Trung Quốc đang sử dụng hạm đội tàu cá khổng lồ như một mũi tiên phong nhằm thúc đẩy yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Việc này không chỉ đẩy Bắc Kinh va chạm với các nước láng giềng, mà còn làm gia tăng nguy cơ về những cuôc khủng hoảng khó lường, Washington Post nhận định.
Dân quân biển Trung Quốc được cài cắm trong các hạm đội tàu cá hung hãn với mục đích hậu thuẫn cho chủ trương bành trướng biển |
Theo báo Mỹ Washington Post, chỉ trong vòng vài tuần qua, căng thẳng bùng phát giữa ngư dân Trung Quốc được tàu hải cảnh hậu thuẫn với Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Tàu cá Trung Quốc rời xa khỏi lãnh hải nước này và tiến sát bờ các nước khác. Đây chỉ là những vụ xung đột mới nhất trong cuộc chiến lâu dài của Trung Quốc nhằm bành trướng ngư trường đánh bắt và đồng thời thúc đẩy sự thống trị trên biển.
“Chính quyền Trung Quốc xem ngư dân và hạm đội tàu cá là công cụ quan trọng nhằm bành trướng sự hiện diện của Trung Quốc cũng như yêu sách chủ quyền của nước này ở các vùng biển tranh chấp”, chuyên gia Zhang, Hongzhu thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Đại học kỹ thuật Nanyang cảu Singapore nhận định.
Các chuyên gia nói rằng cuộc chiến giành các nguồn cá thường xuyên là một nguồn cơn gây bất ổn ở Biển Đông, gây nguy cơ lớn. Cuối tháng 3 vừa qua, chính quyền Malaysia đã phát hiện khoảng 100 tàu cá Trung Quốc được tàu hải cảnh hộ tống trong lãnh hải của mình gần bãi cạn Luconia các bờ biển Malaysia chưa đầy 100 hải lý nhưng cách đảo Hải Nam của Trung Quốc tới 800 hải lý.
Đầu tháng 4 này, Việt Nam đã bắt giữ một tàu Trung Quốc cải trang nhằm cung cấp nhiên liệu cho các tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trong lãnh hải của Việt Nam.
Vụ va chạm lớn nhất xảy ra hôm 20/3 khi giới chức Indonesia lên một tàu cá Trung Quốc tiến sát đảo Natuna. Khi tàu Indonesia bắt đầu kéo tàu cá này về bở, một tàu hải cảnh Trung Quốc đã can thiệp, đâm vào tàu cá, kéo nó về Biển Đông, gây ra một vụ cãi cọ ngoại giao giữa hai nước.
Indonesia trước nay quan hệ khá tốt với Trung Quốc nhưng chính phủ đã phản ứng giận dữ. Quan chức quốc phòng cam kết điều các tàu hải quân lớn hơn tới bảo vệ các tàu tuần tra tại khu vực, xem xét xây dựng thêm căn cứ quân sự ở các đảo xa xôi và thậm chí triển khai các chiến đấu cơ F-16 tới Natuna để phòng ngừa “bọn trộm”.
Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền đối với 90% Biển Đông, vẽ bậy “đường lưỡi bò” liếm sát bờ biển các nước Philippines, Malaysia, Brunei, Vietnam và quần đảo Natunas của Indonesia. Bộ Ngoại giao Trung Quốc thản nhiên nói tàu cá Trung Quốc hoạt động tại “ngư trường truyền thống”, mặc dù sự cố xảy ra chỉ cách Natuna chỉ ít hải lý và cách Hải Nam tới khoảng 900 hải lý.
Trung Quốc yêu sách chủ quyền với Biển Đông dựa một phần trên ý niệm rằng ngư dân nước này đã hoạt động ở đây hàng thế kỷ. Tuy nhiên Trung Quốc cũng đang cố gắng tạo ra thực tế trên thực địa bằng cách bành trướng khu vực đánh cá công nghiệp, các chuyên gia cho biết.
Sau khi các tàu cá dọn đường, tiếp đến là các tàu hải cảnh, thường sau đó là hoạt động bồi lấp, cải tạo đất trên các bài đá và rạn san hô và cuối cùng là quân sự hóa và kiểm soát khu vực, giáo sư Alan Dupont thuộc Đại học New South Wales tại Sydney đúc kết. “Tôi gọi đó là chiến lược đánh cá, bảo vệ, chiếm đoạt và kiểm soát”, ông nói.
Thật nực cười là Trung Quốc tố ngược Mỹ đang quân sự hóa Biển Đông, chỉ trích chiến lược tái cân bằng châu Á và dẫn ra thỏa thuận mới đây của Philippines mở cửa cho quân đội Mỹ tiếp cận 5 căn cứ quân sự của nước này lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ và vừa tiến hành cuộc tập trận quân sự giữa hai nước.
