Ngân Giang
* Tác giả gửi bài cho VNTB
Nhà báo tự do Trương Minh Đức bị đánh đập, cướp bóc tài sản vào tối ngày 2/11/2014, bởi một nhóm người bị anh nhận ra là công an, tại khu vực Ngã 3 Suối Giữa (quốc lộ 13, Bình Dương). Trước đó, vào ngày 28/10, ông Nguyễn Văn Hà được phát hiện chết trong tư thế treo cổ ở La Gi, Bình Thuận, nâng tổng số người chết “bất đắc kỳ tử” năm 2014 lên con số 19.
Tất cả gióng lên trở thành một hồi chuông cảnh báo về việc lạm dụng hành xử trong lực lượng hành pháp. Nhất là khi đất nước Việt Nam liên tục nhận được danh hiệu “lạc quan, đáng sống, hạnh phúc”.
Những cái chết bất thường
Trong bản phúc trình của Human Rights Watch về vấn đề “Công bất an, những vụ tử vong khi bị tạm giam, giữ và vấn nạn công an bạo hành ở Việt Nam” đưa ra ngày 16/09/2014 đã cho thấy những cái chết “đúng quy trình” liên quan đến công an ngày một nhiều: 2010 (10 trường hợp), 2011 (18 trường hợp), 2012 (10 trường hợp), 2013 (13 trường hợp), 2014 (19 trường hợp). Với vô số lý do “bất thường” khác nhau như: sốc thuốc, do tự tử, do bệnh, bị người lạ đánh…
Sự gia tăng đột biến số người chết bất thường năm 2014 chính là hệ quả của việc chưa kiểm soát được quyền lực của công an trong đời sống chính trị, xã hội, vốn được bàn nhiều vào năm 2013.
Nó đã dẫn đến một thảm trạng là khi sự việc xảy ra, nạn nhân hoàn toàn mất khả năng kháng cự, bị sử dụng nhục hình, tra tấn buộc phải khai, nếu không, sẽ nhanh chóng bị gán ghép vào tội “không khai báo thành khẩn”, dẫn đến tình tiết tăng nặng về sau.
Sau vụ việc, người nhà nạn nhân hoàn toàn bất lực vì mọi yếu tố chứng cứ và hành pháp đều nằm trong tay lực lượng tình nghi “giết người”. Tố cáo công an tới công an cũng không khiến sự vụ giảm đi, bởi ngay cả khi xác định bị lực lượng công an đánh, thì các quyết định khởi tố cũng đi về tội danh “bắt giữ người trái pháp luật” thay vì “tội giết người”.
Không thể chứng minh được, khiến cho các vụ việc “tự tử” tăng nhanh về số lượng, biến tướng hình thức, với mức độ ngày nghiêm trọng. Đồn công an vì thế trở thành một cao điểm đôi co giữa sự sống và cái chết.
Không ngoa khi cho rằng, nạn bức cung, nhục hình của hệ thống công an các cấp trở thành một trong những “biện pháp nghiệp vụ” tối ưu nhất giúp cho “công an Việt Nam có tài phá án giỏi nhất thế giới”, điều mà ông Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền từng tự hào khi trả lời báo Vnexpress.
Do đó, với tình trạng oan sai, và nạn lạm quyền như thế, dù nhu cầu cần phải có sự giám sát bởi một lực lượng độc lập thứ 3. Nhưng bằng nhiều cách khác nhau, các ý kiến nhằm hạn chế sự lạm quyền của công an chỉ “sôi nổi” được lúc đầu, sau đó nhanh chóng “chìm xuồng”.
Quyền im lặng chìm nghỉm
Quyền im lặng – quyền được ghi nhận trong Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 là một trong những biện pháp hữu hiệu ngăn chặn nạn lạm quyền trong phòng giam giữ. Bởi quyền này giúp hạn chế thấp nhất tình trạng bức cung, nhục hình và oan sai. Chưa kể quyền im lặng sẽ xóa bỏ việc buộc tội vô căn cứ. Nhất là trong tình trạng vắng bóng luật sư hoặc luật sư chỉ mang tính làm cảnh trong các vụ án như hiện nay, dẫn đến những vụ án điển hình về việc cán bộ điều tra không tuân thủ đúng quy trình tố tụng như Nguyễn Thanh Chấn hay Lê Bá Mai.
