Tiêu thụ hành tím đang là nỗi ám ảnh lớn của bà con nông dân. Ảnh: T.L |
Đua nhau làm và cùng đua nhau chết
Dành gần một nửa thời gian phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ KHĐT nói rất thật về tình hình nông nghiệp. Đó là các DN caosu “thực sự buồn ra mặt” khi giá giảm từng ngày, và nhiều nơi người dân bắt đầu chặt cây caosu. “Ở Tây Nguyên, Sơn La, Điện Biên đã phát động trồng caosu rất mạnh mẽ, đến giờ vẫn chưa được thu hoạch mà giá thì đã rớt đến mức không thể bán được như thế này. Vậy thì chúng ta sẽ ăn nói thế nào với bà con?”.
Đó là cây thanh long, diện tích quy hoạch tại Bình Thuận là 15.000ha nhưng nông dân thấy lợi nên đua nhau trồng, đến nay, diện tích đã tăng tới 22.000ha và sẽ còn tiếp tục tăng lên. “Làm như vậy sao chẳng ế thừa?” – Bộ trưởng Vinh than thở và ông “thẳng toẹt”: “Nông dân của ta có phong trào đua nhau làm và cùng đua nhau chết”.
Và đó là gạo với “mức xuất khẩu hằng năm khoảng 7,7 triệu tấn” vậy mà hết quý I năm nay, kết quả xuất khẩu quá thấp với 3 điểm vướng mắc. Mắc từ số lượng nhiều nhưng chất lượng quá kém. Mắc về sức cạnh tranh. Và Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói thật rằng: “Nếu mất thị trường Trung Quốc, chúng ta mất nơi tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam (2 triệu tấn/năm)”. Rằng “nếu mỗi năm cứ tiếp tục sản xuất 7-8 triệu tấn gạo thì không biết bán đi đâu”.
Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh. Ảnh Kỳ Anh |
ĐBQH Trần Du Lịch nói đầy cay đắng về một nền nông nghiệp “tạm gọi là sản xuất thừa, kể cả trong nước và xuất khẩu”. Ông Trần Du Lịch chỉ ra điểm yếu chết người của sản xuất nông nghiệp là “không thích nghi với hội nhập, bán cái ta có chứ không phải bán cái người ta cần”. Lấy ví dụ câu chuyện cây mắc ca đang được phát triển ào ạt ở Tây Nguyên, ông Lịch bình luận nền nông nghiệp gần như tự phát hết, để nông dân tự làm.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Đức Kiên nhìn nhận câu chuyện “dưa hấu Quảng Ngãi, hành tím Sóc Trăng, mía tím Hòa Bình” ở điều mà ông gọi là “bản chất vấn đề”: Hàng chục tấn dưa chuyển từ Quảng Ngãi ra Lạng Sơn, không phân loại từ đầu nguồn, dưa chất lượng kém thì làm sao mà bán được? Có phải thực chất Trung Quốc gây khó khăn cho ta hay không? Theo ông, phê bình người khác thì dễ nhưng nhìn giải pháp thì quá khó, thì lại không hề đơn giản!
Không thể dự báo và những “điệp khúc buồn”
Tại đoàn Hà Nội, ĐBQH Nguyễn Thị Nguyệt Hường gọi điệp khúc được mùa mất giá là “điệp khúc buồn” và đặt ra hàng loạt câu hỏi về vai trò trách nhiệm của Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT, của chính quyền địa phương trong vấn đề thị trường, phát triển thị trường, trong việc định hướng quy hoạch cây trồng, vật nuôi. Bà Hường cảnh báo rằng việc giúp nông dân mua dưa hấu, hành tím chỉ là giải pháp tình thế chứ không hề căn cơ.
Vấn đề tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nói “đừng đổ lỗi cho người nông dân, trước hết trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý”. Nhưng theo ông, “đương nhiên người nông dân có một phần trách nhiệm” bởi nếu những sản phẩm thực hiện như quy hoạch, không có biến động nhiều về sản lượng thì sẽ không có chuyện tăng đột biến, nhu cầu tiêu thụ và lượng hàng hóa dư thừa sẽ không quá chênh lệch.
Đối với dưa hấu, Bộ trưởng Hoàng cho rằng đây là loại cây ngắn ngày, “bà con trồng xen vụ thì làm sao mà quy hoạch được?. Và vì thế cũng không thể dự báo được năm nay bao nhiêu người trồng, diện tích bao nhiêu. Cũng theo ông, thị trường chính là Trung Quốc thì dung lượng bến bãi tiếp nhận cũng có hạn, mỗi ngày chỉ 300-400 xe nên nhiều khi quá tải, lại không có hợp đồng ký trước, mang sang mới phân loại nên có tình trạng ách tắc. “Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn thị trường rất quan trọng, nhưng nằm ngoài dự báo đôi khi có những rủi ro” – ông kết luận.
4 nhà “đồng sàng dị mộng”
Nhưng vấn đề rõ ràng nhất của nông nghiệp là không có giải pháp. Hay nói đúng hơn là có giải pháp nhưng không thực hiện được, nhưng không có hiệu quả. ĐBQH tỉnh Nam Định Nguyễn Anh Sơn nhìn nhận điều mà ông gọi là “câu chuyện muôn thuở”: Cái khó, cái khổ, cái vất vả của nông dân năm nào cũng diễn ra, năm nào cũng diễn ra như năm nào mà không khắc phục được.
Đó là giá đầu ra nông sản luôn thấp, bấp bênh và đầu vào là vật tư nông nghiệp luôn ngất ngưởng. Đó là được mùa mất giá. Đó là sự “yếu thế” của người sản xuất. Và đó là các giải pháp chưa có gì là trọng tâm, trọng điểm. Quanh đi quanh lại vẫn là “tái cơ cấu”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển cũng nhìn thấy vấn đề ở chỗ “Quy hoạch có vấn đề”, tức là quy hoạch theo đơn vị hành chính, thiếu liên vùng, thiếu khả năng tiếp cận thị trường, thiếu quảng bá, cung cấp thông tin thị trường. “Quyết định trồng cây gì, nuôi con gì là ở nông dân, nhưng họ không biết thị trường cần gì vì thiếu thông tin”.
Theo ông Hiển, ngay cả cái mà chúng ta hay nói là “4 nhà” thì thật ra cũng chỉ là “đồng sàng dị mộng”: Ông khoa học thì nghiên cứu cái nông dân không cần. Ông doanh nghiệp thì đưa ra những cái không gắn bó với nông dân. Ông nông dân thì hôm nay đồng ý, mai bỏ… Trong khi đó, chính sách thì vừa dàn trải, vừa nặng bao cấp; KHCN chưa thực sự vào nông nghiệp; chế biến sau thu hoạch quá hạn chế. Một trong những biện pháp, theo ông Hiển là “Thị trường phải coi như chiến trường, để nông dân cạnh tranh, chấp nhận có sống có chết chứ không thể ai cũng sống mà sống oải oải”.