VNTB – Ban Chỉ đạo COVID-19: Dù có dịch hay không vẫn phải tổ chức thi tốt nghiệp

VNTB – Ban Chỉ đạo COVID-19: Dù có dịch hay không vẫn phải tổ chức thi tốt nghiệp

Mai Lan

(VNTB) – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định kỳ thi tốt nghiệp THPT là hoạt động tập trung đông người, đồng loạt trên cả nước, nên những nơi đang thực hiện giãn cách xã hội, những thí sinh thuộc diện F1 không thể đến thi được.

Tuy nhiên không rõ cuộc họp vào chiều ngày 2-8 có ý kiến tạo ngộ nhận nào không, khi trên báo Tuổi Trẻ có kết luận rằng:

“Các chuyên gia giáo dục và thành viên Ban Chỉ đạo nhấn mạnh yêu cầu phải bảo đảm tổ chức kỳ thi an toàn, công bằng. Theo đó, dù có dịch hay không có dịch thì vẫn phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp, nên căn cứ vào tình hình dịch, đến sát ngày thi đối với địa phương không được tụ tập đông người, có nguy cơ cao (hiện nay là Đà Nẵng, Quảng Nam) có thể tạm hoãn và tổ chức thi vào đợt sau, còn các địa phương khác vẫn phải thực hiện thi tốt nghiệp bình thường”. (1)

Tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương chiều 2-8 bàn giải pháp phòng chống dịch Covid-19, theo tường thuật cũng trên báo Tuổi Trẻ, thì:

“Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định kỳ thi tốt nghiệp THPT là hoạt động tập trung đông người, đồng loạt trên cả nước, nên những nơi đang thực hiện giãn cách xã hội, những thí sinh thuộc diện F1 không thể đến thi được.

“Phải nhìn vào bản chất câu chuyện xét đặc cách tốt nghiệp hay không để bàn, vận dụng luật. Với các cháu không có nguyện vọng vào đại học hoặc đã được trường đại học xét tuyển thì có thể công nhận tốt nghiệp. Nhưng có những cháu muốn vào các trường cần xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp thì phải tính kỹ”, ông Đam nói.

Phó thủ tướng cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ ‘ngày mai Chính phủ họp phải trình văn bản về việc này vì sai một câu chữ thành câu chuyện cho xã hội tranh luận’. (2)

Thử giả định rằng trong văn bản của ông Phùng Xuân Nhạ trình Chính phủ, khẳng định ‘vẫn thi theo lịch trình thông báo là từ ngày 8-8 đến ngày 10-8’, thì các nơi sẽ phải chuẩn bị ra sao để phòng ngừa dịch Covid đang ở giai đoạn lây nhiễm cộng đồng rất nhanh, và bắt đầu gây chết người tại Việt Nam?

Đơn cử tại TP.HCM, nơi được đánh giá là có hệ thống y tế hữu hiệu nhất nhì quốc gia, thì trước tiên nhà chức trách nơi đây phải giải quyết được tối thiểu các câu hỏi sau đây:

Một, với thời gian ủ bệnh bình quân là 14 ngày, vậy cần làm sao để xác định thí sinh nguy cơ tiềm ẩn virus corona trong người?

Hai, trong trường hợp như thông báo mới đây của chính quyền quận 12 (TP.HCM), đã ban hành quyết định cách ly chung cư 28 ngày, nếu sau 14 ngày tất cả cư dân chung cư Thái An 2B đều âm tính thì sẽ giải tỏa, nếu có ca bệnh sẽ tiếp tục phong tỏa thêm 14 ngày.

Như vậy, các thí sinh hiện ở chung cư Thái An 2B thì phải thi tốt nghiệp ra sao? Lưu ý về thông báo vào chiều ngày 2-8 của Bộ Y tế về ca bệnh thứ 600, nữ, 7 tuổi, Thăng Bình, Quảng Nam. Yếu tố dịch tễ ghi nhận, bệnh nhân 599 và bệnh nhân 600 là cháu ngoại của bệnh nhân 522; bệnh nhân 523 là con của bệnh nhân 561. Các bệnh nhân đều là cùng một gia đình.

Giả dụ, nếu có thí sinh nào đó đã bị nhiễm Covid nhưng không có biểu diện nào ra ngoài vào phòng thi từ các buổi chiều ngày 8 và các buổi sáng – chiều khác ở ngày tiếp theo 9 và 10-8, thì nguy cơ lây lan sẽ ở mức ra sao?

Ba, cũng thắc mắc tương tự như ở một và ba, chỉ khác từ ‘thí sinh’ bằng ‘cán bộ coi thi’, thì liệu tình huống của tình cảnh như ở hai sẽ được khoanh vùng dịch tễ có dễ dàng hay không?