Theo ông Dupont, Trung Quốc đang theo đuổi kế hoạch chiến lược nhằm thống trị tây Thái Bình Dương và hất Mỹ ra khỏi khu vực, cố giành lợi thế trước chính quyền Obama được tin là bị phân tán bởi những cuộc khủng hoảng toàn cầu khác. Nhưng chính sách “cơ hội” của Bắc Kinh đang bị phản tác dụng, lại đang khiến các nước trong khu vực tập hợp lại chống Trung Quốc, ông Dupont phân tích.
Chính quyền Trung Quốc cũng đang thúc đẩy ngư dân đi khai thác xa bờ biển nước này. Trung Quốc trợ cấp nhiên liệu, khuyến khích đóng các tàu lớn hơn và khích lệ tiến xuống quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Chính quyền Hải Nam mạnh tay trợ cấp cho việc đóng tàu cá vỏ thép cỡ lớn và cung cấp các hệ thống định vị vệ tinh đắt tiền miễn phí cho khoảng 50.000 tàu cá. Với thiết bị này, đội tàu cá Trung Quốc có thể gửi tín hiệu cấp cứu khẩn về địa điểm chính xác tới các tàu hải cảnh đến ứng cứu khi gặp rắc rối.
Ngư dân Trung Quốc cho biết chính quyền thường tổ chức các chuyến đánh bắt dài ngày tới Trường Sa, có sự hộ tống của các tàu hải cảnh, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng tăng cao. “Khi đất nước cần chúng tôi, chúng tôi sẽ lên đường không chần chừ một giây để bảo vệ chủ quyền của chúng tôi”, ngư dân tên Chen tuyên bố.
Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, đô đốc Harris đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về mưu đồ quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc
Rodger Baker, đứng đầu bộ phận phân tích tình báo toàn cầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho biết, cái gọi là các chuyến đi “bảo vệ chủ quyền biển” của Trung Quốc được tổ chức hòng nhấn mạnh sự sở hữu “vùng biển” Bắc Kinh ngang ngược nhận vơ là của họ.
Được gài vào các đội ngư dân và thường đứng ra tổ chức những đợt đánh cá kiểu này là đội ngũ Trung Quốc gọi là “dân quân biển” – lực lượng được huấn luyện và trang bị các loại vũ khí hạng nhẹ với mục đích giúp Bắc Kinh bảo vệ yêu sách chủ quyền biển.
Dân quân biển Hải Nam là lực lượng đã được đích thân ông Tập Cận Bình tới thăm và cổ vũ hồi tháng 4/2013, ngay sau khi ông Tập nhậm chức chủ tịch. Chính lực lượng này đóng vai trò dẫn dắt và khích lệ ngư dân Trung Quốc tới đánh bắt ở Trường Sa năm 1985 và đóng vai trò chính trong chiến dịch giành giật bãi cạn Scarborough từ tay Philippines năm 2012 , cũng như tham gia vào sự kiện hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam năm 2014.
Các tàu cá cải trang của Trung Quốc cũng giúp vận chuyển các loại vật liệu xây dựng để Bắc Kinh bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông. Tháng 10/2015, khi khu trục hạm USS Lassen thực thi tuần tra tự do hàng hải gần đá Su bi ở quần đảo Trường Sa, hải quân Trung Quốc giữ khoảng cách an toàn nhưng các tàu thương mại và tàu cá Trung Quốc đã tiến sát tàu khu trục Mỹ với ý đồ ngăn cản. Các chuyên gia cho biết các tàu này do lực lượng dân quân Trung Quốc vận hành.
Andrew S. Erickson thuộc Trường Hải chiến Mỹ đã gọi đây là “những người lịch sự Trung Quốc”, một dạng đội quân “những người lịch sự” vũ trang, không mang phiên hiệu của Nga đóng vai trò chủ chốt trong chiến dịch chiếm đóng Crimea.
Lực lượng dân quân biển trá hình ngư dân của Trung Quốc cũng gây phức tạp cho hoạt động của các tàu hải quân Mỹ. Trong khi Trung Quốc giật dây thông qua đội dân quân, không nước nào trong khu vực kiểm soát hoàn toàn được hạm đội tàu cá của Bắc Kinh. Với các thuyền trưởng có thể khai thác tinh thần dân tộc chủ nghĩa nhằm bành trướng ngư trường đánh cá. Đây là một nguy cơ lớn đối với Trung Quốc trong chính sách này, chuyên gia Baker ở Stratfor nhận định.
Theo Thanh Niên