Kinh tế tư nhân Việt: ‘Tạo điều kiện’ hay ‘Tôi kiệt sức rồi!’?

Phan Thúc Hoàng
(VNTB) – Báo Tuổi Trẻ từng đăng tải về góc nhìn của KTTN, một bức tranh đầy ảm đạm với tiêu đề “Teo tóp DNTN: Tôi kiệt sức rồi!”, trong đó chỉ ra, nhiều doanh nghiệp khu vực này nhận phải sự thờ ơ trong chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Kinh tế tư nhân (KTTN) Việt Nam là câu chuyện dài kỳ, đầy biến động trong mô hình thể chế Việt Nam, nơi luôn xác định kinh tế nhà nước là chủ đạo.

Báo QĐND trong trung tuần tháng 1/2015 lại lên tiếng bảo vệ quan điểm “nhà nước không đối xử bất công” với loại hình kinh tế này thông qua bài viết “Việt Nam đang tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển.”

Và để chứng minh cho luận điểm này, báo dẫn chứng “nhiều ông chủ tư nhân vẫn đang giàu lên nhanh chóng”, trong đó, lấy thống kê của Công ty Cổ phần chứng khoán Vndirect, năm 2014 trên sàn chứng khoán Việt Nam đã xuất hiện thêm 80 “triệu phú đô-la”. Trong đó, báo liệt kê ra những người giàu có nhất như ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai…, dẫn đến kết luận “Như vậy, có thể thấy các ông chủ tư nhân của Việt Nam vẫn đang có xu hướng giàu lên khá nhanh.”

Tuy nhiên, những ông chủ tư nhân giàu lên trông thấy đó cũng chỉ quanh quẩn HAGL và tập đoàn Vingroup, và tất nhiên cả hai giàu lên từ khai thác tài nguyên có sẵn, một bên là bất động sản, một bên là tài nguyên rừng. Và 100 người giàu nhất không chứng minh được rằng, nhà nước ưu ái cho KTTN, nhất là thực tế khốc liệt đã và đang diễn ra đối với loại hình kinh tế này.
‘Tôi kiệt sức rồi!’

Vai trò của khu vực KTTN là rất lớn, nhất là trong công nghiệp phụ trợ. Bản thân khu vực kinh tế này đóng vai trò quan trọng: tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo… Cụ thể hơn, về lao động, hàng năm tạo thêm trên nửa triệu lao động mới; sử dụng tới 51% lao động xã hội (trong khi tỷ lệ lao động trong khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chỉ chiếm dưới 10% tổng số lao động), tạo 60% việc làm cho xã hội và góp phần cùng với doanh nghiệp vừa và nhỏ, đóng góp hơn 40% GDP, chiếm 44% trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR 500 – 2014)… và là khu vực dẫn đầu về hiệu quả sử dụng vốn với việc bỏ ra 3,28 đồng vốn đã tạo ra 1 đồng giá trị tăng (hệ số ICOR).

Vai trò thì lớn, nhưng khu vực kinh tế này nhận được những gì trong cơ chế hỗ trợ? Báo Tuổi Trẻ từng đăng tải về góc nhìn của KTTN, một bức tranh đầy ảm đạm với tiêu đề “Teo tóp DNTN: Tôi kiệt sức rồi!”, trong đó chỉ ra, nhiều doanh nghiệp khu vực này nhận phải sự thờ ơ trong chính sách hỗ trợ của nhà nước. Cụ thể, dù nằm trong cùng một bối cảnh chung là sự khủng hoảng kinh tế từ năm 2008 đến nay, nhưng DNNN lại tiếp cận dễ dàng hơn các gói cứu trợ và biện pháp giải cứu nền kinh tế do chính phủ đưa ra (được hậu thuẫn tối đa), còn so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thì khối DNTN yếu thế hơn về nguồn lực tài chính và sự hỗ trợ (chống lưng bởi tổ chức, hiệp hội ngành nghề của nước họ; và cả trong chính sách ưu ái từ phía Nhà nước Việt Nam, về thuế, phí, đất đai…).

Do đó, dù chiếm 44% trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR 500 – 2014), nhưng tổng doanh thu lại ở mức thấp nhất, với 18,6% tổng doanh thu toàn bảng xếp hạng. So với VNR 500 năm 2013 thì tỉ lệ doanh thu lại giảm 0,8%. Trong khi đó, tỷ lệ nợ/tổng tài sản của khối DNTN trong nước đang ở mức cao nhất, trên 67%. Chưa kể, xét về tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA), khối DNTN trong nước có hệ số ROA trung bình đạt 5,7%, đồng nghĩa với mỗi 100 đồng tài sản sẽ tạo ra chưa đến 6 đồng lợi nhuận. Đây cũng là mức thấp nhất so với khối doanh nghiệp FDI (13%) và khối DNNN (6,2%).

Đặt cạnh doanh nghiệp FDI và DNNN, có thể thấy rằng, điểm mấu chốt mà DNTN gặp phải, và là nguyên nhân của nhiều vụ phá sản trước tác động của khủng hoảng kinh tế lẫn hạn chế trong cạnh tranh, chính là thiếu vốn và khả năng tiếp cận vốn vay (không có tài sản đảm bảo để thế chấp khi đi vay, chịu sức ép của thủ tục hành chính phức tạp, tốn kém; thể chế hỗ trợ thị trường hoạt động kém hiệu quả, bị đối xử bất công bằng trong hành chính: thuế, phí, ưu đãi đất đai).

