Hôm nay 1-2, đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) Myanmar do bà Aung San Suu Kyi làm chủ tịch chính thức tiếp quản vị trí đứng đầu chính phủ Myanmar khi quốc hội mới của nước này bắt đầu làm việc sau hai tháng kể từ chiến thắng vang dội của NLD trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015.
Myanmar bước vào kỷ nguyên mới khi lần đầu tiên có một quốc hội do dân bầu thực sự nhưng vị trí của bà Aung San Suu Kyi trong chính phủ mới vẫn chưa rõ. Ảnh: EPA |
Theo CNN, đây được xem là ngày lịch sử sau 26 năm kể từ lần bà Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo tại cuộc bầu cử quốc hội năm 1990 nhưng kết quả không được công nhận.
Hãng tin AFP cũng ghi nhận, phiên họp đầu tiên của quốc hội mới của Myanmar hôm nay cũng mở ra một kỷ nguyên mới cho Myanmar khi một quốc hội dân chủ nhất trong nhiều thế hệ ra mắt.
Ngày 29-1, trên trang web của mình, Tổng thống vừa mãn nhiệm Thein Sein – cựu tư lệnh quân đội – cam kết các thành viên trong chính phủ cũ sẽ hợp tác với chính phủ mới để mang lại hòa bình và phát triển cho đất nước. Ông Thein Sein nói: “Bất cứ điều gì đã được thực hiện trong 5 năm qua đều nhằm mục tiêu khôi phục hòa bình và ổn định cho đất nước”.
Mặc dù là Chủ tịch NLD nhưng bà Suu Kyi không thể trở thành tổng thống do Hiến pháp Myanmar (được cho là do quân đội soạn thảo và đã tính đến trường hợp bà Suu Kyi) quy định những người có con cái là công dân nước ngoài không được làm tổng thống. Trong khi đó, cả hai con trai lớn của bà Suu Kyi đều là công dân Anh. Nhưng trước cuộc bầu cử năm 2015, bà Suu Kyi từng nói nếu đảng NLD chiến thắng, bà sẽ còn giữ cương vị “cao hơn cả tổng thống”.
Hiện, chưa rõ đảng NLD sẽ đề cử ai giữ cương vị tổng thống Myanmar.
Những người ủng hộ bà Suu Kyi và đảng NLD hy vọng trong bối cảnh những chính sách hà khắc còn lại của luật pháp quân đội, đảng NLD sẽ giải quyết thành công vấn đề nhân quyền tại Myanmar. Tuy nhiên, vẫn còn những ngờ vực về lập trường của bà Suu Kyi trong việc giải quyết vấn đề của tộc người thiểu số Rohingya. Myanmar không công nhận người thiểu số Rohingya là công dân nước này và cản trở họ tiếp cận với cơ hội việc làm, đi lại, dịch vụ y tế, giáo dục khiến nhiều người Rohingya phải liều mình vượt biên trên những con thuyền ọp ẹp của các nhóm buôn người.
Myanmar: Những thách thức còn lại
Mặc dù đảng NLD chiếm đa số ghế, với 390 ghế trong tổng số 664 ghế lưỡng viện Quốc hội Myanmar, nhưng quân đội vẫn nắm giữ 25% ghế và đảng đối lập Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) vốn được sự hậu thuẫn của quân đội còn nắm 42 ghế; do đó sẽ gây khó khăn nếu đảng cầm quyền muốn sửa đổi hiến pháp.
Chủ tịch đảng NLD , bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: AFP |
Nhiều nghị sĩ chưa có kinh nghiệm
Quốc hội mới của Myanmar đánh dấu một bước biến chuyển chính trị quan trọng đối với một đất nước bị đặt dưới sự quản lý của chính quyền quân sự trong nhiều thế kỷ.
Nhiều tân nghị sĩ của đảng NLD từng phải ngồi tù trong cuộc đấu tranh dài đằng đẳng vì tiến trình dân chủ ở Myanmar. Họ đến từ nhiều tầng lớp xã hội bao gồm cả doanh nhân, luật sư và ca sĩ. Ít người trong số họ có kinh nghiệm tranh luận trong quy trình nghị viện phức tạp của Myanmar.
Họ cần chứng tỏ với 51 triệu người dân Myanmar rằng có họ thể mang lại “sự thay đổi” như thông điệp kêu gọi của lãnh đạo đảng NLD bà Aung San Suu Kyi trong cuộc vận động tranh cử.
Đó là điều không phải dễ dàng, AFP nhận định. Chỉ có khoảng hơn 20 nghị sĩ đảng NLD bao gồm bà Suu Kyi có kinh nghiệm nghị trường. Để trang bị kiến thức cho các tân nghị sĩ, trong những tuần gần đây, đảng NLD đã tổ chức các buổi tập huấn cho họ.