Về nguyên tắc, F1 là ca có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân Covid-19, phải cách ly và chỉ có bác sĩ hay nhân viên y tế điều trị được tiếp cận. Làm sao phân công thầy cô giáo vào coi thi chung với các F1 hay với các F2 cũng vậy?

Quan trọng hơn, nhiều địa phương đang yêu cầu người dân cách ly xã hội; nhiều nơi khác áp dụng biện pháp giãn cách xã hội – các điểm thi tập trung hàng trăm, hàng ngàn thí sinh là sai với nguyên tắc cách ly hay giãn cách.

Thí sinh dù không phải là F1, F2 cũng không nên để phơi nhiễm rủi ro lây lan khi cả xã hội đang nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh.

Ý kiến của người viết, nếu các quan chức biện minh cần phải có kỳ thi tốt nghiệp dùng để tuyển sinh đại học, thì để công bằng cho mọi học sinh, cần phải tổ chức thi như nhau, giả dụ có một địa phương như Đà Nẵng không thi được cũng không ổn; còn thi chỉ để xét tốt nghiệp thì nên bỏ hẳn; các trường sẽ tự xét dựa trên kết quả học tập của học sinh.

__________________

Chú thích:

(1) https://tuoitre.vn/ban-chi-dao-covid-19-du-co-dich-hay-khong-van-phai-to-chuc-thi-tot-nghiep-20200802165310222.htm

(2) https://tuoitre.vn/bo-truong-phung-xuan-nha-de-xuat-thi-tot-nghiep-thpt-lam-2-dot-2020080215591941.htm

***

Bài học Vũ Hán

Việt Nam cũng đã bước vào giai đoạn mới, “bắt đầu bước vào làn sóng thứ hai”. “Làn sóng thứ nhất đã kết thúc và đạt đỉnh dịch vào 30-3, lúc đó cả nước có 178 người nhiễm. Đợt này cả nước đã có 214 người nhiễm. Như vậy số người nhiễm lần này đã cao hơn đỉnh dịch lần thứ nhất”, Bí thư Thành ủy TP.HCM nói và cho rằng đây là tình huống rất mới.

“Sắp tới có nguy cơ gì không? Hiện chúng ta không có đủ thông tin để dự báo, nhưng từ đồ thị của đất nước, chúng tôi dự báo từ 23 đến 30-8 là nguy cơ, nếu không có giải pháp quyết liệt sẽ đạt ngưỡng 10 người nhiễm/1 triệu dân, cả nước sẽ có 970 người điều trị trong bệnh viện. Nếu không làm quyết liệt, thì sau thời gian vàng 30 ngày sắp tới, ta sẽ vào diện cả quốc gia có dịch. Chúng ta đang có nguy cơ trong 30 ngày tới nên cần có chủ trương quyết liệt”, ông Nhân khuyến cáo.

Ông Nhân dẫn lời quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cho biết lây nhiễm ở Đà Nẵng đã diễn ra âm thầm khoảng 2 tháng nay, và cho rằng số bệnh nhân được phát hiện do xét nghiệm, chứ các ca bệnh vẫn nằm sẵn trong cộng đồng. Do đó, “nên đề nghị Đà Nẵng áp dụng biện pháp cao nhất”.

“Cao nhất là thế nào? Kinh nghiệm quốc tế, cụ thể ở Vũ Hán, thì khi xảy ra dịch ở mức cao nhất lúc đầu họ yêu cầu tất cả gia đình ở nhà, 1 ngày thì chỉ được 1 người đi chợ 1 lần. Sau một thời gian, họ không cho đi chợ nữa, mà chuyển sang giao nhận thực phẩm tại nhà”, ông Nhân nêu rõ thêm.

Vấn đề thứ 2 đặt ra với Đà Nẵng và cả nước, theo ông Nhân, là phải tính tới năng lực cách ly.

“TP.HCM có kinh nghiệm cứ 1 người nhiễm thì phải cách ly 280 người liên quan. Nếu áp dụng số này cho Đà Nẵng, hiện có 100 người nhiễm thì cần 28.000 chỗ cách ly ở các cấp. Rõ ràng không thể có chỗ cách ly cho 28.000 người. Đà Nẵng đang cho xây dựng bệnh viện dã chiến ở trung tâm thể thao với 1.000 chỗ, nhưng so với số người 28.000 thì rất nhỏ bé. Từ đó, phải coi cách ly ở gia đình là quan trọng nhất. Xin đề nghị Bộ Y tế có nghiên cứu, hướng dẫn về cách ly gia đình”.

(Trích các phát biểu của ông Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp chiều 2-8 của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các địa phương).

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)