Việt Nam Thời Báo

Nguy cơ “tụt” lại phía sau Campuchia về nông nghiệp

Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn Đặng Kim Sơn cho rằng, kinh tế đã có tín hiệu ổn định và bắt đầu có xu thế mới, nhưng tình hình tăng trưởng của nông nghiệp liên tục giảm trong 5 năm nay, năm 2015 thậm chí còn thấp nhất, thực sự là hiện tượng rất không bình thường.


Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) cho biết, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2015 theo giá so sánh 2010 ước tính đạt 858.4 nghìn tỷ đồng, tăng 2.62% so với năm 2014, tuy nhiên thấp hơn so với mức tăng các năm gần đây (năm 2014 tăng 4%, năm 2013 tăng 3.6%, năm 2012 tăng 3%).
Trong lĩnh vực nông nghiệp, trồng trọt có mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ năm ngoái (+1.56%). Lĩnh vực trồng trọt đạt mức tăng trưởng thấp so với các năm gần đây chủ yếu do sản lượng một số cây trồng năm 2015 đạt mức tăng thấp, như: Lúa tăng 0.5%, ngô tăng 1.5%, sắn 2.5%.
Trong khi đó, xuất khẩu gạo năm 2015 của Việt Nam đạt 6.59 triệu tấn với giá trị khoảng 2.8 tỷ USD, tăng 4% về khối lượng nhưng lại giảm 4.5% về giá trị so với năm 2014. Giá gạo xuất khẩu bình quân năm 2015 đạt 425.6 USD/tấn, giảm 8.2% so với năm 2014.
Nếu không cẩn thận, nông nghiệp Việt Nam sẽ thua cả Campuchia
Theo số liệu thống kê, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong năm 2015 với 30.65% thị phần. Tuy nhiên so với năm 2014, đã có những cái tên mới xuất hiện, nổi bật trong đó là thị trường Indonesia với mức tăng gấp 2.05 lần về khối lượng và tăng 77.1% về giá trị, vươn lên vị trí thứ ba về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 9.5% thị phần.
Trong khi đó, các thị trường truyền thống khác của Việt Nam đã có dấu hiệu suy giảm mạnh. Theo thống kê, các thị trường có sự sụt giảm đột biến là Phillipin (giảm 14.1% về khối lượng và giảm 21.9% về giá trị), Singapore (giảm 32.6% về khối lượng và giảm 31.9% về giá trị), Hồng Kông (giảm 26.9% về khối lượng và giảm 35.2% về giá trị) và Hoa Kỳ (giảm 26.3% về khối lượng và giảm 21.7% về giá trị).
Lúa gạo được sản xuất trong nước nhưng mức hấp thụ của nội địa còn quá thấp và vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sẽ dẫn đến hệ quả là sự bị động trong khâu điều hành, giá cả sẽ chịu sự chi phối từ nhu cầu của các nước nhập khẩu.
“Nông nghiệp Việt Nam chết không phải do không giảm thuế, không hỗ trợ mà do không tạo được điều kiện để đẩy sản phẩm vào thị trường trong nước” – ông Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ trưởng Thương mại – Cố vấn cấp cao về hội nhập của Chính phủ, nhận định trong Hội thảo công bố Báo cáo kinh tế Việt Nam 2015 do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức cuối tháng 1/2016.
Như với mặt hàng lúa gạo, ông Tuyển cũng đưa ra giả thiết, nếu Indonesia và Phillipin tích trữ được lương thực hoặc đời sống cao lên để không ăn gạo từ Việt Nam thì sản xuất lúa gạo Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng rất lớn. Dẫn chứng thêm về điều này nguyên Bộ trưởng Thương mại cho biết, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu gạo có chất lượng thấp (gạo 25% tấm) sang 2 nước này theo đường Chính phủ, nếu như mất thị trường cực lớn ở 2 nước này trong khi không thể tiêu dùng trong nước sẽ dẫn đến những tác động rất nguy hiểm cho nền sản xuất lúa gạo.
Ngay trên “sân nhà”, theo ông Trương Đình Tuyển, thậm chí nếu không cẩn thận Việt Nam sẽ thua cả Campuchia về nông nghiệp.
Câu chuyện “thua” ngay trên sân nhà đối với lúa gạo, khi gạo Campuchia, gạo Thái Lan được ưu chuộng tại thị trường Việt Nam đã không còn là chủ đề mới. Thậm chí ngay tại những vựa lúa lớn nhất như Đồng bằng Sông Cửu Long, gạo Việt Nam cũng lép vế hoàn toàn so với các sản phẩm đến từ nước láng giềng.
Hình minh họa (Nguồn: Internet).
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng tại hội thảo này nhận xét, Việt Nam đã quá chú tâm vào các chính sách hỗ trợ thị trường lúa gạo mà bỏ quên các loại nông sản khác, đồng thời cũng không quan tâm đến nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Dẫn chứng đơn giản nhất là ngay cả tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, gạo từ Thái Lan hay Campuchia đang dần chiếm lĩnh thị trường nhờ chất lượng cao hơn và an toàn hơn, lấn át cả gạo Việt Nam trên chính vựa lúa quan trọng nhất.
“Gạo Việt Nam giờ thua Campuchia về chất lượng, mình chỉ hơn về số lượng. Trong khi đó, gạo Việt Nam thua gạo Thái Lan về cả chất lượng và giá cả, cạnh tranh hàng giá rẻ thì không thể nào bằng được Ấn Độ. Riêng thị trường Châu Phi rộng lớn đã do gạo Ấn Độ chiếm lĩnh hoàn toàn do giá của họ thấp hơn giá gạo Việt Nam. Thành ra gạo Việt Nam hiện tại đang rất chơi vơi” – Bà Lan kết luận.

