Việt Nam Thời Báo

RFA – Thành viên phong trào Chấn hưng Nước Việt Nguyễn Văn Điển ra tù trước hạn sáu tháng

 

Ông Nguyễn Văn Điển (hay còn được gọi là Điển Ái Quốc) trở về nhà ở Yên Bái hôm 22/2 trước thời hạn sáu tháng và tiếp tục bị thi hành án phạt quản chế bốn năm.

Ông Điển bị bắt cùng với ông Vũ Quang Thuận (Võ Phù Đổng) vào đầu tháng 3 năm 2017 và sau đó là sinh viên Trần Hoàng Phúc trong cùng phong trào Chấn hưng Nước Việt.

Tòa án nhân dân Hà Nội cuối tháng 1/2018 kết án ông Điển sáu năm sáu tháng tù về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 Bộ luật hình sự 1999.

Trong cuộc nói chuyện với phóng viên Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 28/2, ông chia sẻ về thời gian thi hành án gần sáu năm qua ở Trại giam số 5, Thanh Hóa:

“Ở trong tù rất khắc nghiệt, chúng tôi bị giam hai người một buồng, có buồng một người, bị giam 24/24 ở trong buồng giam.

Mỗi buồng giam rộng 15 mét vuông, có một sân chơi cũng rộng từng đó, và họ có cho đi lại trong khoảng sân đó.

Chúng tôi không được ra sân chơi để tập thể dục hay giao lưu với nhau.”

Ông Điển bị giam trong khu dành cho những nhà bất đồng chính kiến mang án “an ninh quốc gia,” trong đó có nhà thơ Trần Đức Thạch, giảng viên cao đẳng âm nhạc Nguyễn Năng Tĩnh, cựu trung tá quân đội Trần Anh Kim…

Ông cho biết, sân chơi bị quây kín bằng tường cao và lưới thép bên trên trong khi phòng giam không có cửa sổ khiến cho buồng giam rất bí bách và nóng nực trong mùa hè ở một tỉnh miền Trung, đặc biệt với gió Lào trong khoảng tháng 5 đến tháng 7.

Một số người đứng lên đấu tranh với giám thị nên từ đầu năm 2023 trại giam mới cho phép các tù nhân chính trị được ra sân chơi chung mỗi ngày hai giờ, vào buổi sáng và buổi chiều.

Đấu tranh phản đối việc bị đối xử vô nhân đạo

Ông Điển, 40 tuổi, cho biết trong thời gian thụ án tù ở Trại giam số 5, ông nhiều lần đấu tranh phản đối việc bị đối xử vô nhân đạo và đòi trả tự do, trong đó có hai lần tuyệt thực. Một lần tuyệt thực 21 ngày vào đầu tháng 7 năm 2019, hai tháng sau đó ông tuyệt thực trong bảy ngày.

Giữa tháng 8 năm 2020, sau một lần trèo lên téc nước của trại giam để phản đối việc bị đối xử vô nhân đạo và đòi được trả tự do, ông bị đưa vào buồng kỷ luật biệt giam trong khu K1 (là nơi giam giữ tù hình sự) trong một tháng 19 ngày nhưng không bị cùm chân.

Tại đây, ông bị giam chung với hai tù hình sự, những người có nhiệm vụ giám sát và đe doạ ông. Sau khi ông tuyệt thực hai ngày, trại giam mới đưa ông trở lại buồng giam ở khu tù chính trị.

 

Nhận tội để được đối xử đỡ hà khắc

Ông Điển cho biết những tù nhân viết đơn xin nhận tội được trại giam đối xử tốt hơn. Trong hai năm cuối ở trại, ông không còn bị hạn chế đi lại trong buồng giam mà được cho đi lao động ở vườn trong khu vực K3 (là nơi giam giữ tù nhân chính trị- những người bị kết tội trong phần An ninh quốc gia hay Điều 331 của Bộ luật Hình sự 2015).

Ông được lao động tự nguyện, trồng rau trong vườn, không phải chịu mức khoán lao động cũng không phải nộp sản phẩm cho trại giam mà được tuỳ ý sử dụng sản phẩm mình làm ra.

Do vậy, sau khi thu hoạch rau, ông đem đến nhà bếp để nhờ họ chế biến cho mình.

Chính vì có viết đơn nhận tội nên ông được đưa vào danh sách xem xét giảm án tù, và được giảm hai lần tổng cộng sáu tháng và tám ngày, cho dù ông thấy mình vẫn bị phân biệt đối xử so với những người tù hình sự.

Phóng viên có liên lạc với Trại giam số 5 nhiều lần bằng điện thoại để kiểm chứng thông tin ông Điển cung cấp nhưng không có ai nghe máy.

Ông Điển từng hoạt động dân chủ từ năm 2007 cùng với ông Vũ Quang Thuận và tham gia bảo vệ quyền lợi cho công nhân lao động Việt Nam ở Malaysia. Năm 2011, họ bị nhà chức trách Malaysia đưa ra toà xét xử và sau đó bị trục xuất về Việt Nam.

Sau đó, ông Thuận cùng một số nhà hoạt động khác lập ra phong trào Chấn Hưng Nước Việt với mục tiêu vận động ôn hòa cho thể chế dân chủ đa đảng tại Việt Nam.

Nhóm này có kênh Youtube CHTV chuyên đưa tin về vi phạm nhân quyền, thu hồi đất đai mà không đền bù thoả đáng cho người dân ở nhiều địa phương, tham nhũng và nhiều vấn đề khác của đất nước.

Một số thành viên khác của phong trào như nhà báo kỳ cựu Phạm Thành (tức Bà Đầm Xoè), Lê Trọng Hùng, và Lê Văn Dũng (Dũng Vova) cũng đang bị giam trong tù với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015.


 

 

Tin bài liên quan:

RFA – Kết thúc giai đoạn điều tra 3 lãnh đạo của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam

Phan Thanh Hung

Vì sao nhà báo Trương Châu Hữu Danh bị bắt? (kỳ 2)

Phan Thanh Hung

RFA – CTN Tô Lâm: Việt Nam sẵn sàng đóng góp duy trì hòa bình ở Bán đảo Triều Tiên!

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.