Ngày nay có hơn 100 triệu người sử dụng internet ở Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc vừa yêu lại vừa ghét nó. Một mặt, internet là công cụ để kiếm tiền. Mặt khác, chuyên chính cộng sản lại sợ tự do ngôn luận.
Internet đã hồi sinh những tư tưởng trong lòng người Trung Quốc. Điều này gây lo ngại cho chính quyền nên họ chú trọng rất nhiều đến việc kiểm duyệt internet nhằm cố gắng duy trì sự kiểm soát về tư tưởng.
Vào tháng Mười năm 1999 tôi về nhà sau khi mãn hạn ba năm tù. Trong nhà có chiếc máy tính và hầu như bạn bè ai đến thăm cũng đều khuyên tôi nên dùng nó. Tôi thử một vài lần nhưng lòng cảm thấy mình chẳng viết được điều gì khi ngồi trưóc một chiếc máy vô tri cho nên tôi cứ đòi viết bằng bút máy thường. Dần dần, dưới sự thuyết phục kiên nhẫn và chỉ dẫn của bạn bè, tôi bắt đầu làm quen với máy tính và giờ thì không tài nào dứt ra nổi. Là người sống bằng cây bút, và là người tham gia phong trào dân chủ năm 1989, tôi thật khó mà diễn tả lòng biết ơn của mình đối với internet.
Bài viết đầu tiên của tôi trên máy tính mất đến cả tuần lễ khiến nhiều lúc tôi muốn bỏ cuộc dở chừng. Song nhờ sự khích lệ của bạn bè, cuối cùng tôi cũng viết xong. Lần đầu tiên, tôi gởi bài đi qua điện thư. Chỉ vài giờ sau tôi nhận thư trả lời từ nguời biên tập. Qua điều này tôi ý thức được sự kỳ diệu của internet.
Do sự kiểm duyệt ở trong nước, các bài viết của tôi chỉ có thể được đăng ở nước ngoài. Trước kia khi chưa dùng máy tính, các bài viết tay của tôi thường khó sửa và cái giá gởi bài đi thường cao. Để tránh cho các bài viết khỏi bị đón chặn, tôi thường đi từ phía tây của thành phố đến phía đông nơi tôi có người bạn nước ngoài có máy fax.
Internet giúp ta tiếp cận thông tin, liên lạc với thế giới bên ngoài và gởi bài cho các cơ quan truyền thông ở nước ngoài dễ dàng hơn. Tựa như một cỗ máy thần kỳ, nó làm cho các bài viết của tôi tuôn trào ra dễ dàng như ta lấy nước từ giếng lên. Internet là một kênh thông tin mà các nhà độc tài Trung Quốc không thể nào kiểm duyệt hoàn toàn được, cho phép người dân lên tiếng và liên lạc, và nó tạo ra một diễn đàn cho sự tổ chức tự phát.
Những thư ngỏ kèm chữ ký của các cá nhân hay của tập thể là một cách quan trọng đối với người dân để chống lại chế độ độc tài và đấu tranh cho tự do. Thư ngỏ của Vaclav Havel gởi cho nhà độc tài Tiệp Khắc Husak là một trường hợp tiêu biểu của sự phản kháng dân sự đối với chế độ độc tài.
Phương Lệ Chi, nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng, đã viết một thư ngỏ gởi Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo Trung Quốc, để yêu cầu thả người tù chính trị Ngụy Kinh Sinh. Sau thư ngỏ này còn có hai thư ngỏ khác, được ký bởi 33 và 45 người. Ba thư ngỏ này được xem như là khúc dạo đầu cho phong trào dân chủ năm 1989, là lúc khi các thư ngỏ xuất hiện nhiều như măng mọc sau cơn mưa để ủng hộ các sinh viên biểu tình.
Vào thời đó việc tổ chức viết một thư ngỏ tốn rất nhiều thời gian và công sức. Nào là phải chuẩn bị trước cả tháng trời, rồi phải tìm ra các người tổ chức để họ đi tìm mọi người. Chúng tôi bàn luận về nội dung lá thư, về câu chữ, thời điểm, rồi phải mất đến vài ngày mới đạt đến sự nhất trí chung. Sau đó chúng tôi phải lặn lội đi tìm nơi để đánh máy lá thư ngỏ đã chép tay sẵn và rồi sao ra một vài bản. Sau khi đọc sửa thư xong đến chuyện mất thời gian nhất là đi thu thập các chữ ký. Vì chính quyền đang nghe lén điện thoại của các người nhạy cảm, chúng tôi phải đạp xe đi tỏa ra khắp hướng của Bắc Kinh.
Trong thời đại không có internet, thật chẳng có cách nào thu thập được chữ ký của vài trăm người, và cũng chẳng có thể nào phổ biến rộng rãi nhanh chóng tin tức ra khắp thế giới. Vào thời đó, tầm ảnh hưởng và sự tham gia trong các cuộc vận động viết thư cũng rất hạn chế. Chúng tôi làm việc ròng rã trong nhiều ngày song cuối cùng chỉ có được mấy chục người ký tên. Các phong trào viết thư trong thời đại mới này đã đạt được sự tiến bộ đáng kể và bất ngờ.
Sự dễ dàng, tính chất công khai, và tự do của internet đã khiến công luận trở nên rất sôi động trong những năm gần đây. Chính quyền có thể kiểm soát báo chí và truyền hình, nhưng nó không thể kiểm soát internet. Chính quyền hiện nay phải công bố thông tin và các viên chức có thể phải xin lỗi công khai.
Viên chức cấp cao đầu tiên xin lỗi diễn ra trong năm 2001 khi Chu Dung Cơ, lúc đó là thủ tướng, đã xin lỗi về một vụ nổ tại một trường học đã khiến 41 người thiệt mạng. Đồng thời, dưới tác động của dư luận trên mạng, nhà cầm quyền phải trừng phạt các viên chức vì đã để xảy ra bệnh dịch SARS, các tai nạn hầm mỏ và vụ ô nhiễm sông Tùng Hoa.
Internet có khả năng phi thường là tạo ra các ngôi sao. Không chỉ nó tạo ra các ngôi sao giải trí, mà nó cũng tạo ra “các anh hùng nói thật”. Nó cho phép một thế hệ trí thức mới xuất hiện và tạo ra những anh hùng dân gian chẳng hạn như bác sĩ quân y Tưởng Ngạn Vĩnh (là người công khai cảnh báo về mối đe dọa của bệnh dịch SARS và buộc chính quyền phải hành động).
Những người Trung Quốc theo đạo Thiên Chúa nói rằng mặc dù những người Trung Quốc không có ý thức nào về tôn giáo, đức Chúa của họ nhất định không bỏ rơi nhân dân Trung Quốc đang gánh chịu đau khổ. Internet là món quà Chúa ban cho Trung Quốc. Nó là công cụ tốt nhất cho nhân dân Trung Quốc đang mơ ước vất đi sự nô lệ và đạt đến tự do.
Theo The Times
1 comment
Chúa nhất định không bỏ rơi nhân dân Trung Quốc đang gánh chịu đau khổ. Internet là món quà Chúa ban cho Trung Quốc. Chúa cũng không bỏ rơi nhân dân VN, VN mong TQ có dân chủ để VN được dân chủ.