Việt Nam Thời Báo

Âm mưu tăng giá điện: EVN sắp giáng lên đầu người dân “món quà mừng năm mới”

Viết Lê Quân


 


(VNTB) – Sắp bước vào 2015 – năm thứ 8 nền kinh tế VN tiếp diễn suy thoái, một âm mưu lớn đang lộ dần từ bóng đen Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Tăng giá điện đến 9,5%!

 

Song cùng với Petrolimex, EVN cũng là một tác nhân gây “nợ máu” cho tuyệt đại đa số dân chúng Việt Nam bởi quán tính tăng giá điện bất chấp dân sinh từ nhiều năm qua.

Nhưng cũng vì thế, nếu trong tương lai mà các nhóm lợi ích ở Việt Nam bị lớp nhân dân cùng quẫn “tính sổ”, chắc chắn EVN cùng các đời lãnh đạo căng túi của nó không thể là ngoại lệ.

Giờ đây, tập đoàn điện lực này đang phải đối mặt với một thử thách không nhỏ: khi “người anh em song sinh” là Petrolimex vừa phải giảm giá xăng dầu 10 lần liên tiếp chỉ trong vòng 3 tháng, hành xử của EVN sẽ ra sao?

Hồ sơ “tội ác”

Nếu động thái giảm giá không ngừng nghỉ đến mức cực kỳ bất thường của Petrolimex có thể xuất phát từ nguyên do tập đoàn nhà nước siêu độc quyền này e sợ một chiến dịch “diệt ruồi” có thể xảy đến trong tương lai với chính họ, thì EVN không có lý do gì để hoài nghi rằng những gì có thể tiếp biến với Petrolimex lại không đến với doanh nghiệp ngành điện siêu độc quyền không kém.

Được “bảo kê” bởi cơ quan chủ quản là Bộ Công thương, hồ sơ “tội ác” của EVN đã dày quá khổ, không chỉ bởi quá nhiều lần tăng giá điện vô lối đánh úp túi tiền nghèo kiệt của người dân, mà hành vi cực kỳ nhẫn tâm còn xảy đến vào mùa mưa bão cuối năm 2013: tập đoàn này hoàn toàn vô trách nhiệm khi để 15 nhà máy thủy điện đồng loạt xả lũ lên đầu người dân vùng rốn Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đắc Lắc… khiến gây ra cái chết cho hơn năm chục mạng người.

Vào năm ngoái, một cuộc thanh tra của Tổng thanh tra chính phủ đã khơi gợi không ít khuất tất trong hạch toán giá thành của EVN, trong đó tập đoàn này đưa cả việc xây dựng khách sạn và hồ bơi vào giá để “thanh toán” nhân dân. Những tưởng vụ việc sẽ được làm rõ trắng đen, nhưng qua một thời gian, giới quan chức của hai bộ Tài chính và Công thương lại vẫn ung dung mở ra lối thoát cho EVN. Vụ việc này cũng gần như chìm xuồng.

Nhưng làm gì thì làm, hiện thực còn nguyên cho tới nay là EVN vẫn nghiễm nhiên đóng vai con nợ bậc nhất của các ngân hàng. Số nợ mà doanh nghiệp siêu độc quyền này đang phải gánh lên tới ít nhất 118.000 tỷ đồng – con số mà mới chỉ được “tiết lộ” vào năm bi đát kinh tế 2013, cũng là thời điểm mà “Phe lợi ích” phải gánh búa rìu dư luận và áp lực phải tiến hành “minh bạch hóa”.

Một phần trong số nợ trên đến từ chiến dịch đầu tư chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, bất động sản, tài chính của EVN vào thời kinh tế “hoàng kim” những năm 2006 – 2007. Sau đó, không phải ngoại lệ của ít nhất 1/3 doanh nghiệp nhà nước tham lam đến mức mất cả lý trí, EVN đã phải rước lấy số lỗ khủng khiếp – hơn 30.000 tỷ đồng – khi tất cả biểu đồ của chứng khoán và bất động sản xuống đáy.

