Việt Nam Thời Báo

Chuyển giao lãnh đạo VN ‘có thể hợp lý hơn’

BBC

Chính trị Việt NamImage copyrightEPA
Image captionTân Thủ tướng Chính phủ VN Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa cho cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Quốc hội VN khóa 13.
Một nhà phân tích chính trị tại Việt Nam bình luận về cuộc chuyển giao quyền lực đã diễn ra sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 12.
Trả lời phỏng vấn của BBC Việt ngữ hôm 11/4/2016, Tiến sỹ Vũ Cao Phan, nhà phân tích chính trị thuộc Viện Chính trị và Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế, Đại học Bình Dương cho hay lúc đầu ông ‘có chút ngạc nhiên’ về cách thức chuyển giao, nhưng rồi cũng tự lý giải được.
Nhà phân tích bày tỏ ‘đáng tiếc’ và cho rằng Ban lãnh đạo Việt Nam hoàn toàn có thể sắp xếp một thời điểm phù hợp hơn đối với việc chuyển giao quyền lực, để tránh tình trạng ‘tự đẩy mình vào thế khó’ như vừa qua và đặt câu hỏi tại sao phiên họp đầu tiên của Quốc hội mới lại không thể diễn ra vào tháng Tư, thay vì tháng Bảy 2016.
Ý kiến này cũng đặt câu hỏi vì sao cho một sự thay đổi ‘cơ bản như vậy’ mà các chức danh Nhà nước và Chính phủ lại không dùng hình thức từ nhiệm như mọi thể thức dân chủ trên thế giới vẫn làm, thay vì miễn nhiệm.
Nhà phân tích nhân dịp này cũng bình luận về thách thức, tương lai của mô hình chính trị – quyền lực ở Việt Nam hiện nay và đề cập vấn đề cải tổ thể chế và chính trị.

Vì sao không từ nhiệm?

BBC:Ông bình luận gì về cuộc chuyển giao các cơ cấu quyền lực nhà nước ở Việt Nam hiện nay?

TS. Vũ Cao Phan: Sự thực là ban đầu tôi có chút ngạc nhiên về cách làm nhưng rồi cũng lý giải được.
Tổng thống Hoa Kỳ ObamaImage copyrightAFP
Image captionTổng thống Hoa Kỳ Obama theo dự kiến sẽ đến thăm Việt Nam vào tháng 5/2016.
Thứ nhất, dù Việt Nam đang chứng tỏ mình là một nhà nước pháp trị thì đây vẫn là một nền pháp trị có điều kiện, điều kiện ấy là nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Trong xử lý chiến thuật (ngắn hạn), khi Đảng thấy cách làm nào có lợi hơn thì sẽ cố gắng điều chỉnh, tất nhiên theo cách có thể chấp nhận được để không tạo vấn đề lớn hay thậm chí là một cuộc khủng hoảng Hiến pháp.
Thứ hai, cũng từ lý do Đảng độc quyền lãnh đạo, tất cả các chức danh chủ chốt – không chỉ Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, mà hàng Bộ trưởng cũng phải là thành viên trong Ban lãnh đạo Đảng (Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương). Đại hội Đảng vừa kết thúc với Ban lãnh đạo mới, nếu cứ kéo dài tình trạng những người cũ (không tham gia Ban lãnh đạo nữa) lơ ngơ ở vào thế chợ chiều và những người mới chưa được giao ấn kiếm thì vừa bất lợi cho chính họ vừa bất lợi cho quốc gia (điều này quan trọng hơn).
Cuối cùng, không ai chính thức nói ra, nhưng tôi tin nó còn liên quan đến chuyến thăm vào tháng Năm sắp tới của Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama. Việt Nam rất coi trọng chuyến thăm này, được coi là một chuyến thăm làm việc – khác với chuyến thăm của các Tổng thống Bill Clinton, Georges Bush trước đây nặng ý nghĩa biểu tượng.
Chuyến thăm của ông Obama càng đặc biệt đáng chú ý vì nó được cả hai bên chờ đợi đã lâu và nhiều vấn đề thời sự đang được hai nước quan tâm, như Hiệp định TPP hay tình hình Biển Đông. Và nếu Tổng thống Mỹ biết rằng mình đang trao đổi, hội đàm, ký kết với những người sẽ còn giữ trọng trách lâu dài với đất nước này thì rõ ràng là điều có ý nghĩa hơn.
Đáng tiếc là hoàn toàn có thể sắp xếp một kế hoạch thời gian hợp lý ngay từ đầu để mọi việc tuần tự suôn sẻ, đằng này người ta lại tự đẩy mình vào thế khó… Tôi nghĩ, với một tinh thần tích cực thì phiên họp đầu tiên của Quốc hội mới tại sao không thể diễn ra vào tháng Tư thay vì tháng Bảy?
Và một sự thay đổi cơ bản như vậy các chức danh Nhà nước và Chính phủ tại sao không dùng hình thức từ nhiệm (như mọi thể thức dân chủ trên thế giới) thay vì miễn nhiệm?