Nhà thơ, nhà hoạt động chính trị kiêm biên tập viên Tin Thit là một trong hàng trăm tân nghị sĩ dự buổi tập huấn cuối cùng về hoạt động của quốc hội hôm 30-1 ở thủ đô Naypyidaw. Gạt đi những lo ngại về việc thiếu kinh nghiệm của mình và các đồng nghiệp, ông nói: “Đây là kỷ nguyên mới của chúng tôi. Đây là trách nhiệm của chúng tôi. Chúng tôi sẽ làm công việc mà chúng tôi phải làm”. Ông Tin Thit, với tư cách là ứng cử viên của đảng NLD tại một quận ở thủ đô, đã bất ngờ vượt lên đối thủ là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Myanmar Wai Lwin để giành ghế tại Hạ viện trong cuộc tổng tuyển cử năm ngoái.
Thách thức phía trước
Mặc dù chính quyền quân sự đã chuyển giao quyền lực cho chính phủ cải cách bán dân sự vào năm 2011, Myanmar vẫn còn chìm ngập trong tình trạng nghèo khó và tham nhũng.
Di sản của chính quyền quân sự là nền giáo dục, hệ thống y tế, cơ sở hạ tầng xơ xác cũng như bộ máy hành chính yếu kém. Quốc hội và chính phủ mới sẽ đối mặt với nhiều thách thức bao gồm cải thiện nền kinh tế, ứng phó với các cuộc xung đột sắc tộc đang gây ra những rạn nứt sâu sắc khắp đất nước và các cuộc nội chiến vẫn tiếp tục tàn phá các khu vực biên giới.
Bà Cing Ngaih Mang, tân nghị sĩ đến từ một đảng đại diện cho dân tộc thiểu số ở bang Chin (phía tây Myanmar), cảm thấy choáng ngợp trước vẻ hoành tráng của thủ đô Naypyidaw. Bà nói: “Khu vực chúng tôi sống là một thế giới khác. Khác biệt về phát triển là một trời một vực”.
Với một quốc hội mới do đảng NLD thống lĩnh, chính phủ của bà Aung San Suu Kyi coi như đã bảo đảm được ủng hộ chính thức nhưng các vận động chính trị phức tạp vẫn đang chờ ở phía trước.
Quốc hội Myanmar sẽ đề cử tân tổng thống để thay thế cho Tổng thống Thein Sein vào cuối tháng 3 tới.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ bà Suu Kyi sẽ ngồi vào vị trí nào trong chính phủ mới. Bà bị cản trở ngồi vào ghế tổng thống vì hiến pháp hiện nay do quân đội lập ra cấm công dân Myanmar có người hôn phối và con cái mang quốc tịch nước ngoài lên làm tổng thống. Người chồng quá cố và hai con trai của bà đều mang quốc tịch Anh.
Sau khi đảng NLD thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử, bà Suu Kyi tuyên bố rằng bà sẽ “đứng trên cả tổng thống”, một động thái có thể đặt bà vào tình thế đối đầu với quân đội. Để thay đổi hiến pháp, cần có ít nhất 75% số phiếu ủng hộ của Hạ viện. Khả năng đó hầu như không thể xảy ra vì ngoài 25% số ghế tại Hạ viện, quân đội Myanmar còn có sự ủng hộ của các nghị sĩ đảng USDP.
Theo tờ Telegraph (Anh), có những thông tin đồn đại rằng quân đội Myanmar có thể nhất trí bỏ điều khoản trong hiến pháp ngăn cản bà Suu Kyi làm tổng thống để đổi lại một số nhượng bộ khác từ bà. Các trợ lý thân cận của bà Suu Kyi đang bí mật đàm phán với các lãnh đạo của quân đội về việc phân chia quyền lực trong hai tháng qua nhưng cả hai bên không tiết lộ thông tin cụ thể.
Hiện nay, nhiều nhà phân tích cho rằng kịch bản khả dĩ nhất là bà Suu Kyi sẽ chỉ định một trợ lý tín cẩn làm tổng thống “bù nhìn” trong khi bà mới là người điều hành đất nước thực sự như lời bà tuyên bố là “đứng trên tổng thống”.
Tuy nhiên, nhà phân tích chính trị Larry Jagan, cựu biên tập viên của Đài truyền hình BBC, lưu ý rằng giải pháp này sẽ làm bực tức quân đội Myanmar vốn đã quen với cấu trúc kiểm soát và chỉ huy rõ ràng và không đánh giá cao động thái lách hiến pháp để nắm quyền lực của bà Suu Kyi.
Ông Larry Jagan nói: “Đàm phán giữa bà Suu Kyi và tổng tư lệnh quân đội Myanmar vẫn đang tiến triển chậm nhưng một thỏa thuận chia sẻ quyền lực thực sự dường như có khả năng xảy ra”.
Theo TBKTSG