“Đại gia” đầu tư vào nông nghiệp chỉ là hiện tượng
Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn Đặng Kim Sơn cho rằng, để giải quyết vấn đề này, việc đầu tiên cần làm là mở thị trường, bao gồm cả thị trường trong nước và thị trường nước ngoài.
“Chúng ta có một ít xoài chuẩn bị bán thử sang Nhật, một ít vải xuất được sang Úc… Tất cả những cái đó là tín hiệu, khả năng nhưng sau khi đưa thông tin lên các phương tiện truyền thông, vỗ tay xong thì chúng ta không có phương án tiếp theo để đẩy mạnh xây dựng chuỗi giá trị này. Đó là chưa kể tới các mặt hàng có thế mạnh như lúa gạo, cà phê, hạt tiêu…” – ông Đặng Kim Sơn chia sẻ.
Khâu thứ hai cần đột phá là về khoa học công nghệ. Theo ông Sơn, mới đây, thông tư liên bộ về khoa học công nghệ đã được làm xong, đó sẽ là giải pháp để giải quyết vấn đề làm sao để áp dụng vào thực tế, để thực sự các cơ quan, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các cơ quan khuyến nông có động lực để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
“Bây giờ đất hết rồi, nước hết rồi, lao động không có, trong khi vốn thì hạn chế, chỉ còn có khoa học công nghệ thôi. Đây là cái đã có trên thị trường rồi, chỉ cần đưa vào cuộc sống thôi” – ông Sơn nhận xét.
Theo đó, chỉ có mở cửa thị trường để nông sản có thể đi ra bên ngoài với chi phí thấp nhất, mở cửa khoa học công nghệ để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mới là những biện pháp rẻ tiền nhất, thời gian ngắn nhất có thể làm được mà hoàn toàn chỉ là vấn đề về thể chế. Nếu không làm được điều này thì không thể thay đổi được tình hình về lâu dài.
Nhận định về trào lưu đầu tư vào nông nghiệp của hàng loạt các doanh nghiệp lớn thời gian qua, ông Sơn chia sẻ: “Chúng ta vừa qua rất là phấn khởi khi nghe thông tin các đại gia đầu tư vào nông nghiệp rất ồ ạt, nhưng số liệu thống kê cuối năm tổng kết lại thì tình hình đầu tư vào nông nghiệp vẫn không thay đổi. Hóa ra đây chỉ là hiện tượng chứ không phải là tình hình thực tế. Rốt cuộc, đã không có một làn sóng đầu tư thực sự vào nông nghiệp như các đại gia thể hiện”.
Ở góc nhìn khác, Nguyên Bộ trường Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, đứng trước ngưỡng cửa hội nhập với các hiệp định thương mại tự do sẽ có hiệu lực trong thời gian tới, để tận dụng được điều này phải giải quyết được các vấn đề về tiêu chuẩn trong sản xuất, mà yếu tố quyết định là doanh nghiệp phải đóng vai trò hạt nhân trong tất cả các mặt xích của chuỗi giá trị về nông nghiệp, từ sản xuất – bảo quản – chế biến – tiêu thụ. Tuy nhiên, hiện tại có 2 vấn đề cản trở điều này là các doanh nghiệp không có khả năng tích tụ đất đai (việc xây dựng các nông trường mẫu lớn là điều bất khả thi với doanh nghiệp hiện tại do chưa có cơ chế pháp lý phù hợp) và cơ chế bảo hiểm cho nông nghiệp quá rủi ro.
Ông Tuyển cho rằng, cơ chế bảo hiểm cho nông nghiệp hiện tại rất rủi ro, bởi việc đầu tư vào nông nghiệp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố mang tính khó dự báo như thời tiết. Vì vậy, để giảm thiểu điều này cần thiết phải thay đổi cơ chế, theo đó các doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp sẽ giữ lại toàn bộ phần lợi nhuận trước thuế và sẽ lập quỹ dự phòng sử dụng trong những trường hợp đột biến./.

The VietStock

Tin bài liên quan:

VNTB – Ai mới đang ‘mù’?

Phan Thanh Hung

Cải cách chính sách thị trường lúa gạo: Nông dân “đứng” ở đâu?

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội ra sao khi đang tư bản hóa nông nghiệp?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.