Cạn kiệt ngân sách: Hầu như hết cơ hội tăng lương năm 2016 *

Chính phủ đã quan tâm và tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, đã kiến nghị Quốc hội cho phép báo cáo về khả năng bố trí tăng lương năm 2016 và lộ trình tăng lương từ năm 2017 trở về sau tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa 13, dự kiến vào tháng 3/2016.

Chiều nay, ngày 3/11, Quốc hội sẽ thảo luận thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016. Một trong những nội dung được có điều chỉnh tăng lương cho cán bộ, công chức trong năm 2016 hay không là vấn đề rất được quan tâm của cả đại biểu và cử tri.

Chính phủ xin hoãn lộ trình vụ tăng lương
Một trong những lý do khiến Chính phủ xin hoãn vụ tăng lương đó là ngân sách quá eo hẹp. Theo bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thì ngân sách chỉ còn dư có 45.000 tỷ đồng trong năm 2016 nên khó chi cho khoản cụ thể nào.
Phân trần về việc hoãn lộ trình tăng lương sang năm 2017, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển, cho biết hiện vấn đề tăng lương có 2 luồng ý kiến khác nhau trong Ủy ban tài chính ngân sách Quốc hội. Hai luồng ý kiến này ngang nhau.
Ý kiến thứ nhất, theo ông Hiển, cho rằng chưa thể có điều kiện tăng lương căn cơ được, chỉ đảm bảo được những chế độ cho người có mức lương dưới 2,34 theo Nghị quyết trước đây của Quốc hội hoặc những người hưởng lưu hưu được hưởng 8%.

“Lần này có bổ sung thêm những trường hợp với những người có mức lương hưu trước năm 1995 mà thu nhập dưới 2 triệu thì được tính toán, và giáo viên mầm non để họ đạt được mức lương cơ bản. Làn này Chính phủ bổ sung đối tượng vậy thôi, còn đối tượng từ 2,34 trở lên khó khăn. Vì ta muốn tăng nguồn chi lương thì phải tính nguồn ở đâu, mà tinh thần của Quốc hội là khi đưa ra chính sách mới thì anh phải chỉ ra được là nguồn đó từ đâu. Đó là nguyên tắc. Nhưng tình hình thu của ta khó khăn”, ông Hiển cho biết.
Theo ông Hiên, khó khăn đầu tiên là giá dầu dự toán là 100 USD nhưng giờ xuống 45 – 47 USD, bình quân năm nay khả năng là 50 USD thôi, nên hụt 50 USD, hụt khoảng 61.000 tỷ đồng, rơi chủ yếu vào ngân sách trung ương.
“Nếu ngân sách trung ương có tăng để bù đắp thì vẫn hụt thu 31.000 tỷ đồng nữa, do dù Chính phủ vẫn đang quyết tâm để hoàn thành. Thu nội địa của ta hiện nay năm 2016 thì tất cả chính sách về thuế thực hiện theo luật, như Thuế TNDN xuống chỉ còn 20% theo lộ trình, thuế thu nhập cá nhân không thể nâng lên”, ông Hiển phân tích.
Ông Hiển cho biết thêm, nói đến tăng thu thì khó khăn nhưng giảm thu thì nhiều người ủng hộ, cuối cùng ngân sách huy động GDP ngày càng thấp đi. “Giai đoạn trước là 24,8% nhưng giờ chỉ còn khoảng 21% thôi, năm nay 2015 huy động GDP chỉ còn 19,6% cho thấy ngân sách khó khăn rồi. Chính phủ cố gắng từ giờ cuối năm khai thác từ các nguồn thu, đặc biệt chống thất thu, nợ đọng thuế để bù đắp được nhưng cái đó chỉ năm nay thôi. Nhưng tiền lương giải quyết là cả quá trình dài, nên phải cân đối thu chi cả quá trình trung hạn”, ông Hiển phân trần.

Ông Hiển cho biết thêm trong năm 2015 xin với Quốc hội, 5% đồng ý quan điểm của Chính phủ, để năm 2016 Chính phủ muốn xem tình hình giá dầu thế nào, khả năng thu ngân sách thế nào thì mới trình ra Quốc hội, xin ý kiến Quốc hội về toàn bộ lộ trình cải cách tiền lương vào kỳ họp thứ XI, tức là vào tháng 3/2016. “Tôi cho đó là đề nghị, đề xuất tương đối chắc chắn”.

Đại biểu Quốc hội Phùng Quốc Hiển
Giảm chi thường xuyên lãng phí là có tiền tăng lương
Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An, đoàn Hà Nội, cho biết sẽ ủng hộ tăng lương và mức tăng tối thiếu 8%, chứ thấp hơn thì khó cho người lao động. Mức lương hiện tại mới chỉ đáp ứng được 60 – 70% nhu cầu cuộc sống của người lao động.
“Tổng liên đoàn lao động Việt Nam còn đề xuất mức tăng lương là 12,4% nhưng có nhiều ý kiến cho rằng ngân sách eo hẹp nên chỉ tăng 5%. Tôi thì cho rằng, nguồn tăng lương vẫn có nguồn để lấy, đó làm giảm lãng phí. Những lãng phí trong chi tiêu thường xuyên, vấn đề xe công, đi công tác nước ngoài cũng cần cắt giảm đối với những đối tượng không cần thiết và những chi tiêu không cần thiết khác”, đại biểu An bình luận.
Cũng vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Minh, đoàn TP.HCM, bức xúc việc Chính phủ lại nêu ngân sách khó khăn, không tăng lương theo lộ trình, tăng lương giải quyết nhu cầu của lao động.
“Tôi không biết phải giải thích với cử tri thế nào, trả lời với cử tri làm sao về việc không tăng lương? Năm ngoái đã nói rồi, năm nay nói lại như vậy, làm sao cử tri tin được ngân sách khó khăn? Thực tế, vấn đề quan tâm của đông đảo cử tri là đảm bảo lương cho người về hưu. Năm 2016 phải nâng mức lương để đảm bảo đời sống của họ vì các mặt hạng thiết yếu theo giá thị trường, lương không tăng thì họ sống bằng gì?”, đại biểu Minh băn khoăn.

Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch đề nghị Quốc hội bàn thẳng vào vấn đề đó. “Cần phải cắt gì để năm 2016 tăng lương? Chúng ta muốn tăng lương thì phải cắt nguồn nào, cần phải nêu ra. Chúng ta phải mạnh dạn”, đại biểu Lịch yêu cầu.
Theo Bizlive

* Tựa đề do VNTB đặt
* Tựa đề gốc: Trì hoãn tăng lương vì “tóp teo” ngân sách

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)