Thủ tướng Dũng đến Vatican: Tái giao thoa giữa Vô thần và Hữu thần

Viết Lê Quân
Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc gặp với Đức Giáo Hoàng Bênêdictô 16 hồi tháng Giêng năm 2007.

Vào cuối tuần này, Thủ tướng Việt Nam sẽ diện kiến Đức Giáo Hoàng Franxicô tại Tòa Thánh Vatican nhân chuyến công du Châu Âu từ ngày 12/10 đến 18/10/2014.

Đây là lần thứ hai Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng được Đức Giáo Hoàng tiếp kiến tại Vatican sau cuộc gặp lần đầu tiên giữa ông với Đức Giáo Hoàng Bênêdictô 16 hồi tháng Giêng năm 2007.

Tháng 12/2009, Chủ tịch nước lúc đó là ông Nguyễn Minh Triết cũng đã tới Vatican. Tòa thánh khi đó bình luận rằng đây là bước đi quan trọng trong bình thường hóa quan hệ đôi bên.

Nhưng đáng chua chát là sau các năm 2007 và 2009, tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn chưa có gì được coi là đổi mới. Hầu như tất cả vẫn bị siết chặt. Cuộc giao thoa giữa Vô thần và Hữu thần vẫn hầu như bế tắc.

Dĩ vãng “hành hương”

Cũng cần nhắc lại, mối quan hệ “nồng ấm hơn” giữa Nhà nước Việt Nam và Tòa thánh được khởi động vào đầu tháng Giêng năm 2013 với chuyến “hành hương” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Vatican. Người đứng đầu đảng Cộng sản VN được tiếp bởi Đức Giáo hoàng Benedict XVI bằng nghi thức dành cho nguyên thủ quốc gia.

“Đang có hy vọng giải quyết một số tình huống giữa hai bên và nếu chưa giải quyết được, thì củng cố quan hệ tốt hiện nay” – một thông cáo ngắn của Vatican đưa ra sau cuộc gặp trên.

Một trong các “tình huống” là cách chính quyền địa phương ở Việt Nam xử lý quan hệ với những giáo xứ, chẳng hạn như tranh chấp đất đai ở Thái Hà năm 2011, hay ở Nhà Chung năm 2008.

Một vấn đề nữa là cũng giống như Trung Quốc, Việt Nam muốn tham gia quyết định việc bổ nhiệm linh mục và chức sắc tôn giáo – điều Tòa thánh không chấp nhận.

Chính phủ Việt Nam vẫn thường xuyên bị các quốc gia phương Tây chỉ trích là vi phạm tự do tôn giáo. Năm 2012, Việt Nam mang 14 người, đa phần theo Công giáo và Tin Lành, ra xử tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Ngay cả sau chuyến công du Vatican của ông Nguyễn Phú Trọng, ở Nghệ An vẫn nổ ra vụ giáo xứ Mỹ Yên mà bị xem là xâm hại tự do tôn giáo ghê gớm.

Bất ngờ phát lộ

Chỉ cách đây một tháng, vào ngày 11/9/2014, một sự kiện bất ngờ đã phát lộ: Tòa Thánh ra thông cáo cho biết Vatican mong muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, trong khuôn khổ những nỗ lực tăng cường quan hệ với châu Á.

Trước đó đã diễn ra cuộc họp lần thứ năm của nhóm công tác chung Vatican – Việt Nam trong hai ngày 10 và 11/9 tại Hà Nội. Sau phiên họp này, Tòa Thánh đã ra một thông cáo cho biết: “Phái đoàn Vatican khẳng định tầm quan trọng lớn lao của việc triển khai quan hệ với Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, như các chuyến tông du mới đây và sắp tới của Đức Giáo hoàng trên lục địa này đã chứng minh”.

(“tông du” là từ ngữ riêng của Vatican, tức “công du” – NV).

