Việt Nam Thời Báo

Kê khai tài sản rồi làm gì sau đó?

Nhân kỷ niệm 12 năm ngày ký kết Công ước chống tham nhũng của Liên hiệp quốc, đọc báo thấy họp hành, hội thảo rôm rả chuyện kê khai tài sản. Song, đọc kỹ cũng mới chỉ thấy than “khó” là chính, kiểu “sức mấy mà… khai cho hết!”.


Chuyện bà mẹ ở quê bất ngờ có mấy chục tỉ đồng để mua biệt thự bên bờ biển – như mẹ của Huỳnh Thị Huyền Như – nhưng các cơ quan bảo vệ pháp luật đành “bó tay” vì luật hiện hành không buộc họ phải kê khai và có trách nhiệm giải trình tài sản mà Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Đình Quyền đề cập tại hội thảo quốc tế diễn ra tuần rồi ở Quảng Ninh cũng chỉ là một thí dụ tiêu biểu cho tình hình mà báo chí gọi là con “tham”, mẹ “hưởng” và pháp luật “bó tay”…

Hậu quả là “nếu rải một triệu bản kê khai tài sản thì sẽ có chiều dài từ Hà Nội đến Đà Nẵng, nhưng sự đồ sộ này chẳng nói lên điều gì. Thậm chí, có thành viên Ủy ban Tư pháp chúng tôi nói rằng vì biện pháp quá hình thức, không có tác dụng gì thì nên bỏ đi, bởi thực hiện thì tốn kém tiền của Nhà nước, mất công kê khai để rồi những bản kê khai ấy cũng chỉ là giấy lộn”, ông Quyền nói (Tuổi Trẻ 12-12-2015).

Quả là một thực tế chua chát mà lẽ ra không phải đợi đến hết 12 năm ký Công ước chống tham nhũng chúng ta mới đem ra than với nhau! Lẽ ra đã phải bàn bạc chi tiết từng điều khoản của công ước ngay từ khi vừa ký rồi. Thật đáng buồn khi “Việt Nam là quốc gia tích cực tham gia soạn thảo và ký kết” (theo trang web trường Đại học Kiểm sát Hà Nội) song lại cứ lẹt đẹt ở tốp cuối danh sách cảm nhận tham nhũng hàng năm. Hậu quả là sau 12 năm vẫn nghe than: “Hàng triệu bản kê khai nhưng chỉ vài người bị phát hiện không trung thực, và nhức nhối hơn là qua kê khai tài sản phát hiện những khối tài sản lớn không giải trình được nguồn gốc mà không làm được gì”, ông Quyền nói. Trong thực tế, cách ứng xử với yêu cầu kê khai tài sản hiện nay là cứ làm cho có, rủi bị phát hiện, cùng lắm cũng chỉ bị khiển trách, còn tài sản đó vẫn là của mình.

Mười hai năm đã là quá đủ để tập trung bàn từng chi tiết chuyện kê khai tài sản xong làm gì. Nếu muốn, chỉ cần mời một số chuyên gia trong lĩnh vực này ở các nước sang báo cáo cho tới khi nào hiểu rõ, chứ đâu cần hết đoàn này tới đoàn khác rủ nhau đi từ Singapore qua Hàn Quốc… để “học tập kinh nghiệm chống tham nhũng”. Chỉ cần ngồi ở nhà, gõ mấy chữ tiếng Anh bồi “asset disclosure” (kê khai tài sản), là có thể biết ở các nơi, một khi muốn thực sự phòng và chống tham nhũng thì kê khai không chỉ để kê khai cho có (đúng tinh thần công ước) hay để “niêm phong” trong tủ sắt, mà là để đích thực ngăn ngừa tham nhũng (và trừng trị nếu có) bằng cách công khai các kê khai.

Ở những nước này, việc kê khai tài sản đã trở thành một tập quán xã hội hoàn toàn khác với xứ ta. Bắt đầu là kê khai tài sản tiền-hôn nhân nhằm sau này lỡ có ly dị còn có thể “của ai nấy giữ”, rồi thì kê khai thu nhập và tài sản trong hôn nhân mà vợ, chồng nếu dối trá với nhau, sẽ bị tuyên phạt. Có những trang như “divorce.net” (ly dị) còn hăng hái chỉ bảo …“làm thế nào tìm ra các tài sản bị giấu giếm!”. Từ tập quán kê khai như là chuyện thường tình đó, việc công khai cũng “nhẹ nhàng” được thực thi, chẳng phải “phùng mang trợn má” vì sợ “gây mất ổn định” gì! Từ tập quán kê khai tài sản vì chính lợi ích của cá nhân mà việc kê khai và hậu kiểm đã trở nên dễ dàng, các cơ quan hữu trách cứ căn cứ theo “gia phả” từng người mà kiểm tra.

Thành ra, thay vì chờ đến 20 năm để “kiểm kê tài sản toàn dân” như đề xuất của một quan chức, hãy tổ chức lại việc kê khai tài sản của các quan chức, kiểm tra xác thực và công khai như ở các nước (*). Ai mà chẳng biết hễ muốn làm là được mà không muốn là không được! n

(*)Trên trang web Nhà Trắng Mỹ, người ta có thể xem “thường trực” bản kê khai của mọi công chức trong tòa nhà quyền lực đứng đầu này.

Theo TBKTSG

Tin bài liên quan:

VNTB – Tập Cận Bình kêu gọi niềm tin chống tham nhũng

Phan Thanh Hung

VNTB – Tiêu diệt báo chí

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam sẽ xuất khẩu ‘cách chống tham nhũng’?

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo