« Ông Trọng đã hứa với Mỹ »
Phần đông các nhà quan sát cho rằng sự kiện ông Nguyễn Tấn Dũng ra đi không ảnh hưởng gì nhiều. Theo nhà báo Võ Trung Dũng, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cam kết với Tây phương, nhất là với Mỹ, phê chuẩn Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình dương TPP. Ông Trọng cũng thuận theo chiều hướng đưa Việt Nam vào quy chế kinh tế thị trường.
Trách nhiệm của ông Nguyễn Phú Trọng giờ đây rất nặng nề trong việc thành hay bại trong giai đoạn chuyển tiếp trước khi Việt Nam có được một tầng lớp cán bộ cao cấp và bộ trưởng có tư tưởng cởi mở và thiên về Tây phương trong bối cảnh căng thẳng thường xuyên với láng giềng phương Bắc. Là lãnh đạo theo đường lối Mác-Lê chính thống, là người xem Trung Quốc là đồng minh ý thức hệ tự nhiên của Việt Nam bất chấp hàng ngàn năm xung khắc, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ phải tỏ ra thực tế hơn.
Theo giới quan sát tại Hà Nội, không nên xem sự kiện ông Nguyễn Phú Trọng tái nhiệm là một chiến thắng cá nhân mà thật ra là kết quả của đường lối chung từ khi lựa chọn giải pháp« đổi mới » (sau khi Liên xô sụp đổ ). Điểm khác biệt là phe ông Nguyễn Phú Trọng sẽ không sốt sắng như cánh của ông Nguyễn Tấn Dũng mở cửa đón nhận đầu tư nước ngoài vào lãnh vực nông nghiệp và dịch vụ chẳng hạn.
Nói cách khác, cho dù các phe đều đồng ý tăng gia thương mại, nhưng với ông Nguyễn Phú Trọng, Hà Nội sẽ khó mà chấp nhận những nhượng bộ quan trọng nhất : tôn trọng quyền lợi của người lao động và sở hữu trí tuệ. Thế mà đây lại là những cam kết thực hiện khi gia nhập TPP.
Trong lãnh vực chính trị thì luật chơi của phe bảo thủ sẽ gây hệ quả nặng nề hơn, ngăn chận mọi hy vọng cải cách dân chủ. Bổ nhiệm một bộ trưởng Công an làm chủ tịch nước là một trong những tín hiệu này. Tín hiệu thứ hai là tuyên bố của kẻ chiến thắng : tôi không tiện nói một số nước nhân danh dân chủ, nhưng cá nhân quyết định tất. Ông Nguyễn Phú Trọng còn cho rằng với nguyên tắc tập thể lãnh đạo, Việt Nam có dân chủ hơn mọi nước.