Sự kiện trên được xem là liên quan mật thiết đến chủ đề nhân quyền, trong đó có quyền tự do tôn giáo ở Việt nam. Thông cáo của Vatican còn diễn giải: ‘Tòa Thánh tái khẳng định sự cam kết của mình về việc thành lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, và mong muốn cùng với Giáo hội Công giáo Việt Nam đóng góp tích cực hơn vào công cuộc phát triển của Việt Nam trong các lãnh vực mà Giáo hội Công giáo có thế mạnh như y tế, giáo dục, công tác từ thiện và các hoạt động nhân đạo”.


Thỏa thuận thầm kín?

Cần nhắc lại, Hà Nội đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Toà thánh vào năm 1975. Kể từ năm 2007, hai bên đã nỗ lực làm việc để tiến tới một mối quan hệ nồng ấm hơn.

Mọi chuyện đều có vẻ khá logic với nhau, và dường như giữa Vatican và Nhà nước Việt Nam đã có một thỏa thuận thầm kín trước khi công bố. Cách đây hai tháng, tờ Vatican Insider đã có bài viết trích dẫn phát biểu của tổng giám mục Sài Gòn, Bùi Văn Đọc, tại Roma cho biết cơ cấu của một đại học Công giáo có thể sẵn sàng trong vòng một năm tới.

Vatican Insider trích dẫn ý kiến của tổng giám mục Bùi Văn Đọc nói rằng các giám mục Việt Nam đặt vấn đề là từ năm 2001 cho đến nay ngày càng có nhiều đại học, trường tư tại Việt Nam do các đại học và tổ chức nước ngoài tại Á Châu, Úc Châu và Âu Châu điều hành, tại sao giáo hội Công giáo bị tước đi quyền đó. Về phần mình, giáo hội Công giáo có thể góp phần thông qua triết lý và kinh nghiệm giáo dục của giáo hội đào tạo ra những con người có trách nhiệm vì lợi ích của toàn xã hội.

Kế hoạch cụ thể được tổng giám mục Bùi Văn Đọc nói với Vatican Insider, đó là việc xem xét thành lập đối tác với Đại học Công giáo Paris và đi đến ý tưởng thành lập một Học viện Thần học tại Sài Gòn. Các bước cụ thể để thành lập học viện này sẽ được các giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam thảo luận tại kỳ họp sẽ diễn ra từ ngày 27 đến 30 tháng 10 tới đây ở Nha Trang.


Không có gì nhanh chóng

Với số giáo dân chừng tám triệu, Việt Nam là nước có cộng đồng Công giáo thuộc hàng đông đảo ở châu Á, chỉ đứng sau Philippines.

Trong mấy năm qua, quan hệ Vatican – Hà Nội đã tổ chức 5 vòng đối thoại của nhóm công tác hỗn hợp về quan hệ đôi bên và thêm nhiều chuyến thăm cao cấp, tuy hai bên vẫn chưa nối lại được quan hệ ngoại giao, vốn bị gián đoạn năm 1975.

Kể từ tháng tư 2011, đặc sứ không thường trú của Vatican đã thực hiện nhiều chuyến thăm đến Việt Nam và tham dự các sinh hoạt tôn giáo lớn của Giáo hội Công giáo trong nước.

Trong chuyến tông du đến Hàn Quốc gần đây, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đề nghị thành lập một cuộc “đối thoại bằng hữu” với Việt Nam và cả Trung Quốc. Ngài nhấn mạnh: “Ở đây tôi không chỉ nói đến đối thoại chính trị, mà cả đối thoại bằng hữu thân thiện”.

Tin về một đại học do một tôn giáo như Công giáo tại Việt Nam được phép thành lập khiến cho nhiều người tỏ ra hy vọng như một phép thử quan trọng về sự cởi mở hơn của Hà Nội đối với tự do tôn giáo. Cũng bởi, Hà Nội đang ở vào thế phải cần đến tiếng vỗ tay của thế giới Hữu thần.

Thế nhưng như một quy luật, ở Việt Nam không có gì được coi là nhanh chóng. Mọi việc vẫn còn phải chờ ở phía trước, và thời gian sẽ trả lời.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)