BBC – Giáo sư Carl Thayer: ‘Tôi muốn Thủ tướng Phúc làm tiếp nhiệm kỳ hai’

BBC – Giáo sư Carl Thayer: ‘Tôi muốn Thủ tướng Phúc làm tiếp nhiệm kỳ hai’

Hội nghị 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tuần này, khoảng 10 ngày trước khi Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 dự kiến diễn ra từ ngày 15/1 cho tới 2/2/2021.

Đã và đang xuất hiện một số phỏng đoán các “kịch bản” đối với bốn vị trí quan trọng nhất, hay còn gọi là “Tứ Trụ”.

Hai “kịch bản” được bàn luận nhiều nhất cho tới nay hướng tới khả năng ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục giữ chức Tổng bí thư và ông Nguyễn Xuân Phúc, cũng được xét diện “đặc biệt”, sẽ hướng tới ghế Chủ tịch nước.

“Kịch bản thứ nhất” gồm hai vị trí kể trên với ghế Thủ tướng dự kiến thuộc về ông Vương Đình Huệ và vai trò Chủ tịch Quốc hội thuộc về ông Phạm Minh Chính.

“Kịch bản thứ hai” được đồn đoán là đảo lại vai trò của hai ông Huệ và Chính.

Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt qua email về những đồn đoán nhân sự cấp cao này.

BBC: Ông đánh giá gì về nhân sự các vị trí theo đồn đoán nói trên? Ai sẽ được bầu vào ghế nào, và vì sao?

Nếu ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử Tổng bí thư theo một trong hai kịch bản thì điều đó có nghĩa là có một trong hai điều xảy ra. Hoặc là ông Trọng tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba đủ 5 năm hoặc tái đắc cử với ý tưởng rằng ông sẽ từ chức trước khi hết nhiệm kỳ (một tiền lệ do ông Đỗ Mười đặt ra – ông rời chức TBT giữa nhiệm kỳ hai năm 1997).

Việc ông Trọng tái đắc cử theo một trong hai kịch bản sẽ là dấu hiệu cho thấy ông đã không thành công trong việc chuẩn bị cho người kế nhiệm do có sự phản đối của các ủy viên của Ban Chấp hành Trung ương.

Nếu ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Chủ tịch nước, điều này chỉ có thể được thực hiện theo trường hợp đặc biệt vì thành tích xuất sắc. Trong suốt năm ngoái, có tin đồn liên tục rằng ông Phúc có thể đã đặt mục tiêu trở thành lãnh đạo đảng. Vì ông chỉ đảm nhiệm một nhiệm kỳ thủ tướng và được số phiếu bầu tín nhiệm rất cao từ các đồng nghiệp cho công việc của chức vụ này nên điều đó kể như một sự thỏa hiệp.

Tôi hiểu rằng Ban chấp hành Trung ương đã thông qua hai “trường hợp đặc biệt” cho các ủy viên Bộ Chính trị trên 65 tuổi. Kịch bản mà tôi ưa thích là ông Phúc được tái bổ nhiệm làm thủ tướng nhiệm kỳ thứ hai.

BBC: Ông đánh giá thế nào về ông Phạm Minh Chính và ông Vương Đình Huệ, và ông có thông tin gì đáng lưu ý không.

Ông Vương Đình Huệ, 63 tuổi, rõ ràng là người hội đủ tiêu chuẩn nhất trong số các ủy viên đương nhiệm của Bộ Chính trị dưới 65 tuổi để được bầu làm Thủ tướng. Ông giữ chức Phó Thủ tướng trong 5 năm qua. Ông được đào tạo về kinh tế và từng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Hiện ông là Bí thư Thành ủy Hà Nội mà một số nhà phân tích coi đó là cách để ông bồi đắp thêm kinh nghiệm cho mình. Nếu ông Phúc được bổ nhiệm làm Thủ tướng nhiệm kỳ thứ hai, theo “kịch bản hai” thì ông Huệ sẽ đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội.

Các nhà phân tích khác cho rằng nếu ông Phúc tái đắc cử chức Thủ tướng, ông Huệ có thể được bổ nhiệm làm Thường trực Ban Bí thư.

Ông Phạm Minh Chính đứng hàng thứ chín trong Bộ Chính trị, hai nấc trên ông Huệ, người đứng thứ mười một. Ông Chính có bề dày cả trong bộ máy đảng lẫn trong ngành an ninh. Ông là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ trong Bộ Công an về hậu cần, kỹ thuật, tình báo và là Trưởng Tiểu ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương Đảng. Kinh nghiệm này hẳn sẽ phù hợp với ông trong ghế chủ tịch nước thay vì ghế thủ tướng.

BBC: Cảm ơn Giáo sư.

Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị trên 5 triệu thành viên và duy nhất lãnh đạo quốc gia trên 96 triệu dân (2019) được tổ chức 5 năm một lần.

Các nhà quan sát nước ngoài nói sự kiện này có tầm quan trọng quyết định cho hướng đi của Việt Nam nhiều năm tới, cụ thể là để lập tân chính phủ cho nhiệm kỳ 2021-26 và định hướng kinh tế 2021-2030.

Tuy thế, việc kiểm soát luồng thông tin về Đại hội Đảng 13 được Nhà nước Việt Nam chú ý đặc biệt.

Hôm 30/12/2020, Chính phủ nước này ban hành một danh mục được xếp hạng các “bí mật nhà nước”, trong đó có các thông tin liên quan nhân sự và nội bộ của đảng, vào theo truyền thông nhà nước thì “phương án nhân sự Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội là tuyệt mật”.

Nguồn: BBC Tiếng Việt


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)