Mua điện từ Trung Quốc giá cao làm méo mó thị trường?

EVN đã mua 0,56 tỷ kWh điện từ Trung Quốc sau 4 tháng đầu năm 2015, trong khi sản lượng điện dự kiến sẽ mua cả năm là 1,8 tỷ kWh.


Sản lượng điện mua từ Trung Quốc đạt hơn 31%

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Công Thương, trong 4 tháng đầu năm 2015 sản lượng điện sản xuất và mua của EVN ước đạt 47,9 tỷ kWh, điện mua từ Trung Quốc chiếm 1,17%, tương đương 0,56 tỷ kWh. Trong khi dự kiến cả năm 2015 lượng điện phải mua từ Trung Quốc là 1,8 tỷ kWh.

Như vậy lượng điện mua từ Trung Quốc đã đạt hơn 31% so với mục tiêu đã đặt ra từ đầu năm.

Việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mua điện từ Trung Quốc đã từng gây bức xúc trong dư luận, một số ý kiến cho rằng EVN đang “tự làm khó mình” khi duy trì việc mua điện từ Trung Quốc với giá cao khi công suất nhà máy trong nước đang có xu hướng thừa điện.

Phản hồi về vấn đề này, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN từng cho biết, việc mua điện của các nước ngoài biên giới là chuyện “rất bình thường” với doanh nghiệp ngành điện thậm chí nguồn điện từ Trung Quốc rất quý với Việt Nam thời điểm bắt đầu ký hợp đồng vì nếu không có EVN sẽ phải tiết giảm điện với quy mô tương đối lớn.

Ngoài ra, lãnh đạo của EVN cũng cho biết, thời gian tới đây nhờ “liên kết lưới điện ASEAN”, EVN có thể tận dụng công suất điện dư thừa từ những nhà máy của Campuchia, Lào, Thái Lan.

“Hào phóng” mua điện Trung Quốc làm méo mó thị trường

Trao đổi với BizLIVE, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho biết, hợp đồng mua bán điện của EVN với Trung Quốc có cam kết về số lượng, bao tiêu với số lượng cụ thể nếu không mua sẽ bị phạt, thậm chí ngay khi thừa điện ở Việt Nam thì vẫn phải nhập từ Trung Quốc với giá điện ngày càng tăng rõ ràng xét trên góc độ kinh tế Việt Nam quá thua thiệt và yếu thế trong quan hệ hợp đồng.

GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội

“Tình trạng này kéo dài, khi mà hợp đồng hàng năm đã như thế thì chúng ta không thể cứ tiếp tục đàm phán mua điện của Trung Quốc theo hợp đồng dài hạn với hình thức trên, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và cho cả các nhà máy điện nội địa”, ông Đào cảnh báo.

Ông Đào cho rằng, thực tế hiện nay, các nhà máy điện nội địa ngoài EVN với giá điện thấp hơn nhiều so với giá điện của Trung Quốc muốn tham gia “thị trường điện cạnh tranh” cũng rất khó vì yêu cầu của EVN quá cao.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, việc EVN “hào phóng” mua điện từ Trung Quốc với giá cao làm méo mó thị trường điện vốn đã độc quyền lâu nay.

Trong cuộc trao đổi mới đây, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai, ông Vũ Ngọc Cử cũng từng cho biết, EVN mua điện của Trung Quốc giá cao hơn mua từ các nhà máy thủy điện trong nước, sự bất hợp lý này đã được phản ánh lên Bộ Công thương nhưng quyền thuộc về Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan Trung ương.

“Chúng tôi thấy có sự bất hợp lý giữa giá mua điện bên ngoài với trong nước chỉ biết nêu kiến nghị còn quyền thuộc về Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan Trung ương”, ông Cừ nói.

Theo Tâm An (Bizlive)

TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)