Thời còn làm việc tại Myanmar tôi cùng người dân hàng ngày phải nghe đài phát thanh nhà nước Myanmar đọc tuyên bố về “Ba Sự nghiệp Chính yếu của Quốc gia”.
Bill Hayton – Gửi bài cho BBC News Tiếng Việt từ Colchester, Anh
Phát thanh viên nhấn mạnh ba khẩu hiệu: “Bảo tồn liên bang, cấm phá vỡ đoàn kết quốc gia và giữ vững chủ quyền đất nước.” Đây là những nguyên tắc cơ bản mà quân đội Myanmar thề sẽ bảo vệ, và cũng là lý do đằng sau cuộc đảo chính hôm đầu tháng 2 năm nay.
Các lực lượng vũ trang ở nhiều nơi đều tự nhận vai trò bảo vệ tổ quốc, nhưng quân đội Myanmar – còn gọi là Tatmadaw – lại coi mình như người bảo vệ linh hồn của đất nước. Các tướng tá tin rằng chỉ có họ mới bảo tồn được quốc gia và ngăn Myanmar tan rã thành hàng chục ‘tiểu quốc, sứ quân’. Đó là những gì họ muốn nói qua khẩu hiệu ‘Cấm phá vỡ Liên bang’ (Union of Myanmar thành lập năm 1947).
Nói cách khác, quân đội Myanmar cho rằng mình có vai trò tương tự như Đảng Cộng sản ở Việt Nam: bảo tồn đất nước. Tuy nhiên, Tatmadaw là một tổ chức kém tinh tế hơn nhiều so với Đảng CSVN.
Nỗ lực ‘dân sự hóa hình ảnh’
Từ khi lên nắm quyền sau đảo chính năm 1962, quân đội đã mất sự ủng hộ của đông đảo dân chúng mà họ từng có và thay vào đó phải dựa vào đe dọa bạo lực để điều hành. Họ không có công cụ và kỹ nghệ mà Đảng CSVN đã xây dựng được trong thập kỷ qua. Chẳng hạn, Tatmadaw cố gắng lập ra các đảng phái chính trị để có một bộ mặt ‘dân sự’ hơn nhưng họ đã thất bại. Trong kỳ tổng tuyển cử năm 2020, đảng USDP do quân đội hậu thuẫn chỉ được có 6% số ghế quốc hội.
Trên nhiều phương diện, Việt Nam là đất nước mà các nhà lãnh đạo Tatmadaw muốn Myanmar đạ được. Có nhiều điểm tương đồng giữa hai quốc gia này. Ở cả hai nước, một dân tộc đa số thống trị ở đồng bằng còn các dân tộ thiểu số sống phổ biến ở những vùng cao, biên giới. Cả hai nước đều từng bị các cường quốc châu Âu đô hộ và giành độc lập một phần nhờ đấu tranh vũ trang.
Từ những năm 1960 đến giữa những năm 1980, hai quốc gia cùng theo đuổi chính sách xã hội chủ nghĩa cứng rắn, dẫn tới thảm họa về kinh tế. Tuy nhiên, từ đó, Việt Nam và Myanmar đã đi theo hai hướng rất khác nhau. Việt Nam đạt tăng trưởng kinh tế cao trong khi Myanmar trở thành nước nghèo nhất ở Đông Nam Á.
Các tướng quân đội Myamar thấy khó mà chấp nhận được thực tế là họ không được lòng dân. Họ sống trong các doanh trại biệt lập, tách riêng khỏi dân thường. Họ xem các kênh TV do quân đội điều hành, chỉ phát sóng tuyên truyền các thành tích của Tatmadaw. Thật không may cho giới tướng tá, họ dường như là những người duy nhất tin vào các bản tin này. Người dân thấy rõ sự khác biệt giữa những gì trên màn hình TV và cuộc sống hàng ngày họ trải nghiệm.
Không như Đảng Cộng sản Việt Nam, Tatmadaw chưa bao giờ tìm được cách quản lý truyền thông phù hợp. Cho tới 2012, Myanmar vẫn có những quy định khắt khe nhất về truyền thông trên thế giới. Tất cả các bài báo hay bài tạp chí phải được quân đội kiểm duyệt trước khi đăng. Các kênh phát thanh truyền hình chỉ được đưa tin chính thức từ chính phủ. Chỉ từ cuối năm 2012, mọi thứ mới thay đổi và báo chí có thể đăng tin thoải mái hơn trước nhiều.
Tuy nhiên, đài phát thanh và truyền hình vẫn được quản lý chặt chẽ. Đài truyền hình nhà nước MRTV – nơi tôi có thời gian giúp đào tạo nhân viên năm 2013- hoạt động như cơ quan ngôn luận của chính phủ. Một kênh khác – Myawaddy – là cơ quan ngôn luận của quân đội. Cũng có một số kênh thương mại truyền hính và một số đài phát thanh địa phương, nhưng họ đều do những người thân cận với quân đội sở hữu. Những ‘tổ chức thân hữu’ này có lợi ích kinh doanh gắn chặt với giới lãnh đạo Tatmadaw và họ không muốn làm quân đội phật lòng.
Hy vọng vào thay đổi thời Aung San Suu Kyi
Hầu hết các nhà quan sát trông đợi chính phủ của bà Aung San Suu Kyi và Đảng NLD của bà ủng hộ tự do truyền thông sau khi đảng này chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2015. Tuy nhiên, khi đã lên nắm quyền, đảng này cũng mạnh tay trừng phạt những ai đưa tin chỉ trích chính phủ. Chính phủ đặc biệt cứng rắn hồi 2017, khi quân đội có các chiến dịch đuổi hàng trăm ngàn người Hồi giáo Rohingya ra khỏi phía bắc Tỉnh Rakhine.
