Bộ trưởng đặc trách Biên giới vụ của Campuchia Var Kimhong cầm bản đồ một khu vực gần biên giới Campuchia-Việt Nam trong cuộc họp báo ngày 2/7/2015. (Neou Vannarin/VOA Khmer)
02.07.2015
Campuchia đòi Việt Nam phải ngưng ngay lập tức tất cả các dự án xây đường sá và cơ sở hạ tầng khác dọc theo biên giới hai nước, cho tới khi Uỷ ban Biên giới Hỗn hợp hoàn tất công tác cắm mốc phân định lãnh thổ hai nước.
Báo Cambodia Daily và Tân Hoa Xã hôm nay cho hay Bộ Ngoại giao Campuchia đã gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, yêu cầu phía Việt Nam cung cấp cho họ thông tin về những nơi mà chính quyền Việt Nam dự tính xây cất đường sá và các cơ cấu hạ tầng khác.
Campuchia còn yêu cầu Việt Nam cho coi bản đồ ghi rõ vị trí các công trình mà Việt nam dự định tiến hành dọc theo biên giới hai nước, nơi mà Uỷ ban Biên giới Hỗn Hợp đã cắm mốc, hoặc quyết định trao đổi đất dựa theo Biên bản ghi nhớ năm 2011.
Bộ Ngoại giao Campuchia đặc biệt đòi Việt Nam ngưng trong thời hạn sớm nhất việc xây 3 đoạn đường chỉ nằm cách biên giới Campuchia ở tỉnh Svay Riêng có 10 mét, nói rằng biên giới tại nơi này chưa được cắm mốc và phân định rõ ràng.
Đây là lần thứ Tư Pnom Penh gửi công hàm cho Hà nội tính từ tháng trước, để đòi Việt Nam phải tôn trọng ranh giới giữa hai nước.
Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm nay, Bộ trưởng đặc trách Biên giới vụ của Campuchia Var Kimhong nói rằng lý do chính phủ nước ông gửi công hàm cho Việt Nam là bởi vì Việt Nam đã vi phạm thoả thuận biên giới song phương năm 1995, nhằm ngăn chặn cả hai bên, không nước nào được phát triển các vùng biên giới chưa được phân định.
Hôm 28/6 đã xảy ra một vụ xô xát giữa gần 400 người trên vùng biên giới giáp ranh tỉnh Svay Rieng của Campuchia và tỉnh Long An của Việt Nam. Hơn 200 người Campuchia, trong đó có một số nhà lập pháp và nhà sư, đã kéo tới nơi này vì nghi ngờ Việt Nam lấn chiếm đất của nước họ.
Trả lời câu hỏi của VOA Việt ngữ về vụ xô xát ở vùng biên giới, nhà lập pháp đối lập Real Camerin, người dẫn đầu phái đoàn các nhà lập pháp Campuchia tới vùng biên giới nói:
“Căng thẳng hiện nay ở vùng biên giới không phải do nhân dân Campuchia yêu nước khiêu khích, mà là do Việt Nam hung hăng lấn chiếm đất đai của Campuchia. Người dân Campuchia quan tâm và lo lắng sợ mất đất, vì đó là nghĩa vụ của người dân mỗi nước, không chỉ người Campuchia. Ngay cả người Việt Nam, nếu quan tâm cũng sẽ đứng lên phản đối trước hành động xâm lăng.”
Ảnh chụp tại hiện trường vụ ‘xô xát’ giữa người Việt và Campuchia ở biên giới hai nước hôm 28/6/2015.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm qua cáo buộc “hành động bạo lực do một số phần tử quá khích người Campuchia gây ra…ảnh hưởng đến tiến trình phân giới cắm mốc cũng như quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia. Được hỏi ông trả lời phản ứng đó của Việt Nam như thế nào? Nhà lập pháp đối lập Campuchia nói:
“Thực tế không như chính phủ Việt Nam nói, bởi vì chúng tôi đi trên lãnh thổ của chúng tôi, mà Việt Nam lại bảo chúng tôi phá hoại quan hệ hai nước, thì điều đó không đúng. Mọi người ai cũng biết là chính phủ Campuchia đã gửi công hàm cho Việt Nam nhiều lần về vấn đề biên giới, mà Việt Nam không đáp ứng, không những không đáp ứng, mà còn làm ngơ. Rồi khi vụ việc xảy ra, Việt Nam quy trách cho tinh thần dân tộc chủ nghĩa. Chuyện đó phải xảy ra thôi bởi vỉ đây là đất của Campuchia.”
Người dân Việt Nam và Campuchia cáo buộc lẫn nhau là khiêu khích và tấn công bạo lực trong vụ xô xát ở biên giới, khiến nhiều người bị thương.
Hôm 30 /6, Việt Nam yêu cầu Campuchia xử lý thỏa đáng vụ tấn công của người Campuchia, làm bị thương 7 người Việt Nam.
Hôm 30 /6, Việt Nam yêu cầu Campuchia xử lý thỏa đáng vụ tấn công của người Campuchia, làm bị thương 7 người Việt Nam.
Việt nam và Campuchia có biên giới dài hơn 1.700 cây số, trong đó có nhiều nơi chưa được phân định rõ ràng.
Theo: Cambodiadaily, Xinhua, Thanhniennews, VOA’s Interview.