Tuy nhiên, nó (quyền im lặng) lại gặp sự phản đối, trì hoãn của giới tư pháp cấp cao.
Ông Đỗ Văn Đương – Ủy viên thưởng trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Luật sư Phan Trung Hoài – Liên đoàn luật sư Việt Nam, thành viên Tổ biên tập Luật Tố tụng Hình sự sửa đổi trong buổi ghi hình “Sự kiện và Bình luận” (VTV) tháng 9 vừa qua đã cho rằng, quyền im lặng không thể đưa vào trong luật vì sự không nhất thiết của nó. Thậm chí, ông Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội còn khẳng định chắc chắn rằng: “Quyền im lặng khác với quyền bào chữa. Quyền im lặng không phải quyền con người, mà quyền bào chữa mới là quyền cơ bản của người phạm tội trong tố tụng hình sự. Nó nhằm thực hiện chức năng gỡ tội”.
Một số khác tỏ ra “thận trọng” hơn, cụ thể ông Tiến sĩ Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao khi đưa ra lý do điều kiện về cơ sở vật chất, con người (luật sư, năng lực cán bộ) chưa đáp ứng được.
Nó cho thấy có một lực cản “khó hiểu” đối với việc cải cách bộ máy tư pháp, thúc đẩy các quyền dân sự, chính trị cho mỗi người dân. Khiến cho các lời phản đối chỉ tập trung vào yếu tố chủ quan mà bỏ qua tác động khách quan, tác động tích cực của quyền im lặng trong việc buộc các cơ quan tư pháp nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
Trong một bài viết mang tên “Quyền im lặng gây “phiền nhiễu” như thế nào?” của nhà báo Đoan Trang, cô cho rằng, bản thân quyền im lặng dù có gây ra khó khăn cho công tác điều tra, nhưng theo Đoan Trang: “Người ta tin rằng, tìm ra và trừng phạt kẻ có tội là một việc cần thiết và quan trọng – vì công lý; nhưng không kết tội oan, không mớm cung, bức cung, tra khảo, không hành hạ, không xử tử nhầm người vô tội, cũng là vấn đề công lý.”
“Công lý” có lẽ là điều “xa lạ” với chính quyền hiện nay, bởi những lời lẽ phản đối lạc lõng, kỳ lạ đó từ cán bộ cấp cao của bộ máy tư pháp diễn ra khi Việt Nam đã là thành viên Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc (12/11/2013). Biện bạch, từ chối quyền im lặng cũng trái ngược hẳn với Điều 31 (Hiến pháp 2013), khi nó ghi nhận quyền được suy đoán vô tội của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Và họ (người bị nghi ngờ) có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Chưa kể, Điều 10, Điều 56 Bộ luật tố tụng hình sự cũng có quy định “trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”.
Chống nhục hình nửa vời
Tháng 11/2013, Việt Nam ký công ước quốc tế về chống tra tấn, nhưng đúng một năm sau (23/10/2014), Chủ tịch nước mới trình Quốc Hội phê duyệt.
Thế nhưng, “Việt Nam không áp dụng trực tiếp các quy định của Công ước chống tra tấn; việc thực hiện các quy định của Công ước chống tra tấn sẽ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam, trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương với nước khác và nguyên tắc có đi có lại.”
Mặc cho luận điểm đó trái với Công ước, Luật ký kết công ước quốc tại tại khoản 1 điều 6: ”Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế”.
Dù rằng, chính quyền vẫn một luận điệu “đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền con người cơ bản ở Việt Nam”.
Chính cái thái độ “nửa vời”, áp dụng Công ước Quốc tế theo kiểu Việt Nam như thế đã khiến cho những kỳ vọng về các biện pháp kỹ thuật trước mà trong cuộc họp Ủy ban Tư pháp năm 2013 nhiều ý kiến đã nêu như lắp đặt camera, tăng hình phạt cho điều tra viên dùng bức cung nhục hình, quy định trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan điều tra… cũng chỉ là sôi nổi cho lấy lệ, chứ không thể nào đưa vào áp dụng thực chất.
Trong khi đó, về phía đơn vị chủ quản là Bộ Công An, thay vì nhanh chóng có các biện pháp ngăn chặn lạm dụng quyền lực trên tính mạng người dân, bộ này lại tìm cách gia tăng thêm quyền cho khu vực công an xã, phường thông qua dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự… nhằm mục đích trợ giúp công an khu vực này tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu. Bởi theo đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Công An, ông Trương Quốc Hưng cho biết: “Công an xã, phường… là nơi gần dân nhất”.