Trong Báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam (tháng 12/2014) của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra, có 30% các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được vốn từ ngân hàng, 70% còn lại phải sử dụng vốn tự có hoặc vay từ nguồn khác (trong số này có nhiều doanh nghiệp vẫn phải chịu vay ở mức lãi suất cao 15 – 18%). Điều này làm giảm sức đề kháng của khu vực KTTN đối với các rủi ro kinh tế (chung) đem lại. Nghĩa rằng, dù sự “tự thân vận động” bấy lâu nay của khối DNTN có được đem lại nhiều hiệu quả và tạo nên nét đặc trưng của khối này, nhưng trong cơ chế hỗ trợ thiên về lý thuyết, DNTN đồng thời cũng luôn đặt mình trong thế “tự sinh tự diệt”.

Tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu vào tháng 9/2014, Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa – Cao Sỹ Kiêm thừa nhận, khu vực tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có được hỗ trợ để tham gia vào tiến trình tái cơ cấu kinh tế.

“Nâng đỡ thực sự”?

Tác giả bài báo QĐND khẳng định cơ chế vẫn đang nâng đỡ khối DNTN, trong đó, Đảng đã cho phép đảng viên làm KTTN, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để KTTN “phát triển mạnh” trong Văn kiện Đại hội XI, cụ thể hóa qua Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Phá sản, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công… Và quan trọng hơn, quá trình cổ phần hóa DNNN được tác giả xem như là giải pháp cho vấn đề được nhắc đến nhiều là tương quan thiếu cân bằng giữa DNTN và DNNN.  

Nhưng trong thực tế thì thế nào? Theo TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dù Hiến pháp (và các luật có liên quan) quy định môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các khối doanh nghiệp (FDI, nhà nước, tư nhân), tuy nhiên, trên thực tế, sự phân biệt lại thể hiện khá rõ. Một bộ phận lớn các doanh nghiệp ngoài nhà nước là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chưa thực sự được đối xử bình đẳng với khối DNNN, doanh nghiệp FDI (như đã đề cập trên). Mặc dù có số lượng áp đảo tại Việt Nam, nhưng phần lớn DNTN bị lấn át từ phía các doanh nghiệp FDI, DNNN và doanh nghiệp lớn có mối quan hệ thân quen (chính quyền). Và chính quyền thường có xu hướng tập trung mọi nỗ lực vào thu hút đầu tư nước ngoài, trong khi đó những quy định về thủ tục hành chính được áp dụng một cách nặng nề như nhau cho tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô lớn nhỏ, các chính sách hỗ trợ DNNVV là có nhưng thiếu đồng nhất, chưa giảm thiểu được những thủ tục này (nhất là thủ tục thuế).

TS. Phạm Thị Thu Hằng cũng cho rằng, tác động của quá trình tái cấu trúc DNNN đến khu vực tư nhân là tạo thêm nguồn lực cho sự phát triển của khu vực này. Nhưng trong thực tế cho thấy vẫn tồn tại  sự “lấn sân” của các DNNN đối với khu vực tư nhân, trong khi đáng ra, DNNN chỉ nên có mặt ở những lĩnh vực quan trọng có vai trò quyết định và làm cơ sở cho sự phát triển các ngành kinh tế khác. Đó là những ngành kinh tế đòi hỏi một khoản đầu tư lớn và lâu dài, cần có “lực kéo” của nhà nước thông qua các tổng công ty, tập đoàn kinh tế NN…

Như vậy, về mặt lý thuyết văn bản là có “hỗ trợ”, nhưng trong thực tế, thì khối DNTN phải tự mình bươn chải (theo đúng nghĩa), chưa kể sức ép (sự cạnh tranh thiếu lành mạnh dựa vào sự bổ trợ tối đa của cơ chế ở DNNN).

Theo dự báo, tương lai, khu vực DNTN sẽ gia tăng mạnh phần đóng góp ngân sách và GDP, trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng trong nền kinh tế. Để thực sự cho thấy sự hỗ trợ của nhà nước đối với khối DNTN thì ngoài ban hành Luật doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, thì cần có chính sách rõ ràng nhằm giảm thiểu chi phí gia nhập thị trường và kích cầu, thông qua tăng cường đào tạo nhằm cải thiện các kỹ năng quản lý và thái độ tích cực của các cơ quan nhà nước đối với các hoạt động của khu vực kinh tế này; giảm tính phi chính thức của khu vực hộ kinh doanh cá thể; triển khai các công cụ tài chính: các sản phẩm phù hợp của các tổ chức tín dụng/ngân hàng, các quỹ đầu tư tư nhân; mở rộng khả năng đáp ứng của Chính phủ trong huy động các nguồn lực công và tư… Từng bước sát cánh với khu vực KTTN trong việc khắc phục chất lượng nguồn nhân lực thấp, chất lượng quản trị điều hành doanh nghiệp, chiến lược, định hướng kinh doanh lâu dài…
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)