Việt Nam Thời Báo

Trò chuyện đầu xuân: “Đổi mới không thể tránh đụng lợi ích”

Được xem là một trong những “tư lệnh ngành” có tư tưởng đổi mới mạnh mẽ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh không ít lần phải “đau đầu” bởi áp lực từ chính những vấn đề đổi mới do bộ mình khởi xướng trong nhiệm kỳ 5 năm chủ trì ngành kế hoạch và đầu tư. 

Đổi mới thể chế chính là điểm sáng


Tại Diễn đàn Đối tác phát triển (VDPF) tổ chức tháng 12/2015, các nhà tài trợ nhận định, 5 năm qua là giai đoạn quan trọng của Việt Nam với việc tiến hành một đợt đổi mới lần hai nhằm hoàn thành quá trình chuyển tiếp sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Nhìn lại chặng đường này, Bộ trưởng có đánh giá như thế nào?


5 năm qua, chúng ta đã khởi động nhiều chương trình với rất nhiều cố gắng từ Đảng, Quốc hội, Chính phủ tới các cơ quan hữu quan, cơ quan nghiên cứu, chuyên gia trong nước và quốc tế để phân tích, đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế ở Việt Nam. 

Ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Với sự đồng tâm của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã có bước chuyển mạnh mẽ bắt đầu từ Hiến pháp 2013, tổ chức bộ máy Chính quyền Trung ương, địa phương cho tới việc sửa đổi hàng loạt các bộ luật quan trọng như Luật Dân sự, hình sự cho tới các luật kinh tế như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Quản lý Tài sản vốn nhà nước… Tất cả các bộ luật này đều hướng theo tiến bộ với tinh thần đổi mới rất cao. 


Tuy vậy, tất cả những cố gắng này là chưa đủ, bởi vấn đề then chốt nhất là phải hoàn thiện, thúc đẩy phát triển các nhân tố thị trường một cách đầy đủ theo hướng thị trường hiện đại. 


Hơn nữa, trong hàng loạt các luật vừa được thông qua cũng mới chỉ dừng lại ở một số điểm đổi mới nhất định, cần phải tiếp tục hoàn thiện theo các tầng nấc phát triển của Việt Nam. 


Dẫu vậy, nhìn lại chặng đường 5 năm qua, có thể đánh giá trong giai đoạn này, đổi mới thể chế chính là điểm sáng của Việt Nam. 


Được xem là một trong những bộ trưởng có tinh thần đổi mới mạnh mẽ, cá nhân Bộ trưởng có chịu sức ép về điều này trong thời gian qua hay không?


Tôi nghĩ mình không chịu nhiều sức ép, bởi bên cạnh tôi có rất nhiều lãnh đạo cấp cao từ Đảng, Quốc hội tới Chính phủ đều ủng hộ và khuyến khích sự đổi mới này. Và tôi nghĩ rằng, những đổi mới được kiểm chứng, đem lại lợi ích cho đất nước, cho dân tộc nhất định sẽ được ủng hộ.


Dẫu vậy, đổi mới thì không thể tránh khỏi đụng chạm lợi ích nên phản đối gay gắt lắm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư vì thế cũng chịu không ít áp lực và cá nhân tôi lại càng chịu áp lực nhiều hơn trong quá trình soạn thảo luật.


“Tôi thanh thản lắm!”


Đầu tiên, với sự ra đời của Chỉ thị 1792/CT-TTg vào thời điểm tháng 10/2011 nhằm kiểm soát “căn bệnh” đầu tư dàn trải, Bộ trưởng có cảm thấy sức ép không khi lúc đó các dự án đầu tư công thực sự nở rộ?


Khi Chỉ thị 1792 ra đời vào tháng 10/2011, thời điểm để làm kế hoạch cho năm 2012, các địa phương gần như bị choáng váng, vì chưa bao giờ có quy định chặt như thế này. Nhiều dự án bị buộc phải phanh lại và địa phương kêu ca hàng loạt dự án bị dở dang.


Nhưng đến giờ các địa phương lại không “ghét” mà nhiều người thậm chí còn “yêu” nó. Tôi nói có căn cứ. Nhiều địa phương từ bí thư, chủ tịch tỉnh tới các sở ban ngành khi gặp tôi đều bày tỏ mong muốn tôi tiếp tục đóng góp cho ngành, cho dù họ là đối tượng bị “thít chặt”. 


Các địa phương đã hiểu được rằng trong điều kiện hiện nay của đất nước không thể làm khác được, không thể để lại nợ đọng, để lại hậu quả kinh tế cho địa phương. Tôi vui vì lúc đầu áp lực là rất lớn nhưng lúc này thì mình lại được yêu quý. Tôi thanh thản lắm!


Tư tưởng đổi mới của Bộ trưởng cũng gặp không ít thách thức khi Luật Đầu tư công và 5 nghị định xử lý nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản ra đời nhưng vẫn có địa phương dường như đã “lờ” vấn đề này?


Nợ đọng ngân sách Trung ương cơ bản được giải quyết trong 5 năm tới bởi có nghị quyết của Chính phủ với những kế hoạch rất chi tiết. 


Vốn Trung ương là do Thủ tướng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ nên hoàn toàn có thể kiểm soát nguồn vốn này để không tạo ra nợ công. Hơn nữa với các chế tài của luật thì các bộ, ngành và địa phương sẽ không có cơ hội để làm công trình khi không có tiền, từ đó sẽ làm trong sạch ngân sách cấp Trung ương. 


Nhưng ngân sách địa phương thì chắc chắn phải mất thời gian hơn vì chưa có đủ chế tài để quản lý trong khi Hiến pháp, pháp luật lại trao quyền cho địa phương quản lý, sử dụng vốn này. 