Tương lai nền chính trị

BBC:Mô hình và cách thức chuyển giao như vậy ở thế kỷ XXI nói gì về tương lai chính trị và mô hình chính trị ở Việt Nam tới đây cũng như trong trung và dài hạn?

TS. Vũ Cao Phan: Không nói lên gì cả hay chính xác hơn, chưa nói lên gì cả.
Việt NamImage copyrightVTVhd
Image captionNhà phân tích đặt ra nhiều câu hỏi về mô hình, bộ máy và tiền đồ của hệ thống, thể chế quyền lực và chính trị của Việt Nam hiện nay.
Chúng ta thấy nó thủ công, cũ kỹ, thậm chí có vẻ hơi thụt lùi đúng không? Nhưng chưa thể đánh giá ở phạm vi chiến lược. Và thật sự là khó có thể làm khác hơn trong lúc này. Đảng vừa trải qua một Đại hội nhọc mệt dù với kết quả cuối cùng như mong đợi, nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề ngổn ngang.
Bộ máy đứng đầu của Đảng cơ bản vẫn là những người cũ với cách tư duy chưa có vẻ gì thay đổi. Việc phải làm bây giờ là thiết lập một ê-kíp cầm quyền mới, tạo được sự ổn định trước đã, mọi việc tính sau – có thể người ta nghĩ như vậy.
Mỗi khóa của Đảng nói chung có 14 Hội nghị TW và thông thường chương trình làm việc toàn khóa được đưa ra thảo luận và công bố trong Hội nghị TW lần thứ II. Nhưng phiên họp vừa rồi thì hầu như ngoại lệ, chỉ làm một vấn đề nhân sự, chưa bàn đến chương trình toàn khóa.
Mặc dù vậy tôi tin rằng trong khóa này, việc đổi mới chính trị sẽ được Đảng bàn đến một cách nghiêm túc trong một phiên họp cụ thể .

BBC:Theo ông, đâu là vấn đề chính, là thách thức lớn nhất của mô hình chính trị – quyền lực ở Việt Nam hiện nay?

TS. Vũ Cao Phan: Đổi mới chính trị. Đã có những cách gọi khác nhau: đổi mới lần hai, cải cách thể chế… nhưng theo tôi nên gọi là đổi mới chính trị và đó cũng là cách gọi mà Đảng đã đề cập trong các văn kiện của mình. Đã có nhiều ý kiến nói đến sự dậm chân tại chỗ của mô hình chính trị, của thể chế chính trị ở Việt Nam trong khi rất nhiều thứ khác đã thay đổi. Hơn bảy chục năm rồi, từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời!
Việt NamImage copyrightEPA
Image captionTân Chủ tịch nước Trần Đại Quang và người tiền nhiệm Trương Tấn Sang chuyển giao quyền lực tại Quốc hội VN khóa 13.
Nhưng đổi mới những gì và các bước đi của đổi mới nên như thế nào không phải là một điều đơn giản. Và sự chậm trễ của nó có lẽ cũng xuất phát một phần từ lý do đó. Vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, nhà tư tưởng của công cuộc cải tổ, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Liên Xô Alexander Iakovlev từng nhận xét: yêu cầu đòi cải tổ ở Liên Xô đang hiện lên như một quang phổ, từ rực đỏ đến cực tím… Nghĩa là có nhiều quan điểm rất khác nhau, từ đòi hỏi xóa sạch đến để nguyên như cũ.
Ở Việt Nam (và giữa những người Việt ở trong nước và nước ngoài) tình hình lúc này có lẽ cũng gần giống như vậy. Tôi muốn dành một dịp khác bàn về vấn đề này. Nhưng ở mọi trường hợp, trong cuộc đổi mới ấy không thể gạt Đảng ra bên lề; hơn nữa, Đảng phải nắm vai trò chủ thể.
Đổi mới chính trị như thế nào, nội dung và bước đi của nó, nếu anh muốn dùng từ thách thức, thì đấy chính là thách thức.