Giữa năm ngoái, một tổ chức nhân quyền địa phương, Athan, cho biết chính phủ NLD đã kết án tổng số 31 nhà báo, những người đưa tin về hành động tiếp diễn của Tatmadaw chống lại các dân tộc thiểu số. Thêm vào đó, nhóm này cho biết, bộ thông tin đã chặn hàng chục trang web, tố cáo họ đăng “tin giả”.
Trước năm 2012, nhà báo nước ngoài bị cấm vào Myanmar. Tuy nhiên, từ 2013, họ có thể hoạt động ở Myanmar dễ dàng hơn ở Việt Nam. Các phóng viên quốc tế có quyền di chuyển tự do và chọn người phỏng vấn thỏa mái hơn nhiều so với đồng nghiệp của họ ở Việt Nam.
Kết quả là, trong khi quân đội có thể kiểm soát phần lớn những gì được phát trên hệ thống phát thanh truyền hình trong nước, họ gặp khó khăn hơn nhiều khi kiểm soát việc đưa tin của quốc tế. Vì thế, họ phải dùng đến cách đe dọa và trừng phạt. Năm 2018, hai phóng viên địa phương làm việc cho hãng tin Reuters bị bỏ tù sau khi đưa tin quân đội giết thường dân Hồi giáo.
Khả năng tiếp cận tin tức bên ngoài các thành phố lớn ở Myanmar là hết sức hạn chế. Ở nhiều vùng, người dân không có điện hoặc nguồn điện phập phù và họ không có tiền để mua TV hay thậm chí radio. Tuy thế, ở các thành phố và thị trấn lớn, mạng viễn thông phát triển đã làm thay đổi cách người dân Myanmar tìm hiểu về chuyện gì đang diễn ra. Đa số hiện lấy tin qua Facebook, nơi truyền thông đưa tin, trong đó có cả một số hãng tin độc lập. Facebook bị chặn trong một thời gian ngắn sau cuộc đảo chính và có thời điểm, cả hai mạng điện thoại di động đều bị gỡ , nhưng giờ đây tất cả lại hoạt động bình thường.
So với Việt Nam, Tatmadaw có quan hệ trắc trở hơn với Facebook. Gần đây, tin về quan hệ giữa Facebook và Đảng CSVN gợi ý rằng Facebook sẵn sàng xóa những nội dung chính trị nhất định để tiếp tục được mở cho người dùng ở Việt Nam. Facebook đã kiểm duyệt cho Đảng CSVN. Điều này là khá khác với tình hình ở Myanmar, nơi Facebook từ chối những áp lực tương tự.
Ngoài ra, còn có thêm áp lực từ những người theo chủ nghĩa dân tộc Myanmar, trong đó có cả một số thành viên của Giáo hội Phật giáo, những người tức giận vì cách truyền thông đưa tin vụ Rohingya. Nhà báo nào dám bày tỏ sự cảm thông với người Hồi giáo ở bang Rakhine sẽ bị đa số tấn công.
Thế nhưng khác với tình hình Việt Nam, các vụ tấn công nhắm vào nhà báo ở Myanmar thường xảy ra bất chợt, thiếu tổ chức bởi một số cá nhân theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Còn tại Việt Nam, chính quyền có cách tiếp cận bài bản hơn, ví dụ như họ cho phép các đội ‘dư luận viên’ đánh vào các nhân vật dám chỉ trích chính quyền trên mạng.
Năm 2017, phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của QĐND Việt Nam nói họ có đội quân 10 nghìn thành viên, gọi là “Lực lượng 47“ hoạt động trên mạng cho mục tiêu “giám sát”. Bên cạnh việc “tuần tra mạng”, chính quyền gây sức ép lên các công ty mạng XH và thỉnh thoảng lại bắt giữ những người phê phán lớn tiếng nhất, nhằm ‘thuần hóa hoạt động đấu tranh trên mạng’ (tame internet activism).
Ở Myanmar, giới quân nhân không thể nào thành công được như thế, họ chỉ có hai phương thức, một là cho phép luồng thông tin mạng hoạt động, gồm cả thông tin phê phán họ, hai là “ngắt mạch” cả mạng xã hội và internet, gây xáo trộn cho sinh hoạt kinh tế của người dân và của phe đối lập.
Xét về công nghệ kiểm soát chính trị cũng như nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống thì quân đội Myanmar còn thua xa Đảng CS VN.
Sau đảo chính, tình hình Myanmar chắc sẽ còn biến động vì hiện giờ người dân Myanmar đã tiếp cận được mạng xã hội và các trang tin đa chiều. Ngược lại, quân đội Myanmar sẽ trấn áp và hạn chế báo chí ngay khi các cuộc biểu tình hiện nay đe dọa “Ba Sự nghiệp Quốc gia” mà họ đề cao lâu nay.
Tiến sĩ Bill Hayton từng là phóng viên BBC News ở Hà Nội (2006) và dạy báo chí ở Myanmar (2013). Sau khi rời khỏi BBC, ông làm nghiên cứu ở cương vị học giả tại thinktank Chatham House, London. Bài thể hiện quan điểm riêng của ông, tác giả một số sách mới xuất bản về Việt Nam và châu Á.