Chưa kể đến “thành tích” suốt gần một chục năm qua, EVN đã nhập khẩu điện từ Trung Quốc với giá cao gấp 3 lần giá bình quân trong nước…



Sẽ là “con ruồi EVN”?


Bất chấp một chỉ đạo khẩn cấp từ Chính phủ vào năm 2012, cho tới nay sự nghiệp thoái vốn từ các doanh nghiệp khác của EVN vẫn chưa đi đến đâu. Không khí nhà đất bất động cùng thị trường chứng khoán chẳng có triển vọng gì “cất cánh” đã khiến tỷ lệ thoái vốn chung cho tới nay mới chỉ khoảng 15-20% số cần phải thoái.

Tình hình đang trở nên ngày càng căng thẳng đối với EVN, dù rằng gần đây doanh nghiệp này được mô tả “đã có lãi sau mấy lần tăng giá điện”. Thế nhưng một phép tính đơn giản của “chiến lực ngành điện” đã cho thấy để thu hồi được toàn bộ thất thoát do đầu tư trái ngành, EVN sẽ có thể phải tăng giá liên tục trong… 11 năm nữa.

Không có gì bảo đảm là dân chúng Việt Nam sẽ đủ sức chịu đựng cơn dày vò của EVN trong 11 năm tới. Không có gì chắc chắn là xã hội Việt Nam sẽ không “biến chứng” như đất nước Bungaria vào đầu năm 2013 khi hàng chục ngàn người dân ùa xuống đường mà rốt cuộc đã làm cho toàn bộ chính phủ phải từ chức.

Còn ngay trong những tháng tới, cũng không có gì bảo đảm là nếu một chiến dịch “diệt ruồi” tương tự Trung Quốc nảy nở ở Việt Nam, EVN sẽ nằm ngoài danh sách “nạn nhân”, cùng với Petrolimex và một số ngân hàng nào đó có mối liên quan quá khắng khít với giới quan chức.


Vậy tại sao EVN còn muốn nhắm mắt đòi tăng giá điện?


————————–


Lạm phát thấp nhất 10 năm, và EVN tính… tăng giá điện

EVN đã kiến nghị điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm 2014 (vào tháng 12/2014) lên 1.652,19 đồng/kWh, tăng 9,5% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.508,85 đồng/kWh).

Năm 2014, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có thể thấp nhất trong 10 năm gần đây, lộ trình tăng giá một số mặt hàng thiết yếu – trong đó có giá điện – có đang ở thời điểm thuận lợi để thực hiện?

Cũng như nhiều vấn đề khác của kinh tế vĩ mô, đây cũng là câu hỏi không dễ trả lời khi còn nhiều quan điểm rất khác nhau.

Với luồng ý kiến cho rằng CPI thấp là do tồn kho lớn, nợ xấu cao, sức mua kém, tổng cầu giảm mạnh thì việc thực hiện lộ trình tăng giá lúc này là không nên. Bởi điều đó sẽ càng làm cạn kiệt sức mua, từ đó không có khả năng phục hồi sản xuất.

Ở luồng ý kiến lạm phát thấp không phải nguyên nhân chủ yếu do sức mua giảm thì tăng giá để kích thích sản xuất là phương án hoàn toàn có thể tính đến.

Khi EVN muốn tăng giá điện

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang có dự định tăng giá điện. EVN đã kiến nghị điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm 2014 (vào tháng 12/2014) lên 1.652,19 đồng/kWh, tăng 9,5% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.508,85 đồng/kWh).

Phân tích của một cơ quan không thuộc Bộ Công Thương cho thấy, mức giá này nằm trong khung giá quy định trong quyết định của Thủ tướng về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013-2015. 

Theo quyết định này thì khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013-2015 (chưa bao gồm thuế VAT) là 1.437 đồng/kWh – 1.835 đồng/kWh.