Nhưng rõ ràng nếu ngân sách Trung ương cho địa phương bị thít chặt sẽ tác động trực tiếp đến quyết định của địa phương nên địa phương có xu hướng làm tốt điều này trong tương lai. 


Tuy nhiên, tôi vẫn phải cảnh báo là địa phương đang chạy theo thành tích như tình trạng xây dựng nông thôn mới vừa qua, các xã vẫn bất chấp vay nợ để xây dựng. Phải có thời gian để tiếp tục đánh giá và kiểm soát vấn đề này.


Pháp luật tốt, bộ máy không tốt thì cũng không hiệu quả


Chuyển từ “chọn-cho” sang “chọn-bỏ”, Luật Doanh nghiệp thể hiện rất rõ tư tưởng đổi mới. Song tinh thần đổi mới của luật có thể bị hạn chế bởi vấn đề thực thi như nhiều quan ngại được đưa ra gần đây. Bộ trưởng nhìn nhận vấn đề này như thế nào?


Chúng ta bỏ rất nhiều tâm huyết để xây dựng luật tốt nhưng tư tưởng của luật có đi vào cuộc sống được hay không còn bị hạn chế bởi vấn đề thực thi pháp luật của Việt Nam chưa được tốt. 


Điều này là sự thật hiển nhiên và ai ai cũng có thể nhìn thấy. Luật chúng ta xây dựng đều với tinh thần đổi mới, cải cách minh bạch hơn, tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư… nhưng các nghị định, thông tư hướng dẫn của ta còn nhiều chỗ chưa rõ ràng. 


Hơn nữa, vấn đề thực thi ở cấp cơ sở, cấp người thực hiện lại đi rất xa tư tưởng làm luật cho nên ngay vấn đề hiểu luật còn chưa được thống nhất. Chất lượng bộ máy cán bộ, công chức cũng là vấn đề phải bàn. 


Nếu họ toàn tâm, toàn ý phục vụ cho doanh nghiệp, người dân thì chắc chắn tình hình sẽ tốt hơn rất nhiều. Chứ nếu còn lợi dụng khe hở của pháp luật, đặt ra điều kiện để hành doanh nghiệp, người dân thì doanh nghiệp và người dân vẫn còn khó.


Nghị quyết 19 của Chính phủ năm 2014 và 2015 đã nói rất rõ ràng để cải thiện môi trường đầu tư phải giảm số giờ nộp thuế, tiếp cận điện năng, đăng ký doanh nghiệp… nhưng ở đâu đó, doanh nghiệp vẫn phàn nàn là thủ tục làm vẫn còn vướng mắc. 


Chúng ta phải xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, xây dựng chế tài để lựa chọn người tài, người tốt vào bộ máy công chức nhà nước và loại thải cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, gây khó cho doanh nghiệp, người dân. 


Pháp luật tốt, bộ máy không tốt thì cũng sẽ không có hiệu quả. 


Tư tưởng đổi mới trong kinh doanh đã không được cải thiện như mong muốn, bởi xuất hiện tình trạng “đẻ” thêm giấy phép con. Bộ trưởng nghĩ sao về điều này?


Luật Doanh nghiệp đã có hiệu lực. Ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện đều được công bố rộng rãi trên cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia. 


Nhưng không thể trông đợi một luật mà có thể xóa bỏ cơ chế xin-cho “ăn sâu, bám rễ” trong đầu từng cán bộ. Hiện giờ, các bộ ngành vẫn đưa ra các văn bản chuyên ngành để đặt ra các điều kiện áp đặt trong kinh doanh. 


Cũng phải nói thẳng là điều kiện kinh doanh mục đích là để đảm bảo chất lượng phát triển tốt hơn, đảm bảo cuộc sống người dân chứ không phải là để gây khó dễ cho doanh nghiệp. Có điều là những gì mang tính chất cấm đoán quyền kinh doanh trái với pháp luật thì phải hạn chế. 


Việc “đẻ” thêm những giấy phép con là không đúng với tinh thần này. 


Chính phủ vừa qua đã thành lập Tổ Thi hành Luật Doanh nghiệp 2014. Chúng tôi cũng chuẩn bị tiến hành đợt kiểm tra, rà soát vào đầu năm 2016 để xem có bao nhiêu giấy phép con kể từ khi luật ra đời. 


Nhưng có thể nói tư tưởng luật rất mới nên quá trình thực hiện luật còn phải xem xét nhiều yếu tố, song căn bản nhất là có hệ thống pháp luật quy định minh bạch.


Trong bối cảnh này, Bộ trưởng nghĩ thế nào về thực hiện mục tiêu “đưa môi trường đầu tư của Việt Nam ngang bằng với các nước ASEAN 4”?


Chính phủ đã đưa ra mục tiêu rất cụ thể là đưa môi trường đầu tư của Việt Nam ngang bằng các nước ASEAN 4 trong thời gian tới. Đây là mục tiêu rất tham vọng. 


Tôi cho rằng, trên cơ sở văn bản khung pháp lý quy định các điều kiện, tiêu chí ngang bằng các nước ASEAN 4 nhưng để triển khai các quy định này thông thoáng đúng với thực tế thì rất khó khăn. 


Đây là thách thức rất lớn trong điều hành chính sách. Nếu không có đột phá trong chấn chỉnh xử lý cơ quan thi hành pháp luật thì chắc chắn không thể đạt được mục tiêu này.

  • Theo Vneconomy

Tin bài liên quan:

Con Đường Việt Nam – Báo cáo về tình hình vi phạm nhân quyền trong một số trại tù Việt Nam

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam đã cải thiện về tự do báo chí?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Nguyên tắc Paris là gây khó với Hà Nội

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo