Việt Nam Thời Báo

Thấy gì qua thông điệp Thủ tướng ở Tây Âu và “13 tướng VN đi Trung Quốc”?

Thiên Điểu
* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (hàng thứ hai, bên trái) trong ảnh chụp ngày 16/10/2014 với một số lãnh đạo tham gia Thượng đỉnh Á Âu tại Milano (Ý). Ở hàng trước, bên phải là Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.REUTERS/Alessandro Garofalo

Những thông điệp trái chiều

Trong chuyến công du Châu Âu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tại cuộc thảo luận với các học giả tại Viện Koerber (Berlin, CHLB Đức) hôm 15/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bày tỏ thông điệp liên quan vấn đề chủ quyền của Việt Nam:

“…Chúng tôi tin rằng giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia, trong mọi lĩnh vực kể cả vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đều phải tuân theo luật pháp quốc tế và các nền tảng pháp lý một cách minh bạch và bình đẳng, thông qua các cơ quan tài phán và trọng tài quốc tế. Theo tôi, đó là giải pháp hòa bình, tiến bộ và nhân văn…”

Điều đó có nghĩa thông điệp của Chính phủ là: Sẽ bảo vệ chủ quyền bằng mọi biện pháp phù hợp luật pháp quốc tế. Trong đó có ý nhấn mạnh khả năng kiện TQ ra Tòa án quốc tế.

Sau phát ngôn của Thủ tướng đúng một ngày, thông tin Việt Nam cử 13 tướng lĩnh cao cấp lên đường sang TQ do đích thân Bộ trưởng quốc phòng dẫn đầu. Cụ thể các chi tiết chuyến đi ra sao chưa rõ. Nhưng qua các thông tin công khai thì thông điệp là: “Đã đạt thỏa thuận nhất trí giải quyết tranh chấp thỏa đáng hoạt động hàng hải…”. Nghĩa là mới chỉ đạt các thỏa thuận về phương án xử lý các liên quan việc đi lại trên vùng biển tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Phải chăng hai thông điệp này – một của Thủ tướng và một của Phái đoàn quân sự cao cấp – có sự mâu thuẫn hay ẩn chứa điều gì?


Hai nội dung – Một vấn đề

Vấn đề tranh chấp trên Biển Đông – cụ thể là vùng biển Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là vấn đề chủ quyền quốc gia.

Nội dung hoạt động hàng hải tại khu vực tranh chấp có hai khía cạnh: Một là hoạt động hàng hải của hai bên liên quan tranh chấp và một là hoạt động hàng hải quốc tế. Khía cạnh hoạt động hàng hải quốc tế đã có Công ước về Luật biển (United Nations Convention on Law of the Sea – UNCLOS), không nằm trong phạm vi quyền lực của riêng Việt Nam hay Trung Quốc.

Như vậy, có thể nói là thỏa thuận của phái đoàn quân sự Việt-Trung là chỉ nói tới hoạt động hàng hải của hai bên tại khu vực này. Chính xác hơn là hoạt động quản lý, khai thác thủy hải sản và tài nguyên của Việt Nam và Trung Quốc. Vấn đề này phụ thuộc việc xác định chủ quyền vùng biển thuộc về quốc gia nào quản lý.

Quay lại nội dung hai thông điệp đưa ra. Sau thông tin về thỏa thuận từ phái đoàn quân sự, ngày 17/10/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu: “Việt Nam và Trung Quốc cam kết giải quyết các bất đồng hàng hải một cách hợp lý, tránh làm mối quan hệ song phương lệch hướng”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói Việt Nam sẵn sàng làm việc với Trung Quốc để thực thi những điều đã nhất trí, tăng cường các cuộc trao đổi cấp cao, gia cố lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau… (Trích từ VOA Tiếng Việt).

Phát biểu này của Thủ tướng có thể diễn giải như một ý kiến rằng thông điệp từ phái đoàn quân sự cấp cao VN tại TQ cũng được nhìn nhận như là một sách lược giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, xem xét kỹ và so sánh với thông điệp trước đó tại Đức thì lại có chút gì “lệch hướng”, mâu thuẫn.

Như trên đã nói: Vấn đề hoạt động hàng hải là vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia. Trong khi chưa giải quyết, chưa khẳng định được chủ quyền thì không có bất cứ nội dung nào liên quan có thể đạt được thỏa thuận một cách thỏa đáng, đúng nghĩa. Mặt khác, Trung Quốc đã chiếm giữ trái phép Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Hiện Trung Quốc đang đi vào giai đoạn hoàn thiện sân bay quân sự trên quần đảo Trường Sa. Công trình mà chính các chuyên gia quân sự Trung Quốc thừa nhận và ai cũng thấy là uy hiếp trực tiếp tới Việt Nam. Thỏa thuận hoạt động hàng hải thế nào khi đối phương đã chiếm giữ quyền quản lý ngay trên vùng biển của mình? Thuê đường hay đi nhờ?

Tung hỏa mù?

Dấu hỏi từ hai thông điệp nói trên, khiến người ta dễ liên tưởng tới một chủ ý truyền thông kiểu tung hỏa mù hơn là một chiến lược, hành động cụ thể. Nó tương tự việc chính quyền Việt Nam tìm đủ mọi cách ngăn chặn thông tin liên quan tranh chấp trên biển suốt những năm qua. Đến khi TQ đưa giàn khoan vào sâu trong thềm lục địa của VN thì bật đèn xanh cho dân biểu tình phản đối, sau đó lại trấn áp thẳng tay. Lờ đi thông tin việc TQ xây dựng sân bay ở Trường Sa như không hề biết tới.

Sau hàng loạt các phát ngôn kiểu “xem TQ như một đối tác hợp tác đầu tư; khôn khéo đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng việc mở rộng quan hệ đa phương hóa..”, cùng việc rò rỉ thông tin là Ban tuyên giáo TW chỉ thị các báo “chỉ được nói tới hợp tác” khi nhắc tới Trường Sa…, nhiều để người dân Việt Nam cần phải suy nghĩ về những thông điệp này.

Chủ quyền đất nước là thiêng liêng, cao hơn bất cứ mục tiêu, quyền lợi nào khác. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền là cuộc đấu tranh bằng mọi giá. Giải pháp hòa bình là ưu tiên hàng đầu. Nhưng không thể đấu tranh hòa bình trong tư thế nhu nhược, cầu toàn.

Chính phủ và nhà nước Việt Nam cần cương quyết khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế. Cần có những biện pháp, hành động minh bạch, rõ ràng chứ không thể tiếp tục bằng các cách đưa ra các thông điệp cho có, thiếu dứt khoát như vậy.

———————————
Nguồn tham khảo:

http://www.voatiengviet.com/content/quan-doi-viet-trung-nhat-tri-giai-quyet-thoa-dang-tranh-chap-hang-hai/2486997.html

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/202481/thu-tuong–dan-chu-la-xu-the-khong-the-dao-nguoc.html

Tin bài liên quan:

Thông tin ông Bá Thanh bị đầu độc là “xuyên tạc”? *

Phan Thanh Hung

Công văn “hỏa tốc” của Bộ LĐTBXH: Được lựa chọn lãnh BHXH một lần hoặc lương hưu

Phan Thanh Hung

VNTB – Báo chí Việt Nam “lên tiếng” về thông tin tướng Thanh mất của hãng tin DPA

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.