Giải pháp cho thách thức


BBC:Có giải pháp nào cho thách thức ấy không? Một cuộc cải tổ sâu rộng, căn cơ về chính trị, thể chế có chỗ đứng nào hay không trong giải pháp ấy?

TS. Vũ Cao Phan: Có bốn nguyên nhân khiến vấn đề đổi mới chính trị, dù được đề cập đến ở các Đại hội Đảng, dù đã đến lúc nhận ra sự cấp bách, nhưng vẫn bị trì hoãn cho đến nay.
Một, sự thiếu vắng lý luận nhưng lại hâm mộ lý luận (mới khổ!) ở những người Cộng sản Việt Nam. Hai, thiếu đầu dẫn quyết tâm. Người ta lo sợ một sự đổ vỡ kiểu Liên Xô – Gorbatrov (theo đó là trách nhiệm bản thân).
Ba, chừng nào còn có thể trì hoãn thì… cứ trì hoãn. Bốn, thể chế hiện hành tuy đã lạc hậu nhưng nhân danh Xã hội Chủ nghĩa lại là chỗ ẩn nấp vụ lợi cho không ít người có quyền lực.
Xin mở ngoặc mà không phải mở ngoặc: Vụ lợi chính là tham nhũng, và tham nhũng ấy đã trở thành bất trị. Trong đó, tham nhũng quyền lực là thứ tham nhũng tệ hại nhất nhưng không ai nhận ra hay nhận ra quá muộn đến mức không thể động vào (vì sự tinh vi của nó) được nữa rồi?.
Việt NamImage copyrightKham Reuters
Image captionĐợt chuyển giao quyền lực ở Quốc hội khóa 13 của Việt Nam xuất phát ngay sau Đại hội XII của Đảng Cộng sản.
Sự không thay đổi suốt 70 năm qua của thể chế chính trị nước nhà trước hết và tập trung rõ nét ở hai cơ quan quyền lực nhất của Đảng: Ban Tổ chức và Ban Tuyên huấn Trung ương. Hai cơ quan này năm “45” nhìn người thế nào thì năm “16” nhìn người thế vậy.
Ở “đầu kia” thể thức công việc được triển khai ra sao thì ở “đầu này” mọi thứ vẫn y chang. Vì lý do đó, dù “dàn sao” của Chính phủ vừa ra mắt nhưng tôi quan tâm nhiều hơn đến việc bổ nhiệm lãnh đạo mới ở đây.
Cả hai vị Trưởng ban được đánh giá đã để lại nhiều dấu ấn tích cực khi công tác ở địa phương. Ông Trưởng ban Tổ chức từng lãnh đạo một tỉnh đi bước trước trong cải cách thể chế, khá quyết đoán.
Ông Trưởng ban Tuyên huấn có cái vốn lớn là tuổi trẻ. Nhưng người lớn lại thường nghĩ người trẻ dễ bảo, đấy là chưa nói người trẻ đôi khi lại dùng cái vốn ấy của mình để chờ vận hội. Đường xa nghĩ nỗi… Chưa biết thế nào!

TS. Vũ Cao Phan là nhà phân tích chính trị, thuộc Viện Chính trị và Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế, Đại học Bình Dương.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.