Việt Nam Thời Báo

Tố cáo nặc danh: Bỏ sợ lọt, thêm… sợ phiền

Dù không được quy định giải quyết trong Luật Tố cáo (sửa đổi) nhưng đơn tố cáo nặc danh vẫn được “ưu ái” đặc biệt để xem xét
Luật Tố cáo (sửa đổi) vừa được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến sôi nổi. Trong đó tranh luận về việc tố cáo nặc danh (đơn tố cáo không ghi họ tên, địa chỉ người tố cáo) vẫn chưa có hồi kết.
E ngại lợi dụng quy định để tố cáo tràn lan

Các ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thể hiện rõ sự băn khoăn ở cả hai phía: người tố cáo và cơ quan tiếp nhận, giải quyết tố cáo. Người tố cáo nặc danh không dám chính danh vì sợ bị trù dập, trả thù hoặc có những lý do tế nhị. Còn cơ quan tiếp nhận thì cũng lo lắng điều này có thể trở thành công cụ cho những người muốn hãm hại nhau, còn cơ quan tiếp nhận thì sẽ liên tục phải nhận quá nhiều đơn nặc danh hằng ngày.

Lý giải việc dự thảo Luật Tố cáo không quy định về giải quyết đối với đơn tố cáo nặc danh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định khẳng định nếu quy định tiếp nhận và giải quyết đối với đơn tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho cơ quan, người có thẩm quyền trong việc xác minh, xử lý thông tin giải quyết tố cáo, gây tốn kém chi phí của nhà nước…
Minh họa: khều
Ở góc độ là Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, ông Nguyễn Văn Chiến cũng không ủng hộ tố cáo nặc danh. Bởi người tố cáo phải chính danh để thực hiện quyền tố cáo và phối hợp với các cơ quan chức năng trong cung cấp tài liệu. Đồng thời họ phải chịu trách nhiệm về sự tố cáo của mình. Trong thực tiễn, tố cáo nặc danh đã ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức và thường tố cáo nặc danh không có cơ sở. Công dân khi tố cáo nên chính danh, nếu nặc danh thì bất bình đẳng với cá nhân, tổ chức bị tố cáo.

Ông Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, cũng đề nghị không giải quyết đối với tố cáo nặc danh nhằm tránh tình trạng lợi dụng việc tố cáo xúc phạm danh dự, uy tín tổ chức, cá nhân bị tố cáo. Ngoài ra, tố cáo phải chính danh để xác định rõ trách nhiệm người tố cáo, hạn chế tố cáo tràn lan, sai sự thật.
Đáng chú ý, Ủy ban Pháp luật của QH cũng như nhiều ĐBQH nhất trí về nguyên tắc là không xử lý đơn tố cáo nặc danh nhưng luật cần quy định rõ trường hợp tuy là đơn tố cáo nặc danh nhưng có gửi kèm theo chứng cứ, nội dung rõ ràng như các tài liệu, vật chứng, ảnh, đoạn băng ghi hình, ghi âm… Trong trường hợp nêu trên, cơ quan, người có thẩm quyền phải có trách nhiệm tổ chức xác minh, xử lý nhằm tránh bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật.

Ở góc nhìn khác, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường đánh giá tố cáo nặc danh nếu có tình tiết, chứng cứ cụ thể thì phải xem xét, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng. Cơ quan tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cần xem xét tố cáo nặc danh nếu có căn cứ, chứng cứ cụ thể.

“Thực tế, người tố cáo bị nhiều áp lực, cần cầu cứu nên mới phải tố cáo nặc danh. Chẳng hạn quy trình liên quan đến đấu thầu, xây dựng các dự án… còn khuất tất thì chỉ những người trong cuộc mới biết, để chụp ảnh, quay clip để có chứng cứ… thì cần phải xem xét” – ông Bùi Văn Cường dẫn chứng.

Ông Bùi Văn Cường đánh giá tố cáo nặc danh là một kênh thông tin quan trọng nên cần có điều khoản về vấn đề này để thực hiện, góp phần vào công tác phòng chống tham nhũng, làm cho bộ máy của nhà nước trong sạch hơn.

Mấu chốt của việc người tố cáo chính danh phải tố cáo nặc danh là vì sợ hãi bị trả thù. Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho hay thực tế, không ít trường hợp người tố cáo đã bị trả thù, bị trù dập, trong khi đó mặc dù có quy định nhưng việc bảo vệ người tố cáo còn rất khó khăn. Do đó, nhiều người không dám tố cáo hành vi vi phạm pháp luật.

Theo ông Nguyễn Khắc Định, hiện nay cơ chế bảo vệ người tố cáo chưa đạt hiệu quả vì nhiều lý do mà người tố cáo không dám hoặc không muốn đứng tên, thậm chí có trường hợp còn mạo danh người khác. Tuy nhiên, việc tiếp nhận và xử lý đối với các trường hợp này cũng cần có quy định cụ thể, đặc thù, coi đây là việc phản ánh, tiếp nhận thông tin để bảo vệ pháp luật, không thuộc quy trình xử lý tố cáo. 

Theo NLĐ

Tin bài liên quan:

VNTB – Công an Việt Nam trả thù admin trang Nhật Ký Yêu Nước

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Đỗ Nam Trung

Do Van Tien

VNTB – “Ông không hiểu biết ‘thanh tra’ ông hiểu biết” (*)

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.