VTV
Đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với một số mặt hàng xăng lên gấp 2-3 lần so với hiện nay của Bộ Tài chính đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ dư luận, người dân.
Đầu tuần vừa qua, Bộ Tài chính đưa ra dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường. Trong đó, đáng chú ý Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với một số mặt hàng xăng, dầu lên gấp 2 – 3 lần so với hiện hành.
Cụ thể, đối với xăng (trừ xăng ethanol), mức thuế dự kiến sẽ tăng 1.000 – 4.000 đồng/lít. Đối với dầu diesel, thuế sẽ đánh 3.000 – 6.000 đồng/lít, thay vì 500 – 2.000 đồng như hiện nay. Dầu mazut cũng có thể sẽ phải chịu thuế tối đa gấp 3 lần hiện nay, tức tăng 900 – 4.000 đồng/kg.
“Còng lưng gánh thuế, phí” là nhận định của tờ Pháp Luật TP.HCM. Theo tờ báo, hiện 1 lít xăng đang phải chịu các loại thuế, phí, gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường; chi phí định mức, lợi nhuận định mức, chi quỹ bình ổn.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Dân trí)
Như vậy, tính ra thuế, phí hiện chiếm hơn 8.500 đồng/lít xăng, tức chiếm hơn 48% so với giá bán lẻ hiện hành 17.590 đồng/lít. Nếu thuế bảo vệ môi trường tăng lên 8.000 đồng/lít thì giá cơ sở xăng, dầu sẽ bị đẩy lên mức hơn 23.000 đồng/lít, trong đó riêng thuế và phí chiếm hơn 13.000 đồng. Và quan điểm chung của báo chí trong tuần là không tán thành đề xuất này.
Cũng theo tờ Pháp Luật TP.HCM, việc Bộ Tài chính đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là chưa thuyết phục. Bởi số thuế thu được chi cho mục đích bảo vệ môi trường chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Ví dụ năm 2016, tổng thu thuế bảo vệ môi trường lên đến hơn 42.000 tỷ đồng trong khi mới chỉ chi cho mục đích này hơn 12.000 tỷ (gần 29% tổng thu).
Nhiều chuyên gia nhận xét, chi cho mục đích bảo vệ môi trường như trên là ít, bởi đáng lẽ tất cả phần thu thuế trên phải được dùng cho việc bảo vệ môi trường. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đặt vấn đề: “Số thuế này đang dư, vậy tại sao lại đề nghị tăng tiếp? Đó là điều cần phải suy nghĩ”.
“Phải sòng phẳng với đồng tiền thuế của dân”, là quan điểm của tờ Lao động. Tăng thuế, vậy số tiền này sử dụng vào việc gì trong hoạt động bảo vệ môi trường, hiệu quả mà nó đem lại như thế nào? Tăng thu thuế xăng dầu để bảo vệ môi trường, sử dụng đồng tiền này để xử lý ô nhiễm do khí thải xăng dầu gây ra. Vậy phải có kết quả nghiên cứu khoa học xác định xăng dầu đã gây ra ô nhiễm mức độ như thế nào, cần bao nhiêu tiền để xử lý hậu quả, số tiền đó tương ứng với mức thuế thu được để bảo vệ môi trường trên xăng dầu hay chưa? Dân không chấp nhận lấy thuế xăng dầu xử lý môi trường do các lĩnh vực sản xuất khác gây ra.
Trên tờ Tiền Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, phải minh bạch nguồn thu và nguồn chi sử dụng tiền thu được từ thuế bảo vệ môi trường theo từng giai đoạn, theo từng năm để người dân theo dõi.
Theo tờ Nông thôn ngày nay, tăng thuế không chỉ là vấn đề môi trường, mà còn bù đắp cho ngân sách thì cũng cần phải tính lại. Vì có nhiều cách để tăng thu ngân sách Nhà nước bằng việc tiết kiệm, bằng việc thực hiện nghiêm ngặt luật chi tiêu ngân sách Nhà nước, bằng việc cẩn trọng khi đầu tư dự án, bằng việc siết chặt kỷ cương mua sắm tài sản công, bằng việc cắt giảm hội họp, lễ hội, bằng việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp, hiệp hội… chứ không phải cứ nhăm nhăm vào thu thuế xăng. Do vậy, “xin đừng té nước theo… xăng”.
Một cái nhìn toàn cảnh trên báo chí cho thấy quan điểm chung là không đồng tình. Tuy nhiên, cần phải phân biệt rằng, báo chí không phản đối việc tăng thuế, mà là phản đối việc tăng thuế một cách bất hợp lý, phản đối việc tăng thuế mà không đưa ra được những lý giải thuyết phục, phản đối việc tăng thuế mà không chứng minh được là hiệu quả của số tiền tăng đó được sử dụng với môi trường như thế nào. Minh bạch là điều người dân cần nhất, trong bất cứ một quyết định nào, nhất là quyết định liên quan tới túi tiền của người dân, trong điều kiện đời sống còn nhiều khó khăn.