằng bác sĩ Hồ Hải, nếu không thuộc giới đấu tranh nhân quyền, có thể nằm trong một “phe phái” nào đó. Tuy nhiên, cách thức bắt giữ và công bố thông tin của cơ quan công an trong vụ bác sĩ Hồ Hải rõ ràng khác hẳn với những trường hợp bắt các nhà hoạt động dân chủ trước đó.
Cũng có thể tham khảo: vụ bắt giữ bác sĩ Hồ Hải diễn ra sau khi Tổng biên tập báo Petrotimes Nguyễn Như phong bị cách chức vì “nhảy sang địch”.
Hy vọng sau một thời gian ngắn nữa, động cơ thực sự của vụ bắt bác sĩ Hồ Hải sẽ được làm rõ.
Lê Dung / SBTN