Biển Đông 2015: Toan tính nguy hiểm của Trung Quốc

Ông Nguyễn Anh Sơn, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trao đổi với Đất Việt về những diễn biến trên Biển Đông năm 2015.


PV: – Năm 2015 tình hình Biển Đông tiếp tục căng thẳng vì các hoạt động cải tạo, bồi lấp đảo quy mô lớn của Trung Quốc, buộc cộng đồng quốc tế phải lên tiếng và có phản ứng mạnh mẽ. Ông nhận xét như thế nào về những thay đổi cơ bản về tình hình Biển Đông năm 2015, đặc biệt là sự ngang ngược của Trung Quốc khi bồi lấp các đảo nhân tạo ở Biển Đông? Nó có gì khác so với vụ giàn khoan 2014 và toan tính lâu dài của Trung Quốc là gì?

Ông Nguyễn Anh Sơn: – Trong hai kỳ họp Quốc hội năm 2015 tôi đã nhiều dịp đưa ra nhận xét xung quanh việc Trung Quốc tiếp tục thực hiện cải tạo, bồi lấp đảo quy mô lớn trên Biển Đông mà Trung Quốc lấy của Việt Nam giai đoạn trước đó, đặc biệt là trong năm 1988, với tốc độ nhanh.

Theo tôi, những hoạt động này nằm trong kế hoạch lâu dài, bài bản và có chuẩn bị từ trước của Trung Quốc. Trung Quốc đã làm biến dạng hoàn toàn diện mạo của các đảo, mở rộng diện tích cả trăm lần, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và mang nhiều tính chất quân sự như bãi diễn tập, đường băng cho các loại máy bay cất/hạ cánh được, hay như các thông tin nước ngoài nói đã phát hiện việc Trung Quốc vận chuyển vũ khí lên các đảo nhân tạo này.

Trung Quốc nói rằng việc cải tạo các đảo, xây dựng các công trình trên đảo nhân tạo để “phục vụ các mục đích dân sự như cứu hộ tàu thuyền, hỗ trợ ngư dân, qua đó thể hiện trách nhiệm quốc tế của nước này” và “không ảnh hưởng gì đến tự do hàng hải ở Biển Đông”. Thậm chí, họ còn rêu rao rằng các tổ chức quốc tế, Mỹ và các nước có liên quan sử dụng những cơ sở này, khi điều kiện chín muồi, tiến hành hợp tác về giải cứu nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Trung Quốc nói như thế nhưng thực tế không phải như vậy. Các tàu bè, máy bay của nước ngoài đi vào vùng này đều bị Trung Quốc phản ứng quyết liệt để khẳng định chủ quyền (phi pháp) của họ.

Tôi cho rằng, không loại trừ khả năng một ngày không xa Trung Quốc sẽ đặt ra vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông. Đây là cả một quá trình lâu dài và là điều rất đáng lo.

Một tuyên bố mới đây của Trung Quốc cho rằng tình hình ở Biển Đông “yên bình”, nhưng thực ra không đúng như thế, nó vẫn ngấm ngầm, âm ỉ mối đe dọa thường xuyên và có thể thấy là Trung Quốc đã phá hoại hoàn toàn cảnh quan, môi sinh cũ ở các đảo. Đó là điều đáng lo ngại.

Trung Quốc đang cố gắng tạo ra một hiện trạng hoàn toàn mới trên Biển Đông, theo hướng có lợi cho họ. Nếu trong tương lai có bước đi tiếp theo, Trung Quốc sẽ coi việc bồi lấp đảo là ‘sự đã rồi’ và nói rằng cứ sống cùng với nhau, cùng khai thác, ai ở đâu giữ đó khi họ đã có một cơ sở vững chắc. Đó là toan tính của họ. 

Nếu so sánh với sự kiện giàn khoan năm 2014, rõ ràng, động thái cải tạo, bồi lấp đảo phi pháp trên Biển Đông của Trung Quốc mang tính chiến lược lâu dài, là sự chuẩn bị từ trước của Bắc Kinh. Còn sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014 có thể coi là phép thử, một cách để Trung Quốc thăm dò phản ứng. Đến ngày 28/12, giàn khoan Hải Dương 981 lại tiến vào Biển Đông sau khi Trung Quốc đã bồi lấp đảo và xây dựng cơ sở vững chắc trên đó. Một khi xây dựng cơ sở vững chắc trên Biển Đông, Trung Quốc còn nhiều bước đi tiếp theo đáng lo ngại.

PV: – Sự can thiệp của Mỹ vào Biển Đông trong năm 2015 cũng đã biến thành hành động thông qua việc cử tàu chiến đi vào vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi lấp ở đá Xu Bi và Vành Khăn, điều B-52 bay gần các đảo nhân tạo… Theo ông, sự cứng rắn của Mỹ có làm thay đổi cục diện ở Biển Đông và có tác động như thế nào đến hành động của Trung Quốc ở khu vực?

