Việt Nam Thời Báo

Nông dân bị bức tử bởi những giải pháp của lãnh đạo?

Tường Vân

(Blue)


Cách đây không lâu, để tìm đường cho cá tra xuất ngoại, lãnh đạo Hiệp hội Cá tra Việt Nam nói: “Muốn xuất khẩu cá tra phải học tiếng Trung, bỏ qua Anh, Nhật”. Nay để giải cứu thịt lợn “rẻ như rau” thì Cục trưởng Cục Chăn nuôi bảo: “phải trông đợi láng giềng Trung Quốc”. Điều này làm cho người ta tự hỏi là nông dân hay lãnh đạo, sở ban ngành đang phụ thuộc vào Trung Quốc? Bộ Nông nghiệp có vai trò gì và lúc người dân cần thì họ đang ở đâu?

Người nông dân chân lấm tay bùn, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” chỉ mong được vụ mùa bội thu, cuộc sống đỡ vất vả hơn, thế nhưng cứ đến khi được mùa là lại rơi vào cảnh mất giá. Cảnh này diễn ra không phải một hai lần, mà hầu như năm nào cũng lặp lại khiến bà con nông dân điêu đứng. Chỉ 4 tháng đầu năm nay, đã có hàng loạt nông sản liên lục rớt giá, thương lái không thu mua khiến nông dân ở các tỉnh Quảng Nam, Hải Dương, Quảng Ngãi, Đà Lạt…rơi vào cảnh khó khăn, túng quẫn. Khi được hỏi nguyên nhân, thì tất cả các câu trả lời nhận được từ các sở ban ngành là do nông dân quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Bất lực trước cảnh “được mùa mất giá” người đổ lỗi tại nông dân, người chạy sang Trung Quốc cầu cứu, Bộ Nông nghiệp đang ở đâu?
Mới đây giá lợn hơi trong cả nước chạm đáy trong vòng 30 năm qua, bà con các tỉnh thành trong cả nước lao đao vì giá cân thịt lợn không mua nổi cân táo Tàu. Theo Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam giá lợn đang tiếp tục đà giảm sâu trong cả nước. Giá lợn hơi ở ĐBSH, Đông Nam Bộ, ĐBSCL giao động từ 22.000-28.000 đồng/kg với mức giá này, tính ra cứ một con lợn từ 70-100kg bà con lỗ khoảng 1.000.000 đồng. Tính đến thời điểm này, trong cả nước có khoảng 29.6 triệu con, nếu tính chỉ tính trong tổng số này là 1/4 lợn có cân nặng từ 70-100kg thì có khoảng 7 triệu con được bán ra, người chăn nuôi cả nước thua lỗ đến 7.000 tỷ đồng.

Trao đổi với PV về nguyên nhân lợn rớt giá ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN – PTNT) cho biết: “…do bà con phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc”. Ông Chinh cũng cho biết hướng giải quyết là: “đã cử một đoàn công tác do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu sang làm việc với Trung Quốc để xúc tiến thương mại…hy vọng…Trung Quốc sẽ chấp nhận thịt lợn của Việt Nam, mở ra cơ hội để giải quyết dư thừa trong nước, cũng như phát triển ngành chăn nuôi”.


Nên nhớ một điều trước khi trách người dân quá phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc thì nên hỏi tại sao Bộ Nông nghiệp không có giải pháp giúp cho người dân thoát Trung?
Còn nhớ trước đó, để tìm đường cho cá tra Việt xuất ngoại lãnh đạo Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết: “Muốn xuất khẩu cá tra phải học tiếng Trung, bỏ qua Anh, Nhật”. Lạ một điều là tại sao xuất khẩu cá liên quan gì đến học tiếng Trung. Thế nhưng câu trả lời là do Trung Quốc ăn cá tra Việt nhiều nhất thế giới nên phải học.

Tại sao để giải cứu cá tra, thịt lợn…lại chỉ trông đợi vào thị trường Trung Quốc, các thị trường khác thì sao? Thế trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Bộ Công thương là gì, sao không quy hoạch và định hướng cho người dân. Giúp bà con biết thị trường đang cần gì, để biết mà đầu tư, rồi hướng dẫn hỗ trợ kỹ thuật…để nâng cao chất lượng sản phẩm để xuất khẩu sang thị trường các nước như Âu, Mỹ thay vì hết năm này đến năm khác lay hoay năn nỉ TQ “cứu vớt” nông sản Việt Nam. Lúc dân cần nhất định hướng thì những bộ ngành này đang ở đâu, sao bỏ mặc người dân tự bơi không có phương hướng? Việc nội bộ trong nhà mà không giải quyết được lại mang sang nhà hàng sớm nhờ giải quyết dùm, thì liệu mình có còn giữ được vai trò chủ đạo nữa hay không?

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh. Ảnh: Hiếu Công.
Chao ôi, ở đâu ra cái kiểu nước nào ăn nông sản Việt nhiều thì người dân phải đi học ngôn ngữ nước đó, bữa nay TQ ăn cá tra nhiều học tiếng Trung, sang năm nước Nhật ăn nhiều lại học thêm tiếng Nhật, biết đâu ý kiến này lại hay, giúp người nông dân biết thêm nhiều thứ tiếng nhỉ?

Khi thành thục các thứ tiếng ở các thị trường ưa chuộng hàng Việt. Liệu các bác nông dân còn làm nông nữa hay không? Nếu thế thì căng quá, lương của các vị lãnh đạo chắc phải cắt giảm bớt một phần, vì tiền lương của các vị là do nông dân bán từ trái dưa hấu, từ cân thịt, từ con cá tra… đóng góp vào mà. Từ việc đưa ra các giải pháp giải quyết của các sở ban ngành dư luận đặt ra câu hỏi, nông dân hay lãnh đạo đang phụ thuộc vào TQ? Giải pháp của các vị chẳng khác nào bức tử người nông dân?

Trong khi, bà con nông dân cực khổ tạo ra sản phẩm, đến vụ thu hoạch thì mất giá hoặc bị thương lái o ép. Thế nhưng cả Bộ Nông nghiệp, Bộ Công thương, hay các cơ quan có thẩm quyền họ không biết hay cố tình không biết? Nếu không giải quyết được gánh nặng cho bà con nông dân thì để người khác lên thay thế, chứ ngồi hưởng lương từ tiền thế của dân mà đứng nhìn dân lao đao khổ sở không giúp được gì thì có đáng? Nên nhớ một điều trước khi trách người dân quá phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc thì nên hỏi tại sao Bộ Nông nghiệp không có giải pháp giúp cho người dân thoát Trung?

Mà đến lãnh đạo Bộ Nông nghiệp cũng phải cầu cứu TQ để giải quyết vấn nạn này thì cũng đủ hiểu tại sao nông sản Việt mãi trong vòng lẩn quẩn. Tư duy nhiệm kỳ còn tồn tại thì sẽ đưa người dân đến cảnh lầm than, đe dọa an ninh lương thực quốc gia, phụ thuộc vào việc nhập khẩu nông sản TQ. Nên nhớ chơi với TQ bao giờ cũng có tính chất đánh bạc đỏ đen được ăn cả, ngã về không….

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo