Việt Nam Thời Báo

Trên 99% công chức “chuẩn mực”: ĐBQH bật cười, không tin!

Chỉ 1% công chức ‘cắp ô’, ĐBQH cho rằng ‘có lẽ Bộ Nội vụ đã quá lạc quan’

99% công chức hoàn thành nhiệm vụ: ‘Tôi không tin’

ĐBQH Nguyễn Văn Thanh (Vĩnh Long) nói thẳng “tôi không tin báo cáo 99% công chức hoàn thành nhiệm vụ mà Bộ Nội vụ công bố”.

Cho rằng, đánh giá của Bộ Nội vụ về cải cách thủ tục hành chính là khách quan, dựa trên các thang tiêu chí từ các cấp cơ sở trở lên. Tuy nhiên, báo cáo 99% công chức hoàn thành nhiệm vụ của Bộ Nội vụ vừa trình bày trước Quốc hội, có lẽ không “lạc quan” đến vậy.

Theo đánh giá phân loại cán bộ, công chức của Bộ Nội vụ: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là: 34,33%; Hoàn thành tốt nhiệm vụ: 58,08%; Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực: 4,94% và không hoàn thành nhiệm vụ chỉ có: 0,46%.

Về đánh giá, phân loại viên chức: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: 34,49%; Hoàn thành tốt nhiệm vụ: 50,14%; Hoàn thành nhiệm vụ: 8,06%; Không hoàn thành nhiệm vụ: 0,24%.

1% công chức ‘cắp ô’: Bộ Nội vụ quá lạc quan?

Ông Thanh cho biết, cần phải tách bạch rất rõ ràng việc hoàn thành nhiệm vụ với việc làm được việc, đáp ứng được yêu cầu. Báo cáo của Bộ Nội vụ chỉ dựa trên tổng hợp từ địa phương, nhưng cho tới nay vấn đề đánh giá công chức tại các địa  phương vẫn là vấn đề lớn.

“Quy trình đánh giá vẫn dựa trên những tiêu chí cơ bản như: mức độ hoàn thành nhiệm vụ, ý thức đoàn kết, học tập, không nghỉ việc, không vắng mặt, muộn giờ… thì ai cũng có thể hoàn thành. Nhưng tôi cho rằng, cần phải dựa vào hai chỉ số: khả năng thu hút đầu tư, chỉ số CPI và chỉ số cải cách hành chính.

Để đo lường hai chỉ số này mới có thể đánh giá sâu được về kết quả và hiệu quả của từng đơn vị và từng đơn vị mới kiểm tra trách nhiệm của từng cá nhân, từng vị trí công việc. Vấn đề này phải được làm sâu, kỹ hơn nữa. Tôi nghĩ, đánh giá cán bộ không phải làm theo kiểu bình quân như vậy”.

Ông Thanh lo lắng, cho rằng chưa yên tâm với báo cao này, tỉ lệ hoàn thành quá hoàn hảo, phải xem xét nhiều khía cạnh khác, đánh giá kỹ hơn. “Không thể là 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ”.

ĐBQH Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng nói thẳng “tôi không tin chỉ có 0,46% công chức không hoàn thành nhiệm vụ”.

“Nếu đúng con số báo cáo là đúng, thì quá tuyệt về tuy nhiên thực tế thì lại không phải như thế”, ông Vinh cho biết, rất nhiều ý kiến kêu ca của người dân phản ánh cách thức làm việc tại các cơ quan công quyền còn chậm chạp, đạo đức công vụ của một số cán bộ còn chưa ổn. 

Đây là báo cáo chưa đầy đủ và chưa thống nhất mà ngay cả Bộ trưởng Bộ Nội vụ khi công bố con số này cũng còn phải băn khoăn, suy nghĩ.

