Trong cuộc họp báo sau khi kết thúc đợt kiểm tra kéo dài một tuần, bà Adele Benzaken, trưởng phái đoàn của Tổ chức Y tế toàn châu Mỹ (PHO – chi nhánh tại châu Mỹ của WHO), đã xác nhận tính chính xác trong các thống kê mà Bộ Y tế Cuba về chỉ số trên và cho biết sẽ chuyển hồ sơ đề nghị WHO công nhận thành tựu chăm sóc sức khỏe này của đảo quốc Caribe.
Phái đoàn gồm 24 thành viên của PHO/WHO đã tiến hành kiểm tra đồng bộ các bệnh viện, trạm xá, phòng nghiên cứu và các cơ sở y tế khác tại thủ đô La Habana và các tỉnh Villa Clara và Santiago trước khi đi đến kết luận trên.
Theo quy định của WHO, một nước được công nhận loại bỏ được truyền nhiễm giang mai từ mẹ sang con nếu hạn chế được tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc bệnh dưới 0,05% trên tổng số các bà mẹ mắc bệnh này.
Đối với trường hợp HIV, tỷ lệ trẻ nhiễm virus này phải ít hơn 2% trong số các bà mẹ mang virus chết người này.
Bên cạnh đó, tỷ lệ phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV và tỷ lệ điều trị thuốc kháng retrovirus trên tổng số phụ nữ mang thai có xét nghiệm dương tính với hai loại virus trên đều phải đạt trên 95%; cũng như một số tiêu chí về thông tin thống kê và cảnh báo về nguy cơ của các loại bệnh này. Đoàn chuyên gia cho biết Cuba đã thỏa mãn tất cả các tiêu chí này.
Bà Benzeken cũng nhấn mạnh châu Mỹ là khu vực duy nhất đề ra mục tiêu kép là loại bỏ truyền nhiễm giang mai-HIV qua đường mẹ con, vì đây là hai quá trình có quan hệ chặt chẽ với nhau, trong khi các khu vực khác hiện vẫn chỉ chú trọng tới mục tiêu loại bỏ truyền nhiễm HIV đơn thuần, và thành tựu của Cuba sẽ là một khích lệ lớn với quan điểm y tế của châu Mỹ./.