Đây là con số so sánh trên cơ sở nợ tính theo USD, nếu quy đổi toàn bộ nợ sang VND, đến cuối năm 2013, dư nợ Chính phủ tăng 70,4%; tổng trả nợ trong kỳ tăng hơn 113% so với cuối năm 2010.
Đối với nợ được Chính phủ bảo lãnh, đến cuối năm 2013, dư nợ đạt hơn 396.113 tỷ đồng, tăng 75,3% so với cuối năm 2010. Tính theo USD, dư nợ được Chính phủ bảo lãnh đến cuối năm 2013 tương đương 18,83 tỷ USD, trong đó nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh là 8,96 tỷ USD.
Về trả nợ gốc và lãi trong kỳ, đến cuối năm 2013, trả nợ gốc và lãi trong kỳ của nợ Chính phủ đạt mức gần 8,9 tỷ USD, tăng 89% so với cuối năm 2010, bằng 12,3% tổng dư nợ; nợ gốc và lãi của nợ được Chính phủ bảo lãnh đạt mức 3,8 tỷ USD, tăng 1008% so với cuối năm 2010, bằng 20,36% tổng dư nợ.
Cùng với tốc độ tăng nợ nhanh chóng trong 4 năm qua, dư nợ Chính phủ so với thu ngân sách cũng tăng từ 157,9% lên 184,4%.
Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Tài chính, nợ công so với GDP năm 2013 là 54,2%GDP thấp hơn năm 2010 (56,3%); nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP và nợ Chính phủ so với GDP năm 2013 cũng thấp hơn năm 2010; đồng thời nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu NSNN đã giảm từ mức 17,6% năm 2010 xuống 15,2% năm 2013.
Về tương lai nợ công, trước đó, tại nghị trường Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cho biết: nợ công của nước ta đến cuối năm 2014 là 60,3% GDP và theo kế hoạch đến năm 2016 sẽ tăng lên mức cao nhất là 64,9% GDP, các năm sau đó sẽ giảm dần, đến năm 2020 còn khoảng 60,2% GDP, nằm trong giới hạn quy định an toàn cho phép là không quá 65% GDP. Đồng thời chúng ta đã có kế hoạch và đã trả nợ đầy đủ, đúng hạn, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2014 khoảng 14,2% (theo quy định là không quá 25%).
>>>Toàn văn nội dung phát biểu về nợ công của Thủ tướng Chính phủ