Quan điểm đó khiến cho các đại biểu Quốc Hội, chuyên gia lẫn người dân… e ngại. Bởi ngoài yếu tố tiêu cực trong việc bao che tội phạm đối với hệ thống công an khu vực này, sự phình to của bộ máy hành pháp, thì những cái chết bất thường, khó tin trong đồn công an ngày một tăng trong thời gian gần đây cũng đem lại nhiều sự nghi ngại.
Thanh gươm, cái khiên chế độ
Rõ ràng, việc “ủng hộ ngầm” thông qua bác bỏ Quyền im lặng, thực hiện Công ước quốc tế chống tra tấn nửa vời, không đốc thúc các biện pháp kỹ thuật trong hạn chế nạn lạm quyền của lực lượng công an đối với người dân cho thấy một thái độ thiếu rõ ràng, thiếu nhất quán lẫn sự minh bạch trong cam kết tiến trình đáp ứng dân chủ cho người dân ở những người đứng đầu bộ máy chính trị hiện nay. Nếu không muốn nói rằng, các hoạt động của chính quyền, lời nói của lãnh đạo trong cam kết dân chủ đối với người dân cũng chỉ là một “biện pháp tạm thời”, mang tính “cơ sở pháp lý quan trọng” dùng để “đấu tranh chống luận điệu vu cáo, xuyên tạc về việc tra tấn, ngược đãi phạm nhân của các thế lực thù địch”, như ông Trần Văn Hằng, chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc Hội khẳng định hơn là để thúc đẩy các quyền cơ bản đến với người dân.
Qua đó, dù không chối bỏ các Công ước quốc tế trong việc thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam, nhưng bộ máy lãnh đạo hiện nay vẫn thừa sự dối trá, lươn lẹo trong vấn đề thực hiện các cam kết quốc tế theo kiểu “cho có” thông qua việc áp đặt “chuẩn Việt Nam”.
Nó cũng cho thấy lực lượng công an vẫn là một công cụ mang tính giai cấp nhiều hơn là lực lượng bảo vệ người dân, khi mà các vấn đề đặc quyền, đặc lợi của lực lượng này không được kiềm soát, mà ngược lại còn tìm cách gia tăng để đảm bảo sự trung thành, sống chết với chế độ trong thời điểm, yếu tố tuyên truyền gần như bị phá sản.
Do đó, ngoài yếu tố cho phép “thế tục” của những ai phục vụ trong ngành thì gần đây nhất, năm 2013, Nghị định số 87/2013/NĐ-CP quy định chế độ chính sách đối với gia đình, thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong Công an Nhân dân (có hiệu lực ngày 14/09/2013).
Đồng thời, số tướng bên Công an trong những năm gần đây tiếp tục tăng lên, như là một sự đảm bảo tránh hiềm tỵ với bên quân đội, ngay như năm 2013, đã có thêm 8 tướng (trong đó có ông Đỗ Hữu Ca, Giám Đốc Công An Hải Phòng).
Cách thức đối với lực lượng công an của chính quyền hiện nay không khác so với thời kỳ mạt vận của Thái Bình Thiên Quốc (Trung Quốc), khi Hồng Tú Toàn thực hiện việc thăng quan, phong tước cho nhiều người nhằm mục đích thu phục nhân tâm. Tuy nhiên, kết quả chỉ tạm thời, còn hệ quả là dẫn đến trạng các tướng lĩnh xưng hùng xưng bá ở nơi cứ địa của mình.
Theo thói thường, một khi đã là kiêu binh, tất sẽ có mâu thuẫn, và nổi loạn. Hiện nay, mâu thuẫn giữa người dân với lực lượng công an, song song với tính kiêu binh của lực lượng công an ngày một lớn.
Liệu rằng, bài học về nạn kiêu binh “cậy quyền”, khiến cả cơ nghiệp cơ nghiệp Lê – Trịnh (thế kỷ XVII – XVIII) đi vào đống đổ nát có đem lại cảm giác gì đó đối với các vị Đại biểu Quốc Hội nói chung và “tứ trụ” hiện nay?