“Tôi cho rằng, cần phải có đánh giá, báo cáo thực chất mới có thể giải quyết được khâu nâng cao chất lượng, đạo đức cán bộ để phục vụ nhân dân. Nếu cứ như vậy, thì sẽ không thể sửa được, cải thiện thủ tục hành chính sẽ thất bại”, ông Vinh nói.
Cũng theo vị đại biểu này, ngay ở kỳ trước, đã có nhiều ý kiến “30% công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” nhưng ở kỳ này Bộ trưởng lại đưa ra con số này, đây được coi là kết quả hiển nhiên nếu vẫn đánh giá cán bộ mang tính hình thức.

“Sáng đến cơ quan đúng giờ, lướt web, chơi game, uống nước chè… chiều về đúng giờ thì ra được báo cáo trên là điều dễ hiểu”.

Đại biểu này cũng thẳng thắn cho biết không tin con số này và còn rất nhiều nghi ngờ qua cách thống kê hiện nay.


‘Không ý nghĩa’

ĐBQH Lê Đình Khanh (Hải Dương), bật cười chia sẻ về kết quả “đẹp như mơ” của Bộ Nội vụ đưa ra. Theo ông Khanh, đây là cả vấn đề lớn phải xem xét từ khâu lựa chọn tiêu chí đánh giá, quá trình đánh giá liệu còn vấn đề nể nang, sai xót gì không?

“Đó là những số liệu thống kê tổng hợp từ địa phương thì chắc Bộ Nội vụ không tổng hợp sai đâu, nhưng quan trọng con số đó nói lên được điều gì không”?, bản thân ông Khanh cho biết, khi đọc được con số đó cũng không ai tin là thật, rõ ràng con số này đang có vấn đề không phản ánh đúng yêu cầu, không đúng thực tế.

“Rất nhiều quan điểm ít nhất là 30% “công chức cắp ô”. Ông Khanh lo lắng về quy trình bình xét cán bộ hiện nay và cho rằng “quy trình bình xét hiện nay không có ý nghĩa gì cả”.

ĐBQH Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ), chia sẻ, nhìn vào báo cáo của Bộ Nội vụ đó là báo cáo thẩm tra từ cơ sở, thông qua các địa phương, bộ ngành gửi lên. Về mặt thủ tục hành chính, con số đó là có cơ sở, nhưng thực chất khi tiến hành, kiểm điểm, đánh giá cuối năm các cơ quan có làm đúng quy trìhh, đánh giá có trung thực, khách quan không, đó mới quan trọng.

Với quan sát của cử tri, con số đó không thật, số 1% công chức ‘cắp ô” là không chính xác mà con số này phải cao hơn nhiều.

Tất nhiên, con số chính xác phải có đánh giá cụ thể nhưng qua tiếp xúc, làm việc với các cơ quan hành chính nhà nước cử tri đã đưa ra đánh giá như vậy.
Những câu chuyện điển hình như Quảng Bình rà soát công chức bỏ giờ đi cafe hay như chính Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị phải phàn nàn về tình trạng soạn thảo một văn bản mất cả tháng trời, hay câu chuyện văn bản ban hành sai là do lỗi đánh máy, lỗi kỹ thuật… đã phản ánh rõ chất lượng, trách nhiệm cán bộ hiện nay. Rõ ràng không thể đánh giá đó là những cán bộ trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ. “Phải chăng Hà Nội hay những địa phương này đã kém may mắn rơi vào tỉ lệ 1% đó”?, vị đại biểu này đặt câu hỏi?.

“Nếu có tới 99% công chức hoàn thành nhiệm vụ thì tôi cho rằng Bộ Nội vụ không cần phải thực hiện cải cách thủ tục hành chính nữa”, ông Tiếp nói.

Lam Lam

Đất Việt

Tin bài liên quan:

Trung Quốc lấn tới, Việt Nam ngả về cựu thù?

Phan Thanh Hung

VNTB – Bộ Tài chính: “Thuế tăng không có nghĩa giá ôtô sẽ tăng”

Phan Thanh Hung

Việt Nam chấp thuận thành lập ngân hàng 100% vốn Mỹ

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.