Về thời gian giữa hai lần điều chỉnh liên tiếp thì mức giá bán điện bình quân hiện hành (1.508,85 đồng/kWh) được áp dụng từ ngày 1/8/2013, đến nay được 16 tháng nên đáp ứng thời gian điều chỉnh giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là 6 tháng.

Với mức tăng 9,5%, EVN được phép điều chỉnh sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.

Cho rằng việc tăng giá điện là cần thiết, song cơ quan này lý giải để có đủ cơ sở chấp thuận mức tăng như đề xuất của EVN, thì cần phải đánh giá tác động của việc tăng giá điện tới các chỉ số CPI, tăng trưởng GDP.

Tiền tăng thêm chi vào đâu?

Một dữ liệu tham khảo khi quyết định có nên tăng giá điện hay không là việc sử dụng phần doanh thu tăng thêm khi tăng giá điện.

EVN tính rằng việc cho phép điều chỉnh tăng giá điện trong tháng 12/2014 sẽ làm tập đoàn này tăng doanh thu thêm khoảng 700 tỷ đồng. Số tiền này được EVN dự kiến chi vào 3 việc.

Thứ nhất là dành 166,52 tỷ đồng thanh toán chi phí bổ sung môi trường rừng năm 2011, 2012 của các nhà máy điện có công suất đến 30 MW. Hai là thực hiện đề án lắp đặt tụ bù, giảm tổn thất điện năng 267,46 tỷ đồng và ba là hạch toán được một phần chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn.

Như vậy, EVN cần phải có phương án chi phù hợp, ưu tiên những những khoản chi cấp thiết; việc thực hiện đề án lắp đặt tụ bù, giảm tổn thất điện năng mang tính chất đầu tư, nâng cấp nên phải sử dụng nguồn vốn đầu tư, do vậy, đề nghị không hạch toán một lần vào chi phí để tính giá điện.

Ngoài ra EVN còn kiến nghị phân bổ một phần lỗ chênh lệch tỷ giá còn tồn đến 31/12/2013 là 8.811 tỷ đồng vào chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2015.

Sẽ tăng từ quý 1/2015?

Với những dữ liệu trên, một số ý kiến từ cơ quan chức năng cho rằng việc tăng giá điện vào thời điểm quý 1/2015 là hợp lý.

Bởi, sẽ tạo ngang giá chi phí đầu vào sản xuất so với các nước trong khu vực. Giá điện của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực làm thất thu nguồn thu từ FDI (FDI đang hưởng lợi và có lợi thế cạnh tranh lớn nhờ vào yếu tố chi phí điện thấp).

Việc tăng giá điện còn được cho là sẽ kích thích, thu hút đầu tư tăng nguồn cung điện và phát triển thị trường thị trường điện lực cạnh tranh.

Theo cơ quan này, điều đáng lưu ý nhất là việc tăng giá điện hiện nay sẽ không có tác động lớn đến lạm phát, bởi vì theo dự báo lạm phát năm 2014 dưới 4%. Đây là cơ hội để tận dụng những lợi thế trên trong khi không tạo áp lực cho tăng CPI.

Tuy nhiên, để có đủ cơ sở xem xét mức tăng cho phù hợp cần thêm đánh giá chỉ số CPI và tốc độ tăng trưởng GDP năm 2015 trong trường hợp giá điện tăng.

Ngoài giá điện, một số ý kiến từ cơ quan tham mưu cấp vụ của bộ chức năng cũng cho rằng cần tăng giá nông sản, lương thực thực phẩm trong “rổ hàng hóa nhanh hơn so với mức tăng của hàng tiêu dùng và dịch vụ để rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa thu nhập, mức sống của nông dân với lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.



Theo Nguyên Hà
Vneconomy

Tin bài liên quan:

(VNTB)-Vay 1 tỷ USD để đảo nợ: Chính phủ cạn ngoại tệ?

Phan Thanh Hung

(VNTB)-Giảm giá xăng ba lần liên tiếp: Dấu hiệu suy yếu của “Phe lợi ích”?

Phan Thanh Hung

(VNTB)-Bất động sản vẫn hôn mê rất sâu

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.