Tuyên bố của Đại diện Cấp cao thay mặt cho EU nhân Ngày Nhân quyền, 10 tháng 12 năm 2020

Tuyên bố của Đại diện Cấp cao thay mặt cho EU nhân Ngày Nhân quyền, 10 tháng 12 năm 2020

Vào ngày 10 tháng 12, chúng ta kỷ niệm Ngày Nhân quyền. Ngày này xứng đáng được chúng ta quan tâm vì nó đánh dấu sự ký kết của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948. Ngày nay, điều quan trọng hơn bao giờ hết đó là phải nhắc lại rằng các quyền con người là phổ quát và không thể bị chia tách, và rằng những nỗ lực của chúng ta nhằm bảo vệ các quyền này không bao giờ dừng lại.

Đại dịch virus corona đã làm gia tăng mức độ và làm trầm trọng thêm một số thách thức lớn nhất của thế giới, bao gồm cả các thách thức liên quan đến nhân quyền, dân chủ và pháp quyền. Ở nhiều nơi trên thế giới, chúng ta đã thấy những xu hướng đáng lo ngại: kiểm duyệt và hạn chế quyền tự do biểu đạt, sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng ngày càng sâu sắc, sự gia tăng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái cũng như việc giam giữ tùy tiện mà không hề có tác dụng gì trong sự ứng phó với virus corona. Nhưng có một điều rõ ràng đó là Liên minh châu Âu vẫn duy trì cam kết tôn trọng, bảo vệ và thực thi các quyền con người đối với tất cả mọi người; giá trị mang tính nền tảng này sẽ tiếp tục định hướng cho mọi hành động của chúng tôi. Không ai bị bỏ lại phía sau, không có quyền con người nào bị bỏ qua.

Đại dịch virus corona cũng đã mở ra cơ hội cho hành động tập thể mạnh mẽ hơn. Trong bối cảnh địa chính trị đang thay đổi ngày nay, Liên minh châu Âu vẫn là nhà ủng hộ mạnh mẽ nhất cho chủ nghĩa đa phương với nhân quyền ở vị trí cốt lõi.

Hôm nay là cơ hội để ghi dấu những gì Liên minh châu Âu đã làm nhằm thúc đẩy nhân quyền trên toàn thế giới. Năm nay đã chứng kiến một số thành công đáng chú ý. Giữa đại dịch toàn cầu, EU đã thông qua Kế hoạch Hành động mới của mình về Nhân quyền và Dân chủ, trong đó EU đã đề ra một lộ trình đầy tham vọng cho các hành động đối ngoại trong vòng 5 năm tới. Kế hoạch Hành động này là một cơ hội nhằm phục hồi hoạt động nhân quyền và dân chủ của chúng ta. Việc thành lập Chế độ Trừng phạt Nhân quyền Toàn cầu của Liên minh châu Âu, cho phép chúng tôi áp dụng các biện pháp trừng phạt, với việc đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với những người có liên quan đến sự vi phạm và lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng, là một bước tiến hữu hình khác sẽ giúp tăng cường hơn nữa hành động tập thể về nhân quyền. Trong suốt năm nay, EU đã là một tiếng nói hàng đầu trong các thể chế đa phương đang có hoạt động nhằm bảo vệ nhân quyền. Việc xây dựng các liên minh xuyên khu vực để hỗ trợ cho hành động của Liên hợp quốc là một ưu tiên hàng đầu. Hoạt động của chúng tôi trong việc hỗ trợ hành động của Liên hợp quốc đối với vấn đề Belarus là một ví dụ điển hình. Xuyên suốt phạm vi vấn đề nhân quyền, Liên minh châu Âu đã có nỗ lực đưa ra sự chú trọng mới và xây dựng các liên minh.

Trên thực tế, các Phái đoàn EU và Sứ quán các nước thành viên đã hỗ trợ các tổ chức xã hội dân sự và những nhà bảo vệ nhân quyền, đôi khi giúp họ thoát khỏi hiểm nguy, quan sát các phiên xét xử ở nhiều nơi trên thế giới, từ Nga đến Colombia và Hồng Kông, hoạt động trong các dự án thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em gái, những người trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương, quyền tự do báo chí và hỗ trợ xã hội dân sự. EU và các quốc gia thành viên của mình sẽ thúc đẩy để phụ nữ và trẻ em gái được hưởng đầy đủ quyền con người, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái như một ưu tiên của chúng tôi.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều việc cần phải làm. Từ năm 2021 trở đi, Liên minh châu Âu cam kết hợp tác cùng các đối tác của mình nhằm thể hiện vai trò lãnh đạo trong các vấn đề nhân quyền và nỗ lực tăng cường bảo vệ nhân quyền trong một thế giới hậu COVID-19.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)