Ông Nguyễn Anh Sơn: – Theo tôi, những việc làm của Mỹ cũng căn cứ vào những quy định hiện hành của quốc tế để thực hiện và tất nhiên về phía Mỹ, chắc hẳn họ có những toan tính riêng. Nhưng ít nhất Mỹ cũng có tính chất răn đe Trung Quốc, để quốc tế thấy rằng không phải Trung Quốc muốn làm gì thì làm, Trung Quốc không thể tự tung tự tác coi Biển Đông là ao nhà của họ.
Bằng hành động của mình, Mỹ đã thu hút sự quan tâm, chú ý của cả thế giới vào diễn biến ở Biển đông, từ đó cộng đồng quốc tế trong chừng mực nào đó bày tỏ thái độ của mình. Những sự ủng hộ của thế giới, yêu cầu phải giữ vững sự ổn định, hòa bình trên Biển Đông, đảm bảo luật pháp quốc tế rất có lợi cho Việt Nam. Nếu chỉ có một mình Việt Nam đương đầu với Trung Quốc thì đó là điều rất khó khăn.

PV: – Về phía Việt Nam, tranh thủ các diễn đàn khu vực và quốc tế, cũng đã có những tiếng nói mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông. Ông đánh giá như thế nào về cách hành xử tích cực của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông và hiệu ứng của nó trên trường quốc tế?

Ông Nguyễn Anh Sơn: – Khi các lãnh đảo Đảng và Nhà nước Việt Nam tham gia các sự kiện quốc tế quan trọng và đưa vấn đề Biển Đông vào nội dung các diễn đàn, qua theo dõi những phát biểu của phía Việt Nam về Biển Đông có thể thấy đã thể hiện rất rõ các khía cạnh:

Thứ nhất, luôn luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, vị thế của Việt Nam, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tế lâu dài của việc khẳng định các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.


Thứ hai, Việt Nam luôn dựa vào luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) để nêu vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Thứ ba, các phát biểu về chủ quyền của Việt Nam hoàn toàn cứng rắn và kiên quyết nhưng luôn thể hiện rất rõ thiện chí của Việt Nam là không bao giờ sử dụng các biện pháp cực đoan để giải quyết mà lấy mục đích cuối cùng là giữ vững ổn định, môi trường hòa bình trên Biển Đông làm chính. Chính thái độ đó của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

PV: – Trong tháng 10/2015, Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) ở Hà Lan tuyên bố cơ quan này có thẩm quyền phân xử vụ kiện của Philippines đối với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Trước đó, Trung Quốc khẳng định lập trường không tham gia vụ kiện tụng kể từ năm 2013. Ông đánh giá như thế nào về sự kiện này? Liệu Việt Nam có nên cân nhắc kiện Trung QUốc xâm phạm chủ quyền Biển Đông?

Ông Nguyễn Anh Sơn: – Động thái của PCA tại Hà Lan có thể coi là dấu hiệu báo hiệu thất bại pháp lý đầu tiên của Trung Quốc.

Trong các đối sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, các lãnh đạo trong nhiều dịp đều nói Việt Nam luôn chuẩn bị tất cả các tình huống, các phương án để có thể khẳng định chủ quyền của mình và bảo vệ hòa bình trên Biển Đông.

Theo tôi, những thuận lợi mà tòa án quốc tế đang dành cho Philippines cũng là điều mà Việt Nam rất đáng quan tâm. Đó cũng là cơ sở để trong trường hợp diễn biến vấn đề phức tạp hoặc theo chiều khác đi, Việt Nam có thể cân nhắc sử dụng một biện pháp giống như Philippines đã làm để tiến thêm một bước nữa trong việc xử lý vấn đề Biển Đông nếu phía Trung Quốc tiếp tục có những hành động không thể chấp nhận như hiện nay.

Sang năm 2016, trên cơ sở những việc Trung Quốc đã làm ở Biển Đông trong năm 2015 tôi tin rằng họ sẽ không dừng lại, nếu có chăng cũng chỉ là trong ngắn hạn, còn về lâu dài họ sẽ có những bước tiếp theo rất nguy hiểm. Họ sẽ không dừng lại như tuyên bố rằng mọi sự giữ nguyên trạng. Như tôi đã nói, ngày 28/12, giàn khoan Hải Dương 981 lại tiếp tục vào Biển Đông và Việt Nam phải hết sức chú ý cảnh giác,  theo dõi, chuẩn bị sẵn các phương án để thể hiện thái độ của mình, bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông.

Việt Nam cũng cần tiếp tục phát huy tiếng nói mạnh mẽ trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Đây là một phương pháp đấu tranh phù hợp trong tình hình hiện nay để tập hợp sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận quốc tế và khi ấy Trung Quốc không thể dễ dàng làm việc của họ.

Theo báo